Nếu bạn đang bị ngứa ngáy, mọc mụn sau khi bôi kem chống nắng thì dưới đây là những thông tin mà bạn cần biết.
1. Hiểu về các thành phần trong kem chống nắng
Có 3 loại kem chống nắng được sử dụng phổ biến đó là kem chống nắng hóa học, kem chống nắng vật lý và kem chống nắng vật lý lai hóa học.
- Kem chống nắng hóa học là tổng hợp các hợp chất dựa trên carbon giúp bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV) có hại bằng cách hấp thụ lại và ngăn không cho các tia này đi qua. Sau đó chuyển hóa chúng thành bước sóng năng lượng thấp cũng như an toàn hơn, không gây tổn hại đến da.
Theo Đại học Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ, các thành phần chống nắng hóa học thường gây ra phản ứng dị ứng trên da nhất là oxybenzone (benzophenone-3), dibenzoylmethanes, cinnamate và benzophenones. Các thành phần khác như PABA (axit para-aminobenzoic) cũng đã được chứng minh là gây ra phản ứng dị ứng.
Dị ứng kem chống nắng không phải là vấn đề hiếm gặp (Ảnh: Internet)
- Kem chống nắng vật lý có thành phần khoáng chất không chứa các thành phần hóa học. Chúng chỉ chứa oxit kẽm hoặc titan dioxit kết hợp với oxit kẽm để chặn tia UV. kem chống nắng vật lý có xu hướng ít gây kích ứng hơn kem chống nắng hóa học, nhưng nó có thể khó tán đều trên da hơn và có thể để lại vệt trắng hoặc màu tro.
- Kem chống nắng vật lý lai hóa học là các loại kem chống nắng có chứa hoạt chất hấp thu, chuyển hóa năng lượng mặt trời và các hoạt chất bảo vệ, chống lại tia UV tác động đến làn da.
Vậy nguyên nhân gây dị ứng kem chống nắng là gì?
Một số thành phần trong kem chống nắng có thể gây ra dị ứng và các thành phần có nguy cơ gây dị ứng cao nhất thường là oxybenzone hoặc bezophenone-3; benzophenon; cinnamate; dibenzoylmethane.
Một số người cũng bị dị ứng với chất tạo mùi thơm (hương liệu) có trong kem chống nắng hoặc các hóa chất bảo quản.
Viêm da tiếp xúc là phản ứng dị ứng thường gặp nhất với kem chống nắng. Có 3 loại viêm da tiếp xúc có thể ảnh hưởng tới những người nhạy cảm với kem chống nắng đó là:
- Viêm da tiếp xúc kích ứng xảy ra ở những người có da nhạy cảm hoặc đang gặp các tình trạng về da như bệnh chàm, vảy nến,...
- Viêm da tiếp xúc dị ứng là loại viêm da xảy ra khi một người bị dị ứng với thành phần cụ thể có trong kem chống nắng
- Viêm da tiếp xúc quang hóa là dị ứng xảy ra khi kem chống nắng tiếp xúc với tia UV, đôi khi phản ứng này tương tự như bị cháy nắng.
Mức độ và triệu chứng dị ứng kem chống nắng sẽ khác nhau tùy từng người (Ảnh: ST)
Triệu chứng dị ứng kem chống nắng phổ biến bao gồm:
- Da mẩn đỏ, sưng
- Cảm giác ngứa và châm chích trên da, ngứa lỗ chân lông
- Nổi mẩn, nổi mề đay
- Bong tróc da thậm chí là nứt chảy máu
- Phát ban thành từng mảng hoặc các mụn nước chứa dịch lỏng
- Mụn trứng cá.
Nhóm có nguy cơ gặp phải dị ứng kem chống nắng thường là người đang có sẵn các vấn đề về da như chàm hay vẩy nến hoặc những người làm việc ngoài trời trong thời gian dài và có làn da đã từng bị tổn thương do ánh nắng mặt trời trước đó.
Sau bao lâu thì các triệu chứng dị ứng kem chống nắng khởi phát?
Khoảng thời gian xuất hiện các triệu chứng dị ứng là khác nhau ở mỗi người, có thể là vài phút hoặc tới 2 ngày để có thể nhận thấy các bất thường trên da. Đôi khi bạn có thể không bị các phản ứng dị ứng cho tới khi kem chống nắng tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời.
Dị ứng kem chống nắng được điều trị tương tự như các phản ứng dị ứng da khác. Với trường hợp dị ứng mức độ nhẹ thì các nốt mẩn hay phát ban sẽ tự giảm theo thời gian.
Với trường hợp dị ứng nặng hơn, có thể sẽ cần tới steroid tại chỗ hoặc uống để giảm mức độ viêm và dị ứng hoặc thuốc kháng histamine đường uống cũng giúp giảm ngứa. Nhưng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi uống thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Dị ứng kem chống nắng được điều trị tương tự như các phản ứng dị ứng da khác (Ảnh: ST)
Nếu như việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân gây ra các phản ứng dị ứng, bạn nên hạn chế tiếp xúc vào các thời điểm ánh nắng mặt trời gay gắt, che chắn bằng áo, mũ chuyên dụng và nhận tư vấn từ bác sĩ về loại kem chống nắng phù hợp, đặc biệt là bạn cần nhớ nên tránh ánh nắng trực tiếp tới khi làn da phục hồi được hoàn toàn, thời gian có thể tới vài ngày tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dị ứng.
Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm kem dưỡng ẩm, túi làm lạnh khẩn cấp (khăn chườm bọc đá hay sử dụng trong y khoa giảm các vết thương bị sưng),...
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Nếu bạn bị dị ứng da kèm theo các triệu chứng sốc phản vệ bao gồm tức ngực, thở khò khè, khó thở, sưng họng, khàn giọng, khó nuốt, co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt hoặc ớn lạnh, tái nhợt mặt và cơ thể hoặc đỏ bừng mặt thì cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được can thiệp y tế.
Hoặc khi bạn tự điều trị tại nhà nhưng không thuyên giảm, các vết phồng rộp tăng nặng thì cũng cần thăm khám sớm.
Cách tốt nhất giúp ngăn ngừa các phản ứng dị ứng do kem chống nắng chính là tránh các tác nhân có thể gây dị ứng cho làn da của bạn, đặc biệt ở người có làn da nhạy cảm hoặc đang gặp các vấn đề có sẵn về da.
Với bất kỳ sản phẩm chăm sóc da hay kem chống nắng mới, bạn cần phải dùng thử trên một vùng da nhỏ để kiểm tra có bị dị ứng hay không từ một đến hai ngày. Để vùng da đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và quan sát phản ứng bất thường nếu có.
Có rủi ro nào khi sử dụng kem chống nắng không?
Hiện tại, không có dữ liệu nào cho thấy việc sử dụng kem chống nắng có liên quan đến các tác động có hại cho sức khỏe và dựa trên những gì chúng ta biết ngày nay, lợi ích của việc sử dụng kem chống nắng trong việc bảo vệ da chống lại ung thư da và lão hóa sớm vượt xa các rủi ro tiềm ẩn.
Nếu như bạn lo ngại về kem chống nắng hóa học thì có thể sử dụng kem chống nắng vật lí hoặc kem chống nắng vật lí lai hóa học với oxit kẽm và titan dioxide để giảm nguy cơ dị ứng.