Ông Giang - chủ hộ từng đòi bồi thường thêm 100 triệu NDT (tương đương khoảng 331 tỉ đồng) và 6 căn nhà mới chịu giao nhà cho dự án xây dựng đường đại lộ.
Câu chuyện về những căn nhà ngoan cố bám trụ ở các dự án trọng điểm là một trong những chủ đề nhiều người quan tâm. Không ít người thắc mắc, tại sao chủ nhà lại ngoan cố dù đã được bồi thường số tiền cực lớn.
Dự án xây dựng đường Huting North ở Thượng Hải bắt đầu vào năm 2003. Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Giang nằm trong phần quy hoạch 1 dự án trọng điểm của Thượng Hải. Khi người của ban dự án tới làm việc, ông từng yêu cầu được đền bù 6 căn nhà cộng với khoản bồi thường 100 triệu NDT.
Tuy nhiên, yêu cầu này cũng bị bên dự án từ chối và các cuộc đàm phán sau đó đã kết thúc trong thất bại. Không hài lòng với chính sách bồi thường cho việc phá dỡ, gia đình ông Giang đã phải chịu đựng cảnh xô bồ của con đường trong 14 năm.
Ngôi "nhà đinh" bị tháo dỡ sau 14 năm. Ảnh: Sohu
Năm 2003, thị trấn Tùng Giang, Thượng Hải đã trở nên thịnh vượng với quá trình đô thị hóa. Chính quyền quận Tùng Giang bắt đầu lên kế hoạch xây dựng các con đường chính, sau khi các bộ phận liên quan nghiên cứu, gia đình Giang nằm trong diện bị phá dỡ.
Ban đầu, gia đình ông rất vui vì cho rằng, khi ngôi nhà bị phá dỡ gia đình họ sẽ có được một khoản đền bù khổng lồ. Điều này sẽ thay đổi chất lượng cuộc sống của họ. Gia đình rất ủng hộ việc phá dỡ sau khi được thông báo, nhưng diễn biến sau đó dần dần khiến chủ gia đình thay đổi ý định ban đầu.
Gia đình ông Giang sống ở số 238 đường Huting North từ năm 1951. Năm 1996, ông Giang đã chi gần 200.000 NDT để xây dựng thành một biệt thự ba tầng. Vào thời điểm đó, biệt thự của Zhang Xinguo đã rất nổi tiếng xung quanh bởi khang trang, rộng rãi.
Cả nhà ông sống cùng nhau, gia đình rất hài lòng, hạnh phúc. Trong nhà có nhiều phòng trống, ông Giang cho người khác thuê với giá 3 đến 4 nghìn NDT mỗi tháng.
Ông Giang. Ảnh: Sohu
Nhưng điều này lại trở thành vấn đề đối với ông Giang khi ngôi nhà nằm trong diện đền bù. Chính vì người trong nhà đông nên việc phân chia lợi ích trong nhà không đồng đều. Theo ông Giang, chính quyền nên bồi thường 100 triệu NDT cùng 6 căn nhà cho các thành viên đang sinh sống tại đó. Trong đó 4 căn cho vợ chồng ông và gia đình 2 người con trai đang ở tại ngôi nhà và 2 căn khác cho 2 con gái đã lập gia đình.
Tuy nhiên, yêu cầu đã bị chính quyền có liên quan từ chối. Họ chỉ đồng ý cấp cho ông Giang 3 ngôi nhà tái định cư. và một khoản tiền nhỏ. Sự chênh lệch giữa hai phương án là không nhỏ nên gia đình ông không chấp thuận, việc tháo dỡ bị tạm dừng.
Mặc dù hai bên đã ngồi lại bàn bạc nhiều lần nhưng không bên nào chịu nhượng bộ. Ông Giang thậm chí còn mất bình tĩnh nói rằng: Tôi thà không nhận bồi thường và nhất định không đồng ý phá dỡ. Từ năm 2003 khi có thông báo phá dỡ, đến năm 2008 khi con đường được xác nhận sẽ mở rộng, gia đình Giang vẫn kiên quyết sống ở đây.
Nhưng cuộc sống của một gia đình sống ở giữa đại lộ không hề dễ dàng, bởi vì con đường xuyên thẳng vào lối cửa chính, lưu lượng xe cộ rất nhiều khiến việc di chuyển, sinh hoạt của gia đình có nhiều bất tiện.
Nửa đêm khuya tiếng ồn từ những chiếc xe tải lớn khiến vợ chồng ông không ngủ nổi. Thậm chí, có những lần sàn nhà rung chuyển, đồ đạc trong nhà chực đổ xuống… khi có xe đi qua.
