Cách những gã khổng lồ thức ăn nhanh thu hút "người nghèo"

Hữu Hiền, Theo Phụ nữ Số 13:45 05/08/2023
Chia sẻ

Theo trang tin Sixth Tone, các thực đơn giảm giá nhắm vào những thực khách có ý thức cắt giảm chi tiêu đang trở nên phổ biến khắp Trung Quốc, khiến các nhà hàng nhỏ gặp rủi ro trong một thị trường ngày càng nhạy cảm về giá.

Trang Sixth Tone nhận định, trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc giảm, ngành công nghiệp cung cấp thực phẩm của nước này đã trở thành chiến trường cho cuộc chiến giá cả khốc liệt.

Các nhà hàng nhỏ, vốn đã phải vật lộn với các điều kiện thị trường đầy thách thức, hiện đang phải cạnh tranh với những gã khổng lồ thức ăn nhanh - những người đã mạnh tay hạ giá để thu hút thực khách có ngân sách eo hẹp.

Cách những gã khổng lồ thức ăn nhanh thu hút người nghèo - Ảnh 1.

Kể từ tháng 5, các thực đơn giảm giá và nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau nhắm đến tầng lớp trung lưu có ý thức cắt giảm chi tiêu đã xuất hiện ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone

Giá thấp hơn có xu hướng thu hút nhiều người tiêu dùng hơn

Theo Sixth Tone, kể từ tháng 5, các thực đơn giảm giá và nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau nhắm đến tầng lớp trung lưu có ý thức cắt giảm chi tiêu đã xuất hiện ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc, khiến các nhà hàng nhỏ gặp khó trong một thị trường ngày càng nhạy cảm về giá.

Hefu Noodle - một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh với hơn 400 cơ sở ở 60 thành phố - dẫn đầu bằng cách giới thiệu một suất ăn cố định có giá chỉ 9,9 nhân dân tệ (CNY, gần 33.000 VNĐ). Hefu Noodle cũng giảm giá chỉ còn 10 CNY (33.000 VNĐ) cho các món mì phổ biến.

Nanchengxiang - một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh có trụ sở tại Bắc Kinh với 129 cơ sở - đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng với bữa sáng tự chọn có giá chỉ 3 CNY (10.000 VNĐ). Với mức giá thấp này, thực khách có thể mua suất ăn bao gồm sữa đậu nành, sữa bò, cháo trứng và súp nóng.

Theo Sixth Tone, trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng giảm, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm dần kể từ tháng 9/2022. Đến tháng 6/2023, tốc độ tăng trưởng CPI hàng năm của nước này là 0%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Dữ liệu chỉ ra rằng, nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm chạp, khiến các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống phải áp dụng chiến lược giảm giá mạnh để thu hút thực khách.

Mặc dù chi tiêu giảm, nhưng năm nay chứng kiến sự bùng nổ trên thị trường thực phẩm Trung Quốc. Theo cơ sở dữ liệu kinh doanh Qichacha, vào cuối tháng 5, số lượng nhà hàng mới đã tăng lên 1,3 triệu, với thêm 450.000 nhà hàng mới mở vào tháng 6.

Trong một kịch bản như vậy, các nhà hàng nhận thấy rằng, giá thấp hơn có xu hướng thu hút nhiều người tiêu dùng hơn. Cư dân mạng Trung Quốc thậm chí còn nghĩ ra "thực đơn hàng tuần cho người nghèo", bao gồm nhiều ưu đãi giảm giá khác nhau tại các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng trong suốt cả tuần.

Theo một bài báo trên trang Caijing, thực đơn hàng tuần này bao gồm các ưu đãi như "Ngày cho thành viên vào thứ Hai tại McDonald's", "Giảm giá 30% tại Domino's Pizza vào thứ Ba", "Thực đơn cố định 9,90 CNY tại Burger King vào thứ Tư" và "Thứ Năm điên rồ tại KFC".

Tuy nhiên, đối với các nhà hàng nhỏ, cuộc chiến giá cả căng thẳng này là một bài kiểm tra khắc nghiệt đối với chuỗi cung ứng và khả năng quản lý nhà hàng của họ.

Cách những gã khổng lồ thức ăn nhanh thu hút người nghèo - Ảnh 2.

Cư dân mạng Trung Quốc thậm chí còn nghĩ ra "thực đơn hàng tuần cho người nghèo". Ảnh: Getty Images

Chiến lược giá thấp không bền vững

Theo các chủ nhà hàng, chiến lược giá thấp không bền vững về lâu dài do chuỗi cung ứng thực phẩm không ổn định. Các nhà hàng nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương nếu họ chỉ tập trung cạnh tranh về giá. Nhưng nếu họ tăng giá để trang trải chi phí bổ sung trong tương lai, họ có thể mất tất cả lợi thế cạnh tranh.

He Yingbin - người sáng lập nhà hàng Li Yin Rice Noodle Roll, nổi tiếng với món bánh cuốn đặc sản có nguồn gốc từ phía nam tỉnh Quảng Đông - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chi phí để vượt lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc gần đây, ông He nhấn mạnh cần lường trước và giảm thiểu tác động của biến động giá cả, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như trứng, được dự báo sẽ tăng giá vào cuối năm.

Đồng tình với quan điểm này, Wang Guoyu - người sáng lập Nanchengxiang - tin rằng, người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến giá cả này sẽ là các thương hiệu có chuỗi nhà hàng mạnh.

Dẫn lời một chuyên gia trong ngành ăn uống Trung Quốc, kênh truyền thông trực tuyến Shijie đưa tin rằng, trong một thị trường ngày càng thiếu kiên nhẫn, mọi người đều muốn kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Chuyên gia này cho biết: "10-20% doanh nghiệp hàng đầu sẽ củng cố những gì làm nên sự khác biệt của họ, trong khi 80% nhà hàng còn lại sẽ đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng."

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày