Sau hơn 2 tháng phải nằm nhà vì phong tỏa, các chủ cửa hàng tại thành phố Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch Covid-19 bùng lên đầu tiên - đã bắt đầu rục rịch mở cửa.
Trước khi lệnh phong tỏa chính thức được gỡ bỏ vào ngày hôm nay 8/4, nhiều bảo tàng, công viên hay các điểm du lịch tại đây vẫn im lìm, nhưng hệ thống phương tiện công cộng di chuyển trong nội đô như xe buýt và tàu điện ngầm đã hoạt động trở lại. Những người bán hàng rong cũng đã xuất hiện. Nhiều trung tâm thương mại cũng đã lên đèn. Cư dân thành phố bịt khẩu trang kín mặt bắt đầu ra đường.
Vào ngày 23/1, chính quyền địa phương đã chính thức phong tỏa toàn bộ Vũ Hán, cắt đứt thành phố khỏi thế giới bên ngoài, đóng cửa mọi không gian công cộng và các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan sang các khu vực khác.
Suốt 1 tuần qua, nhiều cửa hàng đã quyết định mở cửa trở lại ngay trước khi lệnh gỡ bỏ phong tỏa chính thức có hiệu lực vào ngày 8/4. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương và người bán hàng rong, sẽ còn rất lâu nữa hoạt động kinh doanh tại thành phố này mới quay về như bình thường. Họ sợ hãi trước viễn cảnh sẽ có “làn sóng lây nhiễm thứ hai” cũng như suy thoái kinh tế sau 10 tuần dừng mọi hoạt động thương mại.
Chủ một salon làm tóc đang đứng ăn hạt hướng dương trong lúc nhìn ra đường phố Vũ Hán vào ngày 1/4. Cô cho biết gần đây mình không có khách, nhưng vẫn mở cửa để hít thở chút không khí trong lành. (Ảnh: Gerry Yin/Wild Photos)
World City Plaza - một trong những trung tâm thương mại lớn nhất nằm trong cụm công nghệ Vũ Hán “Thung lũng Quang học” - cũng đã mở cửa trở lại từ thứ năm tuần trước. Nhân viên quay trở về đứng sau những quầy hàng quen thuộc; một vài tiểu thương còn mải bận rộn phân loại hàng hóa.
“Chúng tôi đang chuẩn bị và khởi động sẵn cho ngày mở cửa chính thức (8/4)”, quản lý cửa hàng thời trang nam giới Zhang Yehong cho biết. “Chúng tôi đóng cửa hàng từ trước Tết Nguyên đán, vì thế hàng treo ở đây vẫn là từ bộ sưu tập mùa đông. Còn rất nhiều việc phải làm”.
Theo Zhang, trước khi có lệnh phong tỏa, mỗi ngày cửa hàng cô có hàng trăm vị khách ghé qua. Thế nhưng, trong ngày đầu tiên quay lại, khách hàng gần như không có mấy. “Thật khó để nói bao giờ chúng tôi có thể trở lại như bình thường. Chúng tôi sẽ phải chờ xem ngày thành phố gỡ lệnh phong tỏa hoàn toàn vào ngày 8/4”, Zhang nói. “Rất nhiều khu vực vẫn chưa cho người dân ra ngoài”.
Một vài chủ cửa hàng nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của khách hàng. “Bây giờ người ta chỉ vào khi có nhu cầu gì đặc biệt”, nhân viên một cửa hàng mỹ phẩm nhận xét. “Họ mua thứ mình cần rồi đi ra ngay”.
Sự thay đổi này có lẽ liên quan tới những lo ngại về một đợt bùng phát Covid-19 mới có thể xảy ra. Mặc dù cả thành phố mới phát hiện thêm 2 trường hợp nữa - một không có triệu chứng gì, một là người từ nước ngoài trở về - trong tuần qua, nhiều người sợ hãi rằng bệnh nhân không có triệu chứng kia có thể châm ngòi cho một làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trong khi các chuyên gia đang cố gắng để dịu bớt nỗi lo sợ, nhiều cửa hàng trong thành phố Vũ Hán đã tìm cách trấn an khách hàng bằng hình thức được gọi là “mua sắm không chạm tay”. Một trung tâm thương mại tại quận Giang Hán cho biết toàn bộ các gian hàng quần áo sẽ khử trùng sản phẩm mỗi lần có người thử đồ xong. Ngoài ra, những khách hàng sẽ trả tiền bằng cách đặt tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng vào trong một cách khay để đưa qua đưa lại.
Hành khách đếm ngược tới 0h, chuẩn bị xuất hành khỏi Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được gỡ. (Ảnh: SCMP)
Trung tâm thương mại không phải là nơi duy nhất đang phải điều chỉnh để thích ứng với cuộc sống sau đại dịch. Nhiều người bán hàng rong trên phố - đối tượng không kiếm được nhiều lợi nhuận và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái - cho biết, họ đang rất lo lắng với việc kiếm tiền để bù lại thời gian và tiền bạc đã mất trong hơn 2 tháng phong tỏa vừa qua.
Zhou Jianguo - người sở hữu quầy bán bim bim và nước đóng chai trên một con phố đông người qua lại gần World City Plaza - cũng đã kinh doanh trở lại vào thứ Năm vừa qua. Tuy nhiên, ông dành phần lớn thời gian trong ngày để xem TV trên điện thoại.
“Đây từng là nơi đông đúc và bận rộn nhất quận Vũ Xương”, người đàn ông 56 tuổi này nhớ lại. “Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ hồi phục trong ít nhất 1 tháng tới”.
Zhou phải trả 7.000 tệ (~24 triệu đồng) mỗi quý để thuê quầy hàng này. Mặc dù chi phí không hề rẻ, nhưng ông cho biết nơi đây có vị trí đắc địa: Người qua đường ở đây chủ yếu là sinh viên và du khách.
Tuy nhiên, giờ thì Zhou bắt đầu lo lắng về khoản tiền thuê quầy đắt đỏ. “Kể cả trong thời gian không mở cửa, tôi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng”, ông cho biết. “Nếu không có khách, gia đình tôi sẽ không có thu nhập. Chúng tôi sẽ phải sống bằng tiền tiết kiệm”.
Zhou hy vọng việc buôn bán sẽ khá khẩm hơn khi trường học mở cửa trở lại cũng như người đi đường đông lên. Tuy nhiên, thời điểm đó là bao giờ thì không ai biết. Mặc dù lệnh phong tỏa tại Vũ Hán được gỡ vào hôm nay 8/4, chính quyền địa phương vẫn chưa quyết định thời gian quay lại trường của học sinh, sinh viên.
Trong ngày đầu tiên mở cửa hàng, Zhou nói ông chỉ kiếm được hơn 300 tệ (~1 triệu đồng). Đây là khoản thu nhập đầu tiên của ông sau hơn 2 tháng trời ở nhà tránh dịch.
“Được đi ra ngoài khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn. Dù có khách hay không, ít nhất bạn vẫn được đi lại và vận động”, Zhou tâm sự. “Vẫn tốt hơn là ngồi lì trong nhà”.
(Theo SCMP)