Các ca sĩ liên tục xin lỗi vì nhóm chat nhạy cảm

Hạ Đan, Theo Tiền Phong 18:00 06/10/2024
Chia sẻ

Thời gian gần đây, làng giải trí Việt Nam không khỏi xôn xao trước thông tin hai ca sĩ trẻ Trung Quân Idol và Kiên vướng vào lùm xùm liên quan đến một nhóm chat kín có nội dung nhạy cảm do rapper Negav lập ra. Cả hai đều thừa nhận đã từng tham gia vào những nhóm này và đưa ra lời xin lỗi.

Liên tục xin lỗi

Trung Quân Idol cho biết anh tham gia nhóm (được thành lập cách đây 4 năm) để giải trí trong thời gian giãn cách xã hội, không hề có ý định gây ra bất kỳ sự ồn ào nào.

“Vào đầu năm 2020, khi trào lưu hâm mộ đồ vật như nồi cơm điện, xe đạp điện, khăn giấy ướt nổi lên, Quân có được mời tham gia một vài hội nhóm tương tự. Thời gian đó dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát nên trong thời gian nghỉ ở nhà tránh dịch Quân có tham gia và tương tác nhằm mục đích cho vui, cũng như thấy có nhiều anh chị em bè bạn cùng được mời vào nên Quân chỉ nghĩ đó là 1 nhóm bình thường”, nam ca sĩ viết trên trang cá nhân.

Anh khẳng định những bài đăng của mình trên nhóm này đều là đùa và không có bất kỳ suy nghĩ lệch lạc hay tiêu cực nào. Lác đác có khán giả bày tỏ sự thông cảm với Trung Quân, trong khi một số khác thì bày tỏ sự thất vọng, mất niềm tin và “cảm thấy không muốn nghe ca sĩ này hát nữa”.

Các ca sĩ liên tục xin lỗi vì nhóm chat nhạy cảm- Ảnh 1.

Trung Quân Idol gửi lời xin lỗi đến khán giả, người hâm mộ vì hành động mà anh gọi là trò đùa trong quá khứ.

Các ca sĩ liên tục xin lỗi vì nhóm chat nhạy cảm- Ảnh 2.

Trung Kiên nhận lỗi khi làm quản trị nhóm chat nhạy cảm.

Trong khi đó, ca sĩ Kiên (Trịnh Trung Kiên), một gương mặt quen thuộc của cộng đồng indie cũng lên tiếng thừa nhận với vai trò quản trị viên của nhóm đã không can thiệp khi nội dung nhóm dần trở nên tiêu cực.

Tuy nhiên, vì nhóm (gồm khoảng 3.000 thành viên) đã loãng bớt nên Kiên cũng không có động thái can thiệp do chưa nhận thức được tác hại của sự việc.

Việc hai ca sĩ trẻ tài năng vướng vào scandal “chat nhạy cảm” đã khiến dư luận vạch ra rất nhiều vấn đề của việc sử dụng mạng xã hội của giới trẻ, đặc biệt là những người nổi tiếng. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, vừa là công cụ để kết nối, giao lưu, vừa là nơi ẩn chứa những hiểm họa tiềm tàng.

Việc tham gia vào các nhóm chat kín, dù với mục đích ban đầu là giải trí, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, hình ảnh của người nổi tiếng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra những hậu quả khó lường.

“Người nổi tiếng được xem như những tấm gương để mọi người noi theo, đặc biệt là giới trẻ. Khi hình ảnh của họ bị vấy bẩn, nó sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng vào những giá trị mà họ đại diện. Những bê bối nếu nghiêm trọng, thậm chí còn có thể “xóa tên thần tượng trong một đêm”. Gần đây nhất chính là trường hợp của Negav.

Các nhãn hàng thường rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đại diện thương hiệu. Một scandal liên quan đến đạo đức sẽ khiến các hợp đồng quảng cáo bị hủy bỏ. Các nhãn hàng không muốn liên kết với những người nổi tiếng có hình ảnh tiêu cực, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến uy tín và doanh số của họ.

Chưa kể, một khi hình ảnh đã bị ảnh hưởng, sẽ rất khó để người nổi tiếng lấy lại được niềm tin của công chúng. Điều này có thể khiến họ mất đi nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai”, chuyên gia quan hệ công chúng Nguyễn Hoàng Quân chia sẻ với Tiền Phong.

Quyền của khán giả lớn hơn bạn nghĩ

Trả lời cho câu hỏi vì sao người nổi tiếng lại tham gia vào các nhóm chat nhạy cảm, tiến sĩ tâm lý Hà Trang lý giải: “Giống như bất kỳ người trẻ nào khác, người nổi tiếng cũng có sự tò mò về những điều mới lạ, những góc khuất của xã hội. Sự tò mò này, khi không được kiểm soát, có thể dẫn họ đến những môi trường không lành mạnh. Thứ hai, áp lực đồng trang lứa cũng là một yếu tố đáng kể. Con người có xu hướng muốn được chấp nhận và trở thành một phần của nhóm. Khi đối mặt với áp lực từ bạn bè hoặc những người có ảnh hưởng, nhiều người dễ dàng bị cuốn vào các hoạt động nhóm, dù biết đó là điều không đúng. Việc từ chối tham gia vào một nhóm chat có thể dẫn đến cảm giác bị cô lập, bị bạn bè xa lánh. Điều này đặc biệt đúng với những người có xu hướng sống nội tâm hoặc thiếu tự tin. Thứ ba, đây là hậu quả của hiệu ứng đám đông: Trong một nhóm chat, khi các thành viên liên tục chia sẻ những quan điểm cực đoan hoặc những hành vi tiêu cực, cá nhân dễ bị ảnh hưởng và làm theo. Hiệu ứng đám đông khiến người ta mất đi khả năng phán đoán và hành động độc lập. Chưa kể, sự ẩn danh trong các nhóm chat tạo ra một cảm giác an toàn giả tạo, khiến người ta dễ dàng buông thả và nói những điều mà bình thường họ không dám.

Cuối cùng, nhiều người nổi tiếng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có thể chưa lường hết được hậu quả nghiêm trọng của việc tham gia vào các nhóm chat có nội dung không lành mạnh. Trong một số trường hợp, họ có thể bị lôi kéo vào các nhóm chat mà không hề hay biết về nội dung thực sự của chúng”.

Về việc liên tục có nhiều nhân vật của công chúng bị “bóc phốt” về những hành động lệch chuẩn, anh Hoàng Quân khẳng định: “Khán giả có nhiều quyền hơn bạn tưởng. Tạo nên sao là khán giả, “phong sát” sao cũng chính là khán giả. Cho nên, khi đã xác định con đường trở thành người nổi tiếng, bạn phải ý thức rõ có những việc được làm và có những việc chính là cấm kỵ. Càng là thần tượng của giới trẻ thì càng bị “soi” và khó nhận được tha thứ hơn khi là “giọng ca yêu thích” của lớp khán giả lớn tuổi và đã có trải nghiệm nhất định trong cuộc sống. Trừ khi những người này muốn tự hất đổ nồi cơm của mình, còn thì yêu cầu tự do muốn gì làm nấy trong khi bạn vẫn sắm vai “người có ảnh hưởng” là điều bất khả”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày