Cách đây 2 năm, khi thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị Phùng Thị Thảo Ngọc (ở Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) dành toàn bộ thời gian cải tạo vườn rau xanh bắt mắt. Tổng diện tích cả nhà cả vườn là 1000m2, bao quanh nhà là vườn cây ăn quả trồng lâu năm như hồng xiêm cổ thụ, nhãn, xoài, mít, chuối, trứng gà, quất hồng bì...
Thấy mảnh sân 180m2 trước hiên nhà để trống, chị Ngọc xin bố sửa sang lại thành vườn rau. Bà mẹ Ba Vì trồng thêm các loại rau củ đa dạng, từ cà rốt, su hào, súp lơ, cải bắp, cải thảo, xà lách, cà chua, rau thơm, cải kale, đậu bắp, dưa chuột, rau lang, rau muống... Các loại hạt giống đều được chị Thảo mua ở trên các hội nhóm trồng rau sạch.
Khu vườn ngập màu xanh bắt mắt của gia đình chị Ngọc
"Ở đó rất nhiều chị em có tâm và trồng thành công nhiều loại rau củ, hướng dẫn cho nhau cách trồng, ươm cây nên mình học hỏi được nhiều điều về cách chăm sóc cây cối. Tuỳ từng loại cây sẽ có điều kiện chăm sóc khác nhau.
Muốn cây sinh trưởng tốt thì việc đầu tiên là cần cải tạo đất đủ chất dinh dưỡng, mình thường trộn 50% đất thịt cùng với chấu hun, phân bò ủ hoai mục, phân trùn quế cùng ít phân lân. Sau khi cây bén rễ thì tưới bằng nước pha loãng được ủ từ gốc rau, củ, quả từ rác nhà bếp", chị Ngọc chia sẻ.
Hiện tại đang vào vụ đông, rau dễ trồng, dễ tăng trưởng, xanh tốt. "Chỉ cần chăm chỉ tưới nước và bắt sâu thì sẽ được một vườn rau đủ các loại mà không phải đi mua ở chợ nữa", chị Ngọc cười.
Chị Ngọc trồng cà rốt, cải, xà lách, rau muống...
Chị Ngọc coi việc gắn bó với vườn rau trở thành thói quen, sự yêu thích, là nơi thả tâm hồn sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy cũng có lúc cực nhọc như cải tạo đất, ươm cây, bắt sâu trị bệnh nhưng nhìn thành quả xanh mướt, xum xuê, bà mẹ trẻ lại thêm vui và hạnh phúc.
"Ông xã mình hoàn toàn ủng hộ việc mình làm vườn. Ngoài việc tự cung tự cấp rau xanh cho cả gia đình thì dường như mình cũng dịu dàng hơn, cười nhiều hơn vì cuối cùng cũng tìm ra một sở thích, một đam mê để theo đuổi", chị Ngọc tâm sự.
Ngoài trồng rau, khu vườn của bà mẹ đảm còn rất yêu các loại hoa, đặc biệt là hoa hồng. Có tới 6 loại hồng khác nhau, từ hồng leo Mon Couer rose, hồng ngoại Shell vàng, hồng leo Sell tím, hồng bụi Kellong...
Khu vườn trồng nhiều loại hoa hồng
Theo chị Ngọc, để hoa hồng nở to, bông đẹp thì cần chăm đủ chất dinh dưỡng như phân bò ủ, phân dê theo định kì. Khi thấy cây bị bệnh như rệp thì phun thuốc trị bệnh cho cây. Đặc biệt chú ý không tưới nước vào buổi chiều tối muộn sẽ khiến cây hay bị nấm lá.
"Quá trình cải tạo đất cũng mất nhiều thời gian khi cần phải phơi đất, ủ phân đủ thời gian. Có lúc cây bị xót và héo úa vì lỡ bón quá nhiều phân. Mình hay tham khảo cách trồng và trị bệnh cho cây trên các hội nhóm chuyên trồng rau sạch tại nhà và các video hướng dẫn trên Youtube. Ở đó có rất nhiều bài chia sẻ hữu ích giúp mình cũng như các chị em khác tránh được các lỗi cơ bản khi trồng và chăm sóc cây cối, vườn tược", chị Ngọc bày tỏ.
Khu vườn đem lại cảm giác bình yên sau giờ làm việc căng thẳng
Buổi sáng chị Ngọc thường dậy sớm để tưới rau, sau đó là chăm sóc gia đình và làm việc. Buổi chiều tối, chị và các con lại ra vườn bắt sâu, nhổ cỏ và ngắm hoa. Có những niềm vui, khoảnh khắc rất đỗi bình yên mà chị Ngọc mới nhận ra từ khi có khu vườn.
"Vừa làm việc vừa chuyện trò thủ thỉ, có lúc các con lại reo lên sung sướng vì tìm thấy một củ cà rốt chồi lên khỏi mặt đất. Khu vườn không chỉ cung cấp rau quả sạch tốt cho sức khoẻ, mà nó còn là nơi giúp các con mình cảm nhận về thiên nhiên, ông bà ở nhà có chỗ ngồi thoáng đẹp, kể những câu chuyện về một thời đã xa. Bản thân mình cũng thay đổi, thấy cuộc sống bình yên hơn, kiên nhẫn hơn".
Ảnh: NVCC