Những người bại não... truyền cảm hứng cho triệu người
Năm 2014, báo chí thế giới đã nói rất nhiều về câu chuyện của nhà vô địch Olympic mùa đông ở môn trượt tuyết Alexandre Bilodeau, nhưng trong câu chuyện ấy người ta lại không tập trung vào nhân vật chính mang về tấm HCV cho đất nước Canada.
Thay vào đó, mọi sự chú ý dồn vào người anh trai của Bilodeau tên là Frederic, người mà sau khi nhận huy chương, Bilodeau lập tức lại ăn mừng và khẳng định với giới truyền thông rằng tấm huy chương vàng này thuộc về Frederic, bởi không có Frédéric thì anh đã phải bỏ cuộc từ lâu lắm rồi.
Bilodeau ăn mừng tấm HCV Olympic cùng anh trai đã vượt qua bệnh tật của mình.
Frédéric, anh trai Bilodeau là một người bị bại não từ nhỏ, không những thế tới năm 12 tuổi anh còn bị bại liệt. Nhưng thật kỳ diệu, nhờ ý chí kiên cường đến không tưởng mà 16 năm sau, Frederic đã chiến thắng được bệnh tật ở tuổi 28.
"Trước khi Olympic diễn ra, tôi đã rất chán nản và muốn giải nghệ, tôi đã tính sẽ đi làm một nhân viên kế toán và theo học ở trường Concordia University. Nhưng anh trai của tôi đã truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày để tôi không được phép từ bỏ. Nếu như anh ấy sống cuộc đời của tôi, thì anh ấy đã 3 lần vô địch Olympic rồi", Bilodeau tự hào chia sẻ về anh trai của mình.
Nếu như người anh trai bị bại não đã truyền cảm hứng cho nhà vô địch Olympic Bilodeau bởi tinh thần không bao giờ gục ngã và nghị lực phi thường, thì mới đây một người đàn ông cũng bị bại não khác ở Mỹ cũng đã truyền cảm hứng cho cả triệu người trên thế giới và khẳng định cho tất cả thấy rằng bệnh tật sẽ không bao giờ là rào cản để hướng tới thành công nếu chúng ta có đủ nghị lực.
Steve Alexy đã truyền cảm hứng cho cả triệu người trên thế giới.
Đoạn clip ghi lại màn biểu diễn thể hình đầy khó khăn của người đàn ông 43 tuổi - Steve Alexy có thể khiến nhiều người ban đầu ngạc nhiên và cảm thấy thú vị, nhưng khi biết rằng người đàn ông ấy cách đây 40 năm đã bị bại não và bác sỹ thẳng thừng nói với cha mẹ của anh rằng: "Anh ta sẽ không bao giờ làm nổi việc gì cả" thì tất cả đều phải thán phục nghị lực phi thường của anh.
"Alexy bị bại não, nhưng căn bệnh không đánh bại được anh ấy. Anh ấy đặt ra mục tiêu và đã chiến thắng! Chẩn đoán của các vị đã sai rồi", Suzy Farren Newman, người đã đăng tải clip lên mạng xã hội chia sẻ.
Việt Nam chúng ta cũng có những người như thế
Không chỉ ở nước ngoài, mà ngay tại Việt Nam và xung quanh chúng ta mỗi ngày luôn có rất nhiều những người khuyết tật đã vượt qua nghịch cảnh để tạo dựng được thành công mà ngay cả người bình thường không làm được.
Khi xem video clip VĐV Lê Văn Công nâng từng mức tạ khác nhau để rồi lập kỷ lục thế giới mới đồng thời giành tấm HCV lịch sử cho TTVN ở Paralympic Rio 2016, mọi người đều thấy cách anh Lê Văn Công nâng tạ thật nhẹ nhàng và cứ ngỡ mọi thứ chẳng có gì khó khăn cả.
Người đàn ông chỉ nặng chưa đầy 48 kg để nâng được mức tạ nặng 183 kg gấp 4 lần trọng lượng cơ thể đã phải mất cả cuộc đời để từng ngày rèn luyện, vượt lên số phận chính mình. Từ nhỏ Lê Văn Công đã bị teo chân, nhưng ngay cả khi nhỏ ý chí không được thua kém người bình thường đã khiến Công trỗi dậy và quyết tâm khẳng định bản thân mình.
Anh đi lại bằng đôi tay nhanh như đôi chân của các bạn bình thường, thậm chí anh còn ra sân đá bóng với các bạn cùng trang lứa bằng đôi tay để rồi từng ngày qua đi đôi tay ấy đã trở nên mạnh mẽ hơn và nâng được mức tạ gấp 4 lần cơ thể.
Chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm về bản thân, đó là lý do Lê Văn Công luôn muốn làm những việc như những người bình thường khác. Ngay cả trong tình yêu, bất chấp bị gia đình bạn gái phản đối anh cũng theo đuổi đến cùng với người mình yêu.
Điều quan trọng nhất với anh Công là ngay từ khi còn nhỏ, chưa bao giờ anh Công cảm thấy bị mặc cảm với những người bình thường dù bị khuyết tật, anh cho rằng người khác làm được thì anh chắc chắn làm được.
"Lúc đi học, Công luôn đứng trong top đầu của lớp. Từ nhỏ làm việc gì Công cũng không muốn thua kém ai cả, ngay cả sau khi tốt nghiệp cũng đi học ngành Công nghệ thông tin để không thua bạn, thua bè", bà Nguyễn Thị Quế kể về người con trai bị teo cơ chân bẩm sinh.
Lê Văn Công đã chứng minh cho câu châm ngôn "tàn nhưng không phế", thậm chí bệnh tật sẽ không phải là rào cản để hướng đến thành công. Vinh quang mà anh mang về cho đất nước không những truyền thông điệp và cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ như anh mà còn cho rất nhiều người bình thường khác.