Mọi nỗ lực đều được trả giá xứng đáng. Người cha 60 tuổi Lý Vệ Minh, quê ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, bao nhiêu năm không ngần ngại theo con đến trường, cùng con học bài. Hoàn cảnh gia đình éo le, vợ của ông Lý không may bị một khối u trong não, phải cắt bỏ dây thần kinh thị giác và trở thành người tàn tật vào năm 2005 nên mọi việc trong gia đình do một mình ông quán xuyến.
Cậu con trai duy nhất của hai người từ khi sinh ra rất khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng lại không thể ngồi hay bò. Lý Tân, sinh năm 2000 được bác sĩ chẩn đoán bị bại não bẩm sinh. Dù gia đình đã dốc sức chữa trị nhưng Lý Tân không thể đi đứng, tay bị khoèo; may mắn thay, nhận thức của Lý Tân không suy giảm và chỉ số IQ bình thường. Vì sức khỏe yếu nên Lý Tân không đi học mẫu giáo.
Nghỉ làm công nhân một nhà máy điện trong thành phố, ông Lý đành trở về nhà may vá thêm ở nhà kiếm chút tiền lẻ, tiện việc chăm vợ chăm con. Một ngày của ông kéo dài từ 5h và kết thúc lúc 23h. Ngay từ sáng sớm, ông đã làm việc không ngơi tay, từ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa đến phục vụ vệ sinh cá nhân cho cả vợ và con. Tuy nhiên, người đàn ông này không bao giờ than vãn và tin tưởng rằng mọi việc rồi sẽ ổn.
Năm Lý Tân 8 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa được đi học, cậu đã tha thiết xin bố được đến trường và hứa rằng sẽ chăm chỉ nỗ lực. Ông Lý thương con nhưng thấy con vô cùng quyết tâm nên đã cố gắng xin cho con học tại một trường địa phương. Ban ngày, ông theo con vào lớp để chăm sóc sức khỏe, việc mà giáo viên không thể làm. Buổi tối, ông lại dạy con học viết, làm toán và tự làm vệ sinh cá nhân. Dần dần, Lý Tân cũng tự mình tự rửa mặt, đánh răng và ngồi trên ghế tự tắm.
Lý Tân là một cậu học sinh chăm chỉ. Tay khoèo không thể viết nhanh như các bạn trong lớp nên cậu chắt lọc thông tin để viết được đầy đủ nội dung bài học trong thời gian ngắn. Thành quả mà cậu nhận lại trong 12 năm học là luôn đứng top 5 trong lớp. Lý Tân cũng được bố khuyến khích tham gia các hoạt động tập thể sau giờ học thay vì về nhà luôn. Cậu học sinh khuyết tật có rất nhiều người bạn tốt xung quanh, luôn giúp đỡ cậu nếu như bố có việc bận, không có mặt trên lớp.
Lớp 12, Lý Tân bày tỏ nguyện vọng muốn lên thành phố học và trở thành một lập trình viên máy tính với bố. Cuối cùng, cậu đỗ khoa công nghệ Đại học Ôn Châu và thừa nhiều điểm vào kỳ thi đại học năm 2019. Luôn ủng hộ con trong mọi quyết định, tháng 9/2019, ông Lý gửi vợ cho người thân chăm sóc và theo con lên giảng đường đại học. Ông Lý chia sẻ, "dù con trai ở đâu, tôi vẫn sẽ đồng hành cùng con, vì đó là điều duy nhất tôi có thể làm ở hiện tại".
Trường Đại học Ôn Châu khi biết được hoàn cảnh của Lý Tân cũng đã bố trí, sắp xếp phòng ký túc xá đặc biệt: đồ nội thất thiết kế riêng, trang thiết bị trong nhà vệ sinh được lắp thêm tay vịn, căn phòng có 2 giường và 1 phòng bếp rộng để nấu ăn. Lý Tân cũng được nhà trường trao học bổng để em có thêm nguồn động lực trên con đường học vấn.
Ông Lý xúc động không nói nên lời vì những gì nhà trường đã giúp đỡ hai cha con. Suốt 1 năm qua, ông luôn dậy sớm từ 5h sáng, nấu ăn, sau đó sắp xếp đồ đạc đẩy xe lăn cho con lên giảng đường. Khi con học, ông đứng ngoài chờ đợi. Buổi trưa, hai cha con ăn cơm ở căng tin trường để kịp giờ học buổi chiều.
Trong những năm tháng còn đi học ở Chiết Giang, ông Lý luôn động viên con: "Con cần cố gắng gấp nhiều lần những bạn khác. Định mệnh như thế nào là do con quyết định mà thôi". Ông cũng thường nhắc nhở những đứa trẻ khác: "Không học thì không có tương lai".
Hình ảnh Ding Ding.
Hình ảnh Ding Ding và mẹ.
“Ta không chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống".
Trước đó, nhiều người đã vô cùng ngưỡng mộ câu chuyện của chàng trai Ding Ding sinh năm 1989, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Do biến chứng khi mang thai nên cậu bị ngạt từ trong tử cung dẫn tới bại não. Tuy nhiên, với sự giúp sức và lòng yêu thương của mẹ, Ding Ding đã vươn lên thoát khỏi sự nghiệt ngã số phận.
Năm 2011, cậu đã có thể tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Khoa học môi trường và kỹ thuật Bắc Kinh. Sau đó, cậu đăng ký học Thạc sĩ tại trường Luật Quốc tế và tốt nghiệp năm 2015. Sau khi làm việc được 2 năm, được sự động viên của mẹ, Ding xin học nâng cao tại Đại học Harvard. Qua nhiều vòng phỏng vấn, cuối cùng chàng trai nghị lực này đã nhận được giấy báo trúng tuyển.
Trên cuộc đời này, luôn có những kỳ tích được tạo nên từ những nỗ lực của những con người bé nhỏ. Chẳng có sức mạnh của siêu nhân, chẳng có phép thuật của thần tiên nhưng những điều kỳ diệu vẫn xảy ra. Tất cả là nhờ sự kiên trì, bền bỉ, không cho phép bản thân gục ngã của những con người ấy, và trên hết là niềm tin mạnh mẽ vào một tương lai xán lạn.