Bạn không động đến nhiệm vụ lúc ở công ty mà dồn lại để mang về nhà hoàn thành vào buổi đêm, cho rằng có áp lực về deadline thì chất lượng công việc mới hiệu quả. Điều này hoàn toàn sai lầm!
Các nhà tâm lý học tại Đại học Case Western Reserve đã thực hiện một thí nghiệm thú vị. Họ cho sinh viên thời hạn một ngày để hoàn thành một bài luận, và theo dõi thời gian nộp bài cũng như mức độ căng thẳng và sức khỏe tổng thể của các sinh viên khác nhau như thế nào. Kết quả cho thấy, những sinh viên đợi đến phút cuối mới nộp bài gặp mức độ căng thẳng cao hơn và có nhiều vấn đề sức khỏe hơn người khác. Tất nhiên, điểm số bài tập cũng tệ hơn so với các sinh viên nộp sớm trước thời hạn. Bởi thế, hãy ngưng trì hoãn!
Bạn hỏi rằng, vậy làm thế nào để ngưng được thói quen này? Nguyên nhân của sự trì hoãn không phải là do bạn căng thẳng, cũng không phải do môi trường gián đoạn mà chúng xuất phát từ chính những câu bào chữa sau:
“Tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu”
Nhưng nếu không bắt tay vào làm thì bao giờ công việc mới hoàn thành? Công việc có thể phức tạp, nhiệm vụ có thể khó khăn, nhưng không vì thế bạn được phép khoanh tay đứng nhìn.
Chìa khóa ở đây là không để nỗi sợ hãi, lo lắng lấn át khi chưa thực sự làm việc. Hãy chia nhỏ các đầu việc, gia hạn trong một khoảng thời gian nhất định phải làm xong. Giải quyết từng việc một, từ nhỏ đến lớn sẽ giúp bạn nhìn nhận rõ vấn đề nhanh hơn, khoa học hơn.
“Công việc chồng chất khiến tôi mất tập trung”
Đối với hầu hết mọi người, sự phân tâm luôn thường trực. Bạn phải hoàn thành báo cáo gửi sếp nhưng đồng thời còn phải trả lời email, trực điện thoại, kiểm tra tin tức… Điều đó khiến bạn mất tập trung vào nhiệm vụ chính, dẫn đến xao nhãng và chậm deadline.
Lời khuyên cho bạn là cân nhắc mức độ quan trọng và cấp bách của những đầu việc để tập trung làm cho xong từng việc một. Phải luôn tự nhắc nhở mình rằng nếu còn trì hoãn vì những lý do à ơi thì hậu quả có thể như nào?
“Việc dễ thế này, làm tí là xong”
Lại một suy nghĩ chủ quan khác khiến cho công việc chẳng bao giờ đến nơi đến chốn. Khi bạn đánh giá thấp một nhiệm vụ là bạn sẽ đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thành nó. Trong khi đó thực tế là, công việc này có thể dễ thật nhưng sẽ rất mất thời gian.
Khi gặp phải một đầu việc không mấy hứng thú, bạn hãy liên kết chúng với bức tranh lớn hơn, về một mục tiêu chung mà các công việc hướng tới .Ví dụ bạn ghét việc nhập số liệu vì chúng quá nhàm chán nhưng cần phải có nó thì việc nghiên cứu của bộ phận bạn làm việc mới có thể tiếp tục. Suy nghĩ như vậy thì guồng quay công việc sẽ không bao giờ bị gián đoạn, dù cho việc khó hay dễ.
“Tôi chẳng thích làm việc này”
Sự trì hoãn đôi khi không phải vì khó hay dễ, mà đơn thuần là không thích làm, không có hứng thú để làm việc. Lời bao biện này diễn ra thường xuyên đến nỗi người ta tự cho mình quyền “hứng lên thì làm”.
Thật không may, không phải lúc nào công việc cũng tạo được hứng thú cho bạn mà chính bạn phải là người làm cho công việc trở nên thú vị hơn. Trước tiên, hãy cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Tiếp theo, tìm cách nào đó mới mẻ hơn để giải quyết vấn đề, thay vì lối mòn nhàm chán. Sự tập trung tìm kiếm cái mới sẽ giúp công việc vui vẻ hơn rất nhiều.
“Chắc tôi không làm được đâu”
Những người đã từng thất bại ở quá khứ hoặc chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình thường có suy nghĩ này. Bạn đã bao giờ được giao một nhiệm vụ mới nhưng ngay ngáy lo mình làm sai, sợ công việc không xong, băn khoăn liệu mình có bị sa thải... Lo sợ đúng sai là một rào cản tâm lý khiến tất cả chúng ta trì hoãn công việc từ ngày này sang ngày khác.
Khi bạn trì hoãn tức là bạn đang không tin vào bản thân mình. Thay vào đó, bạn phải chuyển tâm trí của mình theo hướng tự tin bằng cách tập trung vào tất cả những điều tích cực sẽ xảy ra khi bạn thành công. Khi bạn tin rằng bạn có thể làm điều gì đó - và bạn hình dung ra những điều tích cực sẽ đến từ việc làm tốt – thì tức là thành công đang đến rất gần rồi!