Tại một quốc gia ám ảnh với việc luyện thi như Hàn Quốc, có vô số các lớp luyện thi mọi thứ mà bạn có thể nghĩ đến, từ ứng tuyển vào các nhóm nhạc K-pop, đến cách làm sao để ký kết được những hợp đồng bất động sản giá hời. Và khi mà các công ty hàng đầu nước này đang bắt đầu triển khai trí tuệ nhân tạo vào việc tuyển dụng, cộng đồng mạng Hàn Quốc cũng muốn học làm sao để qua mặt những con bot vô cảm đó.
Từ một văn phòng tuềnh toàng ở Gangnam, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Park Seong-jung điều hành một công ty trên lĩnh vực đang rất hot hiện nay: cung cấp các khóa học về xử lý tình huống trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng thực hiện bởi máy tính, không phải con người. Theo Park, mấu chốt ở đây là các bài phỏng vấn sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích tính cách.
Kim Seok-wu, một sinh viên ngành quản trị, đang diễn lại một buổi phỏng vấn với AI
Park cho biết đây chỉ là một trong số rất nhiều buổi học mà anh đã tổ chức, với sự tham gia của hàng trăm người.
"Đừng nở một nụ cười gượng ép bằng miệng" - anh nói với các học viên đang tìm việc trong một buổi học. "Hãy cười bằng mắt".
Các lớp học nhằm đối phó với AI trong tuyển dụng, vốn đang được triển khai tại các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc như SK Innovation và Hyundai Engineering & Construction, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngành công nghiệp đào tạo trị giá hàng tỷ USD của nước này. Nhưng các lớp này đang ngày càng phổ biến hơn - theo nhận định từ các công ty tổ chức, như công ty tư vấn People & People của Park - với mức học phí lên đến 86,26 USD cho một buổi học kéo dài 3 tiếng.
Tất nhiên, họ có lý do để nhận định như vậy. Cứ 10 sinh viên Hàn Quốc, thì có đến 8 sinh viên được cho là từng đi học tại các lớp luyện thi, và tình trạng thất nghiệp tràn lan trong bộ phận lao động trẻ tại nước này - ước tính cứ 1 trong số 4 người trẻ không tham gia vào bất kỳ môi trường làm việc nào - đã tạo ra một động lực rất lớn mà ngay cả những quốc gia với các trường luyện thi cực kỳ phổ biến như Nhật Bản cũng không hề tồn tại.
"AI sẽ không hòi các câu hỏi cá nhân một cách tự nhiên" - Yoo Wan-jae, một lao động 26 tuổi đang tìm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ lưu trú, cho biết. "Điều đó khiến mọi chuyện trở nên hơi không thoải mái một chút... Chắc tôi cần đăng ký vào các lớp luyện thi phỏng vấn bằng AI" - Yoo nói trong khi đang tìm trường tại quận Noryangjin của Seoul, nổi tiếng với tên gọi "Làng luyện thi" vì tại đây có vô số các trường luyện thi và các phòng học phục vụ thi cử.
Sợ hãi, vui sướng, và "trò chơi hóa"
Các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang thử nghiệm các kỹ thuật AI tiên tiến để giúp chọn ra những ứng viên ưu tú từ danh sách ứng tuyển.
Nhưng Lee Soo-young, giám đốc Viện Cấp cao về Công nghệ và Khoa học Hàn Quốc (KAIST), Viện Trí tuệ Nhân tạo, cho biết công nghệ mới này đang được triển khai rộng rãi hơn nữa tại Hàn Quốc, nơi các nhà tuyển dụng lớn có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng trong thị trường việc làm đang ngày một thắt chặt.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI), gần 1/4 trong số 131 tập đoàn hàng đầu đất nước hiện sử dụng hoặc dự tính sử dụng AI trong tuyển dụng.
Một hệ thống video AI sẽ yêu cầu các ứng viên tự giới thiệu về bản thân, trong quá trình đó sẽ "săm soi" và đếm số biểu cảm khuôn mặt, bao gồm "sợ hãi" và "thích thú", và phân tích cách chọn lựa từ ngữ. Sau đó nó sẽ hỏi các câu có thể khó, như: "Bạn đang đi du lịch với sếp và phát hiện ra ông ta dùng thẻ tín dụng công ty để tự mua quà cho mình. Bạn sẽ nói gì?"
AI tuyển dụng còn sử dụng chiến thuật "trò chơi hóa" để đánh giá tính cách và khả năng thích ứng của một ứng viên thông qua việc đưa họ vào một loạt các bài kiểm tra liên tiếp.
"Thông qua trò chơi hóa, các nhà tuyển dụng có thể kiểm tra 37 khả năng khác nhau của một người tham gia tuyển dụng, và người đó sẽ phù hợp với một vị trí ra sao" - Chris Jung, Giám đốc quản lý công ty phần mềm Midas IT ở Pangyu, một trung tâm công nghệ được ví như Thung lũng Silicon của Hàn Quốc.
Chuẩn bị cho những bài kiểm tra như vậy không nhất thiết chỉ bao gồm những câu hỏi cần trí nhớ. "Một số trò chơi thậm chí không có một câu trả lời đúng nào. "Một vài trò chơi không quan tâm đến câu trả lời đúng, bởi chúng có mục tiêu nhận biết thái độ giải quyết vấn đề của người ứng tuyển" - Jung nói.
Vô vọng
Tại People & People, chuyên gia tư vấn Park cho biết anh đã đào tạo phỏng vấn bằng AI cho hơn 700 sinh viên đang học đại học, các sinh viên đã tốt nghiệp, và các giảng viên, trong năm 2019.
"Các sinh viên đang gặp khó khăn vì sự xuất hiện của phỏng vấn bằng AI. Mục tiêu của tôi là giúp họ được chuẩn bị toàn diện trước thứ mà họ sắp đối mặt" - Park nói.
Trong một phòng chat trực tuyến do Park giám sát, với hơn 600 người tham gia, có rất nhiều tin nhắn gửi lời cảm ơn vì các lớp học và báo tin đã thành công trong các bài phỏng vấn bằng AI.
Nhưng ở nhiều nơi, những người chưa được học qua các lớp như thế này, đã sớm bỏ cuộc.
Kim Seok-wu, một sinh viên 22 tuổi tại một trường đại học danh giá, mới đây đã không thể vượt qua AI trong cuộc phỏng vấn nhằm xin vào vị trí quản lý tại một công ty bán lẻ, và đưa ra quyết định sẽ đi học thạc sỹ thay vì tìm việc.
"Tôi nghĩ tôi sẽ cảm thấy vô vọng nếu mọi công ty đều dùng AI trong tuyển dụng" - Kim nói. "Phỏng vấn bằng AI còn quá mới mẻ, nên các ứng viên không biết phải chuẩn bị gì và mọi sự chuẩn bị dường như vô nghĩa bởi AI sẽ đọc khuôn mặt chúng ta nếu chúng ta giả vờ".