Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt, là thời điểm để các gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên, cầu chúc cho một năm mới an khang thịnh vượng, mọi sự tốt lành. Trong các nghi thức cúng Tết, lễ cúng giao thừa có vai trò đặc biệt quan trọng để tiễn năm cũ, đón năm mới.
Thông thường, các gia đình Việt chuẩn bị hai mâm cỗ cúng giao thừa, một mâm cỗ để cúng ngoài trời, một mâm cúng trong nhà. Mỗi mâm cỗ có những món ăn đặc trưng và ý nghĩa riêng biệt, phù hợp với từng nghi thức và phong tục. Một số gia đình cho điều kiện không gian không đủ hoặc những lý do khác nên chỉ làm mâm cỗ cúng trong nhà.
Mâm cỗ cúng ngoài trời được chuẩn bị để tiễn vị thần hành khiển cũ và đón vị thần hành khiển mới. Đây là nghi thức tiễn biệt những điều không may mắn của năm cũ, đồng thời cầu mong năm mới bình an, phát tài phát lộc. Các gia đình thường cúng mâm lễ ngoài trời ở gần cửa chính hoặc trong khuôn viên nhà, nơi có không gian rộng rãi, phù hợp với việc cúng thần linh.
Mâm cỗ ngoài trời có thể là lễ mặn hoặc lễ chay, tùy theo điều kiện và truyền thống của từng gia đình. Các món ăn chủ yếu trong mâm lễ cúng ngoài trời gồm:
Ngoài các món ăn, gia chủ cũng có thể chuẩn bị thêm tiền vàng mã, mũ của quan hành khiển, như một phần của nghi thức truyền thống.
Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà để cúng gia tiên và Thổ công, cầu mong gia đình được bình an, sức khỏe, và gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới. Mâm cỗ cúng trong nhà thường được chuẩn bị đầy đủ hơn và tuỳ theo từng vùng miền mà có sự khác biệt về các món ăn.
Mâm cỗ cúng giao thừa ở miền Bắc thường gồm 4 bát và 4 đĩa, nếu cỗ lớn thì có thể lên tới 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, thể hiện sự thịnh vượng, đủ đầy. Các món ăn đặc trưng gồm: Móng giò hầm măng, bóng bì nấu thập cẩm, canh mọc, miến nấu lòng gà, xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm, dưa hành muối.
Mâm cỗ cúng giao thừa ở miền Trung có sự pha trộn giữa các món ăn đậm đà, đặc biệt là các món nguội và các món chế biến từ thịt, cá. Mâm cỗ thường đơn giản nhưng tinh tế, với những món ăn đặc trưng mang đậm hương vị miền Trung như: Dưa món, giò lụa, thịt đông, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, bát măng khô ninh, bát miến, cá chiên hoặc chả ram
Mâm cỗ cúng giao thừa miền Nam đơn giản hơn do khí hậu nắng nóng, các gia đình thường ưu tiên món nguội, dễ ăn và mát mẻ như canh khổ qua nhồi thịt, canh măng, thịt kho hột vịt, chả giò, củ kiệu, bánh tét.
Theo quan niệm truyền thống, lễ cúng giao thừa ngoài trời cần phải được thực hiện trước nhằm tiễn quan hành khiển cũ và đón quan hành khiển mới. Sau đó, gia chủ mới thực hiện lễ cúng trong nhà để cầu nguyện cho tổ tiên và thần linh bảo vệ gia đình trong năm mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều gia đình sống ở chung cư không có không gian ngoài trời. Trong trường hợp này, gia chủ có thể chỉ thực hiện lễ cúng giao thừa trong nhà hoặc lựa chọn khu vực sân chung cư để tiến hành lễ cúng.