Cận cảnh màn phù phép rượu trôi nổi + rượu Lào = rượu ngoại tiền triệu

Mộc Miên (T/H theo VTV, VTC News), Theo Người đưa tin 15:10 19/01/2021
Chia sẻ

Rượu từ chai hình con chuột từ năm trước có lẽ không bán được nên được đổ vào can, sau đó chiết sang những chai thủy tinh hình con trâu để tiêu thụ năm Tân Sửu.

Video: Cận cảnh màn phù phép rượu trôi nổi + rượu Lào = rượu ngoại tiền triệu

Cuối năm, các mặt hàng rượu ngoại có sức tiêu thụ mạnh dịp cuối năm. Theo cục Cảnh sát môi trường, các đối tượng đã tìm mua số lượng lớn chai thủy tinh, chai sứ có hình các con giáp, sau đó sản xuất rượu giả với hình thức giống như sản phẩm thật, vốn có nguồn gốc từ Armenia hoặc LB Nga. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều sản phẩm rượu là rượu giả, được pha chế thủ công để bán ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng.

Rạng sáng 18/1, cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đột kích và triệt phá cơ sở sang chiết và đóng hộp dán nhãn các loại rượu do nước ngoài sản xuất. Hàng trăm chai rượu ngoại giả được sản xuất từ một "lò" sản xuất với những dụng cụ cáu bẩn rồi dán nhãn ngoại, bán ra với giá cả triệu đồng/chai.

Được biết, xưởng sản xuất này tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Nó nằm sâu trong một khu đô thị, luôn trong tình trạng đóng kín cửa.

Cận cảnh màn phù phép rượu trôi nổi + rượu Lào = rượu ngoại tiền triệu - Ảnh 2.

Những chai rượu ngoại dởm hình 12 con giáp.

 

Thời điểm đột kích, một chai rượu hình con chuột được sản xuất từ năm trước không rõ vì lý do gì được chủ cơ sở đổ rượu vào can, chiết sang những chai thủy tinh hình con trâu để tiêu thụ trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng thu giữ rất nhiều vỏ hộp, tem nhãn, chai lọ và hàng trăm sản phẩm rượu đã đóng chai chuẩn bị đưa đi tiêu thụ có dấu hiệu là hàng giả tại thời điểm kiểm tra.

Cũng tại đây, công thức pha chế những chai rượu ngoại dởm được bật mí. Theo đó, chủ cơ sở đã thu mua rượu trôi nổi trên thị trường, pha trộn với rượu Lào rồi đóng vào các chai thủy tinh có hình linh vật tượng trưng cho 12 con giáp, sau đó dán tem nhãn nước ngoài và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt, những chiếc tem quyền lực mua trên mạng xã hội sẽ được chủ cơ sở dán lên các chai rượu này. Đó là tem với chữ viết bằng tiếng Nga, thậm chí có cả tem rượu nhập khẩu, tem chống hàng giả.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết, tất cả các loại tem mác này đều là giả, được đặt in trong nước. Thậm chí, một số loại rượu tồn kho từ năm trước cũng được quay vòng để sử dụng lại.

Được biết, mỗi chai rượu như thế này có giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Giá cả tùy thuộc vào chất liệu và hình dáng vỏ chai.

Cơ quan chức năng đưa cảnh báo người dân về việc lựa chọn mua rượu đúng nguồn gốc, xuất xứ. Tránh trường hợp mua phải hàng giả, dẫn đến những hệ quả xấu cho sức khỏe như ngộ độc rượu, thậm chí tử vong.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định cụ thể như sau:

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 2 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày