Nhìn vào bức hình dưới đây bạn có nhận ra sự khác nhau giữa trang bị của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với xạ thủ người Hàn Quốc, Jin Jongoh hay không. Không khó nhận ra, sự khác biệt chủ yếu nằm ở cặp kính đeo mắt của hai vận động viên. Trong khi kính của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là cặp kính cận (anh bị cận 2,5 độ), thì kính của xạ thủ Jin Jongoh là kính chuyên dùng cho bắn súng.
Các bí quyết trong thi đấu thể thao Olympic thường đi liền với bí quyết về trang bị, và cặp kính bắn súng là một trong những sản phẩm lạ lùng nhất về thiết kế công nghiệp mà bạn có thể thấy ở cuộc thi này. Ở cấp độ Olympic, những cặp kính như thế này gần như là một tiêu chuẩn. “Hầu như mọi người đều sử dụng chúng trong những ngày này.” Scott Pilkington, một người sửa chữa súng đã làm việc với nhiều thiện xạ Olympic trước đây, cho biết.
Đó là vì chìa khóa của việc bắn trúng đích không thực sự nằm ở việc tập trung vào riêng mục tiêu, nó nằm ở việc điều chỉnh để mục tiêu thẳng hàng với các thước ngắm ở đầu và cuối của khẩu súng. “Khả năng bắn trúng mục tiêu nằm ở việc, bạn có thể giữ hai điểm thẳng hàng này hướng thẳng về phía mục tiêu một cách chính xác.” Pilkington cho biết. Điều này thực sự khó hơn bề ngoài, nhưng những cặp kính bắn súng này làm việc đó trở nên dễ dàng hơn, nhờ vào một số thủ thuật thông minh về quang học.
Các phụ kiện quang học này trông khá phức tạp. Những chiếc kính bắn súng này có khả năng tùy chỉnh không giới hạn, một cặp kính từ nhà sản xuất của Thụy Sỹ, Champion’s Choice được làm từ gần 100 chi tiết khác nhau. Dù phức tạp như vậy, chúng vẫn chỉ có ba thành phần cơ bản: một mắt kính, con ngươi cơ học, và một loạt các miếng che mắt có thể gập lên gập xuống so với gọng kính.
Mắt kính có thể là được làm theo đặc điểm quang học cho mắt của xạ thủ (cận hay viễn ...), nhưng nó không phải để hỗ trợ cho khả năng nhìn nói chung. Một mắt khi ở trạng thái nghỉ thường tập trung vào một vật ở xa nhiều hơn, thay vì nhìn vào vật ở ngay gần với tay. Vì vậy, việc tập trung nhìn quá lâu vào một vật nào đó ở gần sẽ làm mắt phải điều tiết quá nhiều, và có thể dẫn đến mỏi mắt.
Nhưng chỉ cần cộng thêm vào một chút vào độ hội tụ của thấu kính (như 0,5 diop theo những người làm về quang học) cho mắt kính của xạ thủ có thể giúp cho mắt đang ngắm của anh ấy, đưa đường ngắm của súng vào trong tâm điểm và giữ chúng ở đó, ngay cả khi anh ấy còn phải tập trung để hướng chúng thẳng hàng với mục tiêu ở xa.
Nhưng mắt kính này đi kèm với một sự đánh đổi: Đưa các điểm ngắm của khẩu súng vào tâm điểm sắc nét hơn có thể làm cho mục tiêu bị mờ đi. Đây là lúc những miếng che mắt và con ngươi cơ học phát huy tác dụng.
“Mắt của bạn giống như một ống kính camera vậy,” ông Tom Gaylord, người nổi tiếng trong giới xạ thủ như là cha đẻ của súng hơi, cho biết. Và nếu bạn được trang bị một camera thay vì một khẩu súng lục, đưa mục tiêu vào tâm điểm cũng đơn giản như thu hẹp khẩu độ ống kính của bạn.
Việc này sẽ tăng vùng khoảng cách mà trong đó, đối tượng sẽ xuất hiện ở tâm điểm (hay còn gọi là “Độ sâu của trường nhìn thấy” đối với các nhà nhiếp ảnh). Độ sâu của trường nhìn thấy lớn hơn, cho phép bạn có thể ngắm vào mục tiêu cách đó 10m và giữ cho hai điểm ngắm của súng, thẳng theo chiều dài cánh tay ở tâm điểm, tất cả cùng một lúc.
Con ngươi cơ học trên kính của các vận động viên bắn súng.
Một người bắn súng thường gắn con ngươi cơ học ngay sau mắt kính của mình trên chiếc kính bắn súng. Việc này cho phép anh ta điều khiển được độ sâu của trường nhìn thấy với tầm nhìn của riêng mình. Thu hẹp con ngươi sẽ giúp thu hẹp khẩu độ và giảm lượng sáng đi vào mắt người bắn, đưa mục tiêu và cả hai điểm ngắm vào tâm điểm sắc nét hơn khi không có kính. “Bạn càng phải nhìn vào ít ánh sáng, độ sâu trường nhìn thấy của bạn sẽ càng lớn hơn.” Ông Garlord cho biết.
Các miếng chắn sáng cũng làm nhiệm vụ tương tự bằng cách giảm lượng ánh sáng đi đồng tử của người bắn. Nhưng các miếng nhựa mờ này còn có tác dụng che khuất chuyển động của những người bắn và các hình ảnh khác, có thể làm mất tập trung vận động viên. “Tôi sử dụng chúng để chặn việc nhìn thấy những thứ chi phối mắt của tôi.” Jason Turner, người ba lần thi đấu tại Olympic cho biết.
Bạn có thấy điều này quá mức cần thiết không? Hoàn toàn không. “Ở cấp độ mà họ đang thi đấu với nhau, họ muốn giành được từng chút lợi thế có thể được.” Pilkington cho biết. Đó là lý do họ đeo lên mắt những thứ trông có vẻ kỳ dị kia.
Tham khảo WIRED