Theo đó, sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội 2025, lượng khách tham quan, du lịch, chiêm bái, tham gia lễ hội tăng cao kéo theo nhu cầu về nghỉ dưỡng, ăn uống, một số đối tượng đã sử dụng công nghệ cao, lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Du khách tham quan chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là câu móc, kết nối lập ra tài khoản trên các trang mạng xã hội giả mạo các trang mạng của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có uy tín, sao chép giao diện, số điện thoại liên lạc gần giống với số điện thoại cơ sở lưu trú, lấy hình ảnh và đánh giá từ các nguồn tin cậy nhằm tạo niềm tin cho du khách.
Sau đó, quảng cáo, tiếp cận du khách, cung cấp các chương trình khuyến mãi với chiêu trò như “ Đặt phòng và các dịch vụ khác với giá ưu đãi”… Đến khi du khách đồng ý đặt phòng, các đối tượng tiếp tục nêu các lý do để yêu cầu khách chuyển tiền đặt cọc như: “Cơ sở luôn đông khách, thường bị quá tải”, “phải đặt cọc để 2 bên yên tâm, chắc ăn”; “đặt cọc để hưởng các chương trình khuyến mại, giá ưu đãi”…
Sau khi khách chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục đưa ra các lý do để lừa đảo khách hàng như: Do lỗi hệ thống nên cơ sở chưa thể nhận được tiền, khách phải chuyển lại; khách đã chuyển sai cú pháp hoặc khách nên chuyển thêm tiền để hưởng thêm dịch vụ ưu đãi…
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân và du khách, khi có nhu cầu tham quan, du lịch, trải nghiệm cũng như lựa chọn cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú trên địa bàn cần cẩn thận lựa chọn những công ty du lịch có uy tín, các cơ sở lưu trú có các thông tin rõ ràng.
Du khách và người dân cần kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp, mã số thuế nghiên cứu các đánh giá, phản hồi khách hàng trước khi lựa chọn… để tránh bị lừa đảo.