Các hãng hàng không xử lý rác thải sau mỗi chuyến bay như nào?

Grey Spiderum, Theo Thời Đại 07:00 03/08/2017
Chia sẻ

Khi máy bay hạ cánh, chỉ cần nhìn quanh cabin, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những khay đồ ăn, thức uống thừa, vỏ chai nước, khăn giấy… và từ đó, bạn có thể hiểu được các hãng hàng không phải xử lý khối lượng rác thải lớn tới cỡ nào.

Mỗi ngày đội ngũ phục vụ hãng hàng không Emirates phải chuẩn bị 180.000 bữa ăn cho hơn 400 chuyến bay vòng quanh thế giới. Cơ sở sản xuất thức ăn của Emirates là một trong những nhà máy thực phẩm lớn nhất thế giới. Dù lớn hay nhỏ thế nhưng khối lượng rác thải ra từ mỗi chuyến bay của các hãng hàng không trên khắp thế giới đều đáng kinh ngạc.

Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, dịch vụ hàng không đã thải ra 5,2 triệu tấn rác thải vào năm ngoái, và con số này sẽ lên đến hơn 10 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.

Rác thải bao gồm những sản phẩm chỉ dùng một lần - từ vỏ chai rượu cho đến bàn chải đánh răng nhựa, và một lượng lớn khác là thực phẩm. Dựa vào dữ liệu hành vi khách hàng và tần suất sử dụng sản phẩm có thể tái chế hoặc có hạn sử dụng lâu, các hãng hàng không đang nỗ lực cắt giảm lượng rác thải rắn.

Vấn đề của mỗi chuyến bay

Vấn đề của việc này nằm ở nhiều yếu tố khác nhau: quy mô của quy trình phục vụ, luật bảo vệ sức khỏe quốc tế, chính sách xử lý rác thải khác nhau của chính phủ và giới hạn về không gian trên không trung. Các hãng hàng không bắt buộc phải tuân theo những tiêu chí vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như về độ tươi mới và trọng lượng thực phẩm trong mỗi chuyến bay. Chính điều này đã dẫn đến khối lượng lớn nhựa được sử dụng trong mỗi khoang máy bay.

"Ăn tối khi lơ lửng trên bầu trời rất khác với việc ghé vào quán ăn ưa thích của bạn", Mark Ross-Smith chia sẻ với CNN Travel. Ông là chuyên gia dữ liệu, tư vấn hàng không và là nhà sáng lập của Travel Data Daily. "Mỗi một loại thực phẩm yêu cầu được gói cẩn thận để có thể giữ thực phẩm tươi mới, vệ sinh và tránh bị nhiễm bẩn. Bất kỳ ai từng ăn lát bánh mì sau khi bị bóc ra vài phút sẽ hiểu được không khí khô trên máy bay thực sự ảnh hưởng đến chất lượng của thức ăn ra sao!"

Không những vậy, bởi lẽ sự hài lòng của khách hàng là điều tối quan trọng trong ngành nghề hàng không, các chuyến bay đều dự trữ nhiều thức ăn hơn mức độ yêu cầu.

"Nỗi lo ngại không thể phục vụ hết hành khách đã dẫn đến một lượng lớn thực phẩm cần chuẩn bị, và kéo theo là lượng lớn rác thải", Peter Lawrance, Giám đốc hãng hàng không Scandinavian Airlines chia sẻ. "Các hãng hàng không đều cố gắng dự đoán đúng nhất khối lượng thực phẩm mà hành khách tiêu thụ."

Các hãng hàng không xử lý rác thải sau mỗi chuyến bay như nào? - Ảnh 1.

Bên trong xưởng sản xuất thực phẩm của hãng hàng không Emirates với số lượng 18.000 suất ăn mỗi ngày.

Đặt suất ăn trước chuyến bay

Một giải pháp xử lý vấn đề này là yêu cầu hành khách sẽ đặt món trước chuyến bay.

Đây là hình thức được áp dụng ở hầu hết hãng hàng không giá rẻ trên thế giới, từ HK Express ở Hồng Kông cho đến Norwegian Air Shuttle. Với hình thức khách hàng chọn mua bữa ăn trên ứng dụng hoặc website, các hãng này có thể vừa đáp ứng nhu cầu hành khách và vừa giảm thiểu số lượng rác thải.