Vì ở vị trí dễ quan sát được các sự cố nên gia đình ông Giang thường xuyên bị triệu tập để làm nhân chứng trong việc giải quyết các va chạm giao thông trong giờ cao điểm. Trung bình mỗi tháng ông phải làm nhân chứng tới 5 lần. Tuy vậy, gia đình ông vẫn kiên quyết không chịu nhượng bộ.
"Nhiều người chê cười chúng tôi, nhưng tôi khẳng định rằng không phải vì chúng tôi cứng đầu, mà chỉ muốn bảo vệ lợi ích chính đáng của mình", ông Giang từng chia sẻ.
Bước ngoặt xảy ra vào tháng 9/2016, khi chính quyền quận Tùng Giang thành lập Văn phòng tái định cư. Trách nhiệm chính của bộ phận này là liên lạc và giải quyết vấn đề của các hộ "nhà đinh". Sau khi thành lập, đối tượng đầu tiên cần thuyết phục chính là gia đình ông Giang.
Lôi Hòa, lúc đó là giám đốc văn phòng tái định cư, cứ hai ngày lại đến nhà ông Giang để tìm hiểu tình hình và các thói quen hàng ngày. Lần đầu tiên liên lạc với gia đình, Lôi Hòa gần như liên tục bị từ chối.
Tuy nhiên anh vẫn thường xuyên lui tới. Đôi khi anh ấy sẽ giúp đỡ những khó khăn trong cuộc sống của gia đình ông Giang. Anh Lôi thậm chí chưa bao giờ yêu cầu gia đình ông Giang phải chuyển chỗ ở một cách cưỡng bức.
Anh cũng đích thân tìm người giúp họ dựng hàng rào quanh nhà, gia đình Zhang Xinguo đã nhìn thấy những hành động này và ghi nhớ. Sự thân thiện của anh ấy khiến áp lực tâm lý của ông Giang dần tiêu tan, dần dần ông đã mở lòng để thương lượng.
Ngôi nhà nằm giữa đại lộ 14 năm. Ảnh: Sohu
Khi trò chuyện, ông Giang rất xúc động kể về những bất bình trong những năm qua: trước đây những người đến thương lượng với việc phá dỡ rất kiêu ngạo và không coi trọng gia đình họ. Vì vậy, ông kiên quyết không nhượng bộ, và cuộc chiến này đã kéo dài mười bốn năm.
Ông nói rằng: "Chúng tôi thực sự cũng muốn rời đi, gia đình chúng tôi thường coi trọng danh tiếng và không muốn làm quá. Nhưng họ đối xử lạnh nhạt với gia đình chúng tôi nên tôi cứ nhất quyết không buông, để xem ai cần hơn ai, lần này tôi đồng ý ra ở riêng vì thấy được sự thành tâm của chính quyền.
Lôi Hòa chia sẻ, anh và ban dự án rất hiểu hoàn cảnh của gia đình ông. Mặc dù gia đình ông ngoan cố sống trong ngôi nhà giữa đại lộ 14 năm nhưng chưa một ngày nào họ bị cắt điện nước. Thời điểm đó, văn phòng di dời cũng đã xem xét vấn đề an toàn của gia đình ông Giang. Họ cho dựng hàng rào bảo hiểm để giảm sự nguy hiểm đối với các thành viên.
Cuối cùng, gia đình ông Giang đã đồng ý phá dỡ nhà sau 14 năm. Về phần bồi thường, gia đình ông nhận được 4 căn nhà và 2,3 triệu NDT (tương đường 7,6 tỷ đồng). Mức bồi thường này thấp hơn nhiều so với mức ông từng yêu cầu 14 năm trước, nhưng tính ra thì cũng gia đình ông cũng không bị thiệt.
Ông Giang nói: "Bây giờ gia đình chúng tôi hiện đang sống trong một ngôi nhà tái định cư cách nhà cũ 3km, cuộc sống ổn định, thoải mái".
Cuối cùng, sau 14 năm, "ngôi nhà đinh" cứng đầu nằm giữa đại lộ của quận Tùng Giang đã bị phá dỡ nhờ sự mềm mỏng thuyết phục của cán bộ văn phòng tái định cư. Rút cuộc, việc giao tiếp có vai trò rất quan trọng trong những cuộc thương lượng. Sự mềm mỏng, kiên trì luôn phát huy hiệu quả tốt hơn.