Hồi đầu tháng 11/2020, chính phủ Đan Mạch đã phải đưa ra một quyết định đáng sợ: tiêu hủy số chồn nuôi với số lượng lên tới 17 triệu con. Một quyết định có thể xem là tàn nhẫn, nhưng được đánh giá là cần thiết, sau khi họ tìm thấy dấu vết của virus corona chủng đột biến xuất hiện trong số chồn này.
Khi ấy, hàng triệu con chồn tại các trang trại nuôi nhốt đã bị thảm sát, sau đó đem chôn tập thể. Nhưng hiện tại, các khu vực này bỗng xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: những con chồn tưởng đã bị chôn vùi bỗng dưng lộ ra khỏi nền đất, trông như thể zombie trỗi dậy trong các bộ phim giả tưởng của Hollywood vậy.
Những con chồn đang trỗi dậy ngay tại "mồ chôn tập thể" ở Đan Mạch
Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Tại sao lại có cảnh tượng như vậy?
Theo báo cáo của cảnh sát vùng West Jutland - nơi hàng triệu con chồn bị chôn cất, nguyên nhân là vì quá trình chồn phân hủy đã tạo ra lượng khí ga khổng lồ. Số khí này dồn nén trong nền đất, tạo ra lực đẩy lớn khiến những con chồn phía trên lộ ra. Cảnh sát sau đó đã nhanh chóng tới hiện trường để tái chôn lấp số chồn này, đồng thời khẳng định không có nguy cơ lây nhiễm trong cả khu vực.
Cơ quan chức năng cho biết, hiện tượng này chỉ xảy ra với số chồn bị chôn quá nông - khoảng dưới 1m, và họ đã tiến hành đổ thêm đất để giải quyết. Ngoài ra theo Thomas Kristensen thuộc sở cảnh sát quốc gia, số đất chứa nhiều cát tại West Jutland có thể là một phần nguyên nhân, bởi chúng không đủ nặng để giữ chồn ở bên dưới.
"(Đất chứa cát) kết hợp cùng lượng khí tạo ra khi phân hủy - thứ khiến xác chồn phình lên. Trong kịch bản xấu nhất, số xác chồn sẽ bị đẩy lên khỏi mặt đất."
Như đã nêu, số chồn 17 triệu con này đã bị tiêu hủy sau khi nhiều cá thể nhiễm virus corona từ con người, đồng thời khiến virus tiến hóa và có khả năng lây nhiễm lại cho con người. Dù chưa xảy ra nhưng nếu đúng, chúng sẽ khiến vaccine Covid-19 trở nên vô giá trị, nên họ cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc giải quyết toàn bộ số chồn ấy.
Người chăn nuôi đã nhận được tiền bồi thường cho mỗi cá thể bị tiêu hủy, cộng thêm một số khoản thưởng bổ sung nếu chúng được giải quyết trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên trong quá trình này, đã có một số vấn đề xảy ra.
Như hồi đầu tháng 11 - khi quá trình tiêu hủy đang diễn ra, người ta đã phát hiện hàng ngàn xác chồn nằm rải rác trên đoạn đường kéo dài hơn 20km, do rơi vãi ra từ sau xe tải trong lúc mang đi chôn. Người dân xung quanh khu vực cũng được trấn an rằng không có gì nguy hiểm, nhưng lại nhận thêm cảnh báo về mùi hương... khó ngửi sau đó.
Nhìn chung thì theo cảnh sát, khả năng lây nhiễm Covid-19 từ xác động vật là khá thấp, trừ phi tiếp cận trực tiếp thi thể của chúng. Nguyên nhân là vì virus chủ yếu sẽ mắc kẹt trong bộ lông của chồn chứ không lọt ra ngoài không khí theo quá trình hô hấp như khi chúng còn sống.
Quá trình tiêu hủy chồn hàng loạt cũng vấp phải nhiều phản đối. Nhiều người cho rằng nhà chức trách thực chất không có quyền ra lệnh tiêu hủy hàng loạt số chồn này. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định đây là một chiến dịch thành công, bởi dòng virus đột biến đã không còn dấu vết kể từ ngày 15/9.
"Không có bất kỳ ca nhiễm mới nào liên quan đến chủng virus đột biến kể từ ngày 15/9," - trích lời người phát ngôn của Bộ Y tế Đan Mạch trong ngày 25/11.
Nguồn: Daily Mail