"Có thể nói rằng các hãng bay rẻ tiền đạt được hiệu quả giảm thiểu rác thải tốt hơn chỉ vì họ không cung cấp cho hành khách một cách miễn phí. Hành khách chuyến bay chỉ mua thứ họ cần." Ross-Smith nói.

"Đặt bữa ăn trước cũng mang lại nhiều lợi ích, chi phí và trọng lượng của chuyến bay cũng được giảm nhẹ. Điều này có nghĩa rằng nhiên liệu cũng sẽ được tiết kiệm hơn."

Hình thức này đang được áp dụng rộng rãi trong các hãng hàng không quốc tế như SAS, Japan Airlines, Singapore Airlines và Qantas với cổng online để hành khách đặt trước các bữa ăn

"Chúng tôi đang tập trung hơn vào thức ăn đặt sẵn", Lawrance chia sẻ. "Hệ thống đã làm cho việc đặt các suất ăn đặc biệt như suất không có gluten, lactose hoặc suất ăn chay hay không thịt heo trở nên dễ dàng hơn. Việc này giúp cắt giảm rác thải và chi phí. Chúng tôi tin rằng, điều này sẽ tăng sự hài lòng của hành khách khi được đáp ứng đúng nhu cầu của mình trong chuyến bay."

Các hãng hàng không xử lý rác thải sau mỗi chuyến bay như nào? - Ảnh 2.

Qantas là một trong số những hãng hàng không có hệ thống đặt suất ăn online .

Còn bọc nhựa và giấy thì sao?

Sử dụng bọc nhựa và giấy cũng là một phần của vấn đề rác thải trên máy bay, một số hãng đang thí nghiệm các giải pháp tái chế và phương pháp đóng gói khác để giảm thiểu rác thải.

Trong báo cáo Sustainability 2016, SAS liệt kê một phương pháp giải quyết vấn đề của hãng này: sử dụng thức ăn nguồn gốc địa phương, tiếp cận phương pháp tái chế trên máy bay, dùng đĩa có thể tái sử dụng và bao bì có thể tái chế hoặc có thể phân hủy.

Qantas cũng đã bắt đầu đưa vào sử dụng các thành phần bao bì tái chế hay tai nghe không chứa nhựa. Hãng hàng không này cũng đã kết hợp với OzHarvest - một tổ chức thu gom thực phẩm với năng suất lên đến 87 tấn thực phẩm mỗi tuần ở Úc để hỗ trợ những người có nhu cầu. Với những thay đổi này, Qantans ước đoán sẽ cắt giảm khoảng 350 tấn rác thải rắn mỗi năm.

Emirates cũng đã bắt đầu ứng dụng những biện pháp mới để tránh sản sinh thêm rác thải, bao gồm thiết bị tái chế trên máy bay. Ngoài ra, hãng hàng không tại Dubai này cũng sử dụng chăn thân thiện môi trường được làm từ vỏ chai nhựa. Hãng này hy vọng sẽ cắt giảm được 12.000 tấn vỏ chai.

Vì một khoang máy bay không còn rác thải

Nhưng có lẽ phương pháp được áp dụng rộng rãi nhất là kế hoạch "Life + Zero Cabin Waste" của EU với mục tiêu giảm 80% lượng rác thải máy bay đáp tại sân bay Barajas thành phố Madrid đến năm 2020.

Một hãng hàng không tại Tây Ban Nha Iberia đã giới thiệu bộ đồ dùng bữa ăn có thể tái sử dụng. Những chiếc xe đẩy phục vụ cũng sẽ được gắn thùng rác phân loại để dễ dàng cho việc tái chế hơn.

Trên mặt đất sẽ đã có chương trình phân tích các loại rác thải tiếp đất và thiết kế lại quy trình xử lý rác thải hiệu quả hơn.

"Có rất nhiều giải pháp rất độc đáo trong thời đại hiện nay," Ross-Smith nói. "Nhưng hành khách khó có thể nhận biết điều này bởi lẽ phục vụ thực phẩm (và cả xử lý rác thải) chủ yếu đều thuộc khâu ‘hậu trường’.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày