Các thanh niên trẻ đã bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý thế nào?

Trang Anh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 20:33 15/07/2025
Chia sẻ

Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và phụ huynh, cần đề cao cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ xưng danh cơ quan chức năng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ ngày 15/7 cho biết vừa kịp thời giải cứu cháu H.L (17 tuổi) - nạn nhân vụ lừa đảo mới bằng cách dựng cảnh bắt cóc tống tiền qua mạng.

Trước đó, khoảng 13h30 ngày 12/7, Công an Phú Thọ nhận tin báo từ gia đình anh H.Đ.T (Phường Hoà Bình, tỉnh Phú Thọ) về việc con gái đang ôn thi tại Vĩnh Phúc bị bắt cóc và yêu cầu chuyển tiền chuộc. Các đối tượng đã mạo danh cán bộ Công an, dùng nền tảng Zoom để tạo ra phòng họp "Bộ Công an" với hình ảnh giả ba người mặc quân phục và một đối tượng bị còng tay. Chúng đe dọa cháu L có liên quan đến ma túy và yêu cầu giữ bí mật, làm theo hướng dẫn nếu không sẽ bị bắt giam.

Bằng những lời đe dọa và thao túng tâm lý, nhóm này yêu cầu cháu L giữ bí mật và làm theo mọi chỉ dẫn, kể cả vay mượn bạn bè, xin tiền bố mẹ với lý do như đăng ký khóa học hay mua laptop. Cháu L đã chuyển tổng cộng 10 triệu đồng cho nhóm này.

Các thanh niên trẻ đã bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý thế nào?- Ảnh 1.

Tin nhắn các đối tượng lừa đảo thao túng nạn nhân - Ảnh: CA Phú Thọ

Sau khi cháu L đã chuyển 10 triệu đồng do vay mượn, nhóm lừa đảo tiếp tục yêu cầu số tiền lớn hơn. Chúng hướng dẫn cháu L đến nhà nghỉ Phú Hà (phường Sơn Tây, Hà Nội) để dựng hiện trường giả một vụ bắt cóc. Tại đây, cháu L gọi về cho bố mẹ, nói bị ba người đàn ông bắt giữ, đưa đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh và yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản để chuộc. Toàn bộ cuộc gọi này được thực hiện dưới sự giám sát của nhóm lừa đảo, khiến gia đình tin rằng cháu đang gặp nguy hiểm thực sự.

Nhận định đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng với kịch bản được dàn dựng tinh vi qua mạng internet, Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng xác minh. Đến khoảng 15h cùng ngày, tổ công tác phối hợp với Công an phường Sơn Tây đã tìm thấy cháu H.L tại nhà nghỉ và bàn giao an toàn cho gia đình.

Quay clip bị chích điện để lấy tiền gia đình cho lừa đảo

Trước đó, 14/7, Công an phường Tân Bình cũng đã phối hợp Công an TP HCM giải cứu một thanh niên nghi bị "bắt cóc online" với thủ đoạn tương tự. Cụ thể, M.H.T (21 tuổi, ngụ phường Tân Bình) nói với gia đình rằng mình đã nhận được suất du học Canada tại Đại học Sheridan College, yêu cầu phải có 750 triệu đồng để chứng minh tài chính nhưng chỉ cần gia đình nộp trước 400 triệu đồng. T. còn đưa ra một tờ thông báo giả để tạo lòng tin.

Sau khi nhận tiền, T. tiếp tục yêu cầu thêm 350 triệu đồng với lý do hoàn tất hồ sơ nhưng gia đình nghi ngờ nên từ chối. Trưa hôm đó, người thân nhận được cuộc gọi thông báo T. bị bắt cóc và đòi chuộc 500 triệu đồng, nên đã trình báo công an.

Các thanh niên trẻ đã bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý thế nào?- Ảnh 2.

Nam sinh M.H.T quay clip giả để đòi tiền gia đình - Ảnh: Người lao động

Công an điều tra phát hiện T. đang ở một mình trong khách sạn tại Tây Ninh, không có dấu hiệu bị giam giữ. Làm việc với công an, T. cho biết nhận được cuộc gọi từ người lạ tự xưng là cán bộ điều tra, yêu cầu chuyển 750 triệu đồng để "chứng minh vô tội" liên quan đến đường dây bán thông tin tài khoản ngân hàng. Dưới sự chỉ đạo, T. đã dựng lên câu chuyện đi du học để lấy tiền gia đình và chuyển toàn bộ cho nhóm lừa đảo.

Sau đó, nhóm này bắt T. di chuyển liên tục, quay video giả làm con tin bị bắt cóc, bị tra tấn nhằm gây sức ép tâm lý cho gia đình để tiếp tục lừa tiền.

Chia sẻ trên báo Dân trí, Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, cho rằng "bắt cóc online" hay "bắt cóc tinh thần" là hành vi tội phạm kết hợp công nghệ, tâm lý học và kỹ thuật thao túng hành vi, khiến nạn nhân mất khả năng nhận thức chỉ trong vài phút.
Các đối tượng lừa đảo cô lập nạn nhân bằng cách yêu cầu họ vào khách sạn, tắt điện thoại hoặc không nghe cuộc gọi từ người khác, nhằm cắt đứt mọi kênh kiểm chứng thông tin. Đây là bước "cách ly thông tin", một kỹ thuật điển hình trong tẩy não tạm thời. Kẻ gian sau đó tạo áp lực thời gian, buộc nạn nhân phải đưa ra quyết định nhanh chóng để chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định, dưới danh nghĩa phục vụ điều tra. Nạn nhân lúc này hành xử như "con tin vô hình", bị điều khiển từ xa.
Thượng tá Hiếu nhận định đây là loại hình lừa đảo cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến một người bình thường mất hết khả năng phân biệt đúng sai và bị chiếm đoạt tài sản.
Các thanh niên trẻ đã bị đối tượng lừa đảo thao túng tâm lý thế nào?- Ảnh 3.

Công an cảnh báo các dấu hiệu lừa đảo



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày