Thú thật, cảm giác lần đầu khi nhận được chiếc hộp Find X2 và Find X2 Pro của tôi là khá thất vọng, bởi thiết kế hộp chẳng còn gì đặc biệt so với thế hệ trước. Nếu như trước đây OPPO làm kiểu kéo ra theo ngăn cho Find X đầu tiên thì giờ đây họ lại chọn kiểu đóng hộp không khác gì sản phẩm phổ thông trên thị trường.
Hộp Find X đầu tiên tạo cảm giác hứng khởi khi mở ra bao nhiêu...
... thì Find X thế hệ thứ 2 lại khiến tôi thất vọng bấy nhiêu về cách thiết kế, đóng gói. Thậm chí, cá nhân tôi cũng không thích font chữ của hộp X2 này.
Về cơ bản, Find X2 và Find X2 Pro đều giống hệt nhau ở cách đóng gói và màu sắc hộp, OPPO chỉ đóng thêm chữ Pro bên mặt trên này để chúng ta có thể phân biệt.
Phần "nhân" bên trong hộp tất nhiên lại có sự khác biệt giữa 2 sản phẩm, chiếc máy bên trái màu xám là Find X2 Pro còn màu xanh kia là Find X2. Cả hai đều sử dụng củ sạc 65W khá to, còn tai nghe Find X2 Pro là dạng earbud có mút cao su để cách âm tốt hơn so với tai nghe thông thường của Find X2 (có phần giống với earpods của Apple).
Cận cảnh tai nghe của Find X2 Pro, có viền chỉ xanh lá - tone màu chủ đạo của OPPO.
Trái ngược với "lớp vỏ xù xì" chẳng mấy đẹp đẽ, phần "nhân" bên trong của OPPO Find X thế hệ mới lại vô cùng hấp dẫn. Đập vào mắt tôi là hai chiếc máy có thiết kế mặt lưng đẹp, chỉn chu và có những vân hoa văn rất riêng.
Những năm gần đây, OPPO đưa các vân chìm xuống dưới lớp kính của một vài sản phẩm, và lần này với Find X2 họ cũng đem đến họa tiết gấp khúc rất độc lạ.
Càng ngắm những vân chìm này dưới ánh nắng, tôi càng mê đắm và không rời mắt được.
Bản Find X2 Pro có vân lượn sóng, khó nhìn ra hơn, nhưng khi miết ngón tay vào mặt lưng có thể cảm nhận được những đường vân ấy. Điểm đặc biệt của cả 2 dòng Find X2 này là mặt lưng dù có ốp kính bóng nhưng độ bám vân tay rất ít và đó cũng là điều mà tôi rất thích. Nhìn chung, đây là một trong số ít những sản phẩm smartphone khiến tôi quên đi ốp lưng bảo vệ, cứ để "trần" mà dùng cho nó đẹp, lại ít bám vân tay và dễ lau chùi thì chẳng có gì đáng lo nữa cả.
Cụm camera sau của cả 2 lồi lên khá nhiều, nhất là với phiên bản FInd X2 Pro. Tuy nhiên có thể hiểu được vì sản phẩm này trang bị hệ thống ống kính zoom quang 5x và có khả năng đẩy zoom xa nhất 60x (Find X2 là 20x). So với các dòng sản phẩm khác có khả năng zoom xa thì rõ ràng cụm camera của OPPO vẫn khá hợp lý.
Dù có 3 camera nhưng OPPO vẫn lựa chọn kiểu thiết kế theo chiều dọc cho dòng Find X2 mới của mình.
OPPO Find X2 Pro sử dụng cảm biến ảnh mới nhất của Sony là IMX689, độ phân giải 48 MP, kích thước pixel 1,12 micromet, hỗ trợ lấy nét dual-pixel, chống rung quang học OIS. Bên cạnh đó là một cảm biến 48MP khác đồng thời là camera góc siêu rộng và camera zoom 13MP (ống kính tiềm vọng). Nhờ đó mà Oppo Find X2 Pro có khả năng zoom quang 5x, zoom hybrid 10x và zoom kỹ thuật số lên tới 60x.
Còn với Find X2, máy chỉ dùng cảm biến ảnh IMX586 48MP, camera góc rộng 12MP và camera tele 13MP, không có ống kính tiềm vọng và chỉ có thể zoom quang 3x.
Khả năng zoom tối đa của cả 2: bản thường là 20x và bản Pro là 60x nhờ sự hỗ trợ của ống kính tiềm vọng.
Cả 2 được trang bị màn hình AMOLED 6,7 inch 10bit, độ phân giải 3168 × 1440p, tỷ lệ khung hình 20:9, độ phủ màu 100% DCI-P3, được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 6. Màn hình của Find X2 và Find X2 Pro cũng có tần số làm mới lên đến 120Hz, tương tự như Galaxy S20 series mới đây của Samsung. Camera selfie đục lỗ 32MP nằm ở góc phía trên bên trái màn hình.
Ngoài ra, cả hai cũng hỗ trợ độ nhạy cảm ứng lên đến 240Hz giúp trải nghiệm người dùng và chơi game tốt hơn,
Bên trong cả hai là chip xử lý Snapdragon 865, bộ nhớ RAM LPDDR5 12GB, dung lượng lưu trữ 512GB chuẩn UFS 3.0 cao cấp nhất trên Find X2 Pro và 256GB trên Find X2, không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài.
Find X2 có pin dung lượng 4.200mAh so với Find X2 Pro với pin 4.260mAh. Cả 2 đều hỗ trợ sạc nhanh Super VOOC 2 65W, có thể sạc 0 - 100% chỉ trong 38 phút.