Vào tháng 7 năm 2023, Liu Luyang bước vào một bệnh viện ở Trung Quốc và chỉ trong 30 phút, anh đã quyết định thay đổi cuộc đời mình. Chỉ với 2 vết rạch nhỏ, Liu gia nhập nhóm cực kỳ hiếm hoi, chiếm vỏn vẹn 0,02% đàn ông Trung Quốc lựa chọn thắt ống dẫn tinh.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở con số đó. Liu tự quay lại hành trình của mình, biến quyết định cá nhân thành một thông điệp đầy mạnh mẽ. Trong vòng 6 tuần, anh đăng tải 6 video ngắn, mỗi video khoảng 2 phút trên kênh cá nhân mang tên “Nhật ký triệt sản”. Các video ghi lại từng bước từ lúc vào phòng phẫu thuật cho đến giai đoạn hồi phục tại nhà.
Những phản hồi dồn dập từ khắp nơi: người thì khen ngợi, người lại chỉ trích. Phụ nữ tôn vinh Liu như một người dũng cảm và là đồng minh hiếm hoi, trong khi không ít đàn ông chế nhạo, đặt nghi vấn về sự nam tính của anh, thậm chí buông lời mỉa mai: “Cậu đã xét nghiệm ADN chưa đấy?”
Liu vẫn kiên định với lựa chọn của mình và tiếp tục đăng tải các bài viết.
“Đối với tôi, nam tính là biết chịu trách nhiệm, bảo vệ gia đình và đảm bảo sự an toàn cho họ trước những tác động từ bên ngoài, kể cả từ người lớn tuổi hay họ hàng,” Liu, 26 tuổi, chia sẻ với Sixth Tone.
Quan điểm này đang dần nhận được sự ủng hộ từ một nhóm nhỏ, chiếm 0,02% đàn ông Trung Quốc đã chọn thắt ống dẫn tinh. Đây là một quyết định đầy thách thức, đi ngược lại quan niệm lâu đời rằng trách nhiệm sinh sản luôn thuộc về phụ nữ. Đồng thời, nó cũng đối mặt với định kiến xã hội nặng nề về việc thắt ống dẫn tinh.
Những người tiên phong này, phần lớn là thế hệ trẻ sinh sau năm 2000, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ lựa chọn của mình và khởi xướng những cuộc thảo luận hiếm khi được nói đến ngoài đời thực. Với sự hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên môn - cung cấp thông tin chính xác và giải đáp những thắc mắc - các bài đăng này đã thu hút hàng triệu lượt xem, mở ra một cuộc đối thoại vốn bị né tránh trong xã hội.
Sixth Tone đã phỏng vấn 3 người đàn ông chia sẻ trải nghiệm thắt ống dẫn tinh của họ trên các nền tảng như Xiaohongshu hay Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc).
Một số người tập trung vào những vấn đề thực tế như cách làm thủ tục tại bệnh viện, chi phí phẫu thuật và thời gian hồi phục. Trong khi đó, một số khác lại thể hiện thái độ thẳng thắn hơn, phản bác những hiểu lầm dai dẳng, chẳng hạn như quan niệm sai lầm rằng thắt ống dẫn tinh làm suy giảm nam tính hay sức khỏe.
Hiện tại, họ nhận được nhiều tin nhắn riêng từ những người xa lạ tìm kiếm lời khuyên. Từ cách đặt lịch hẹn, quá trình hồi phục, đến chi phí phẫu thuật, nhưng điều được hỏi nhiều nhất vẫn là: Làm sao để mở lời với gia đình? Bởi đối với hầu hết mọi người, việc chia sẻ trên mạng xã hội là phần dễ dàng. Thử thách thực sự lại nằm ở việc thuyết phục gia đình, đáp ứng kỳ vọng của bạn đời, và vượt qua nỗi lo lắng của chính mình.
Trước khi Liu chia sẻ với gia đình, anh và vợ tên Zhai, đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Là một giáo viên mầm non 33 tuổi, Zhai đã nghiên cứu chi tiết về quy trình thắt ống dẫn tinh và cùng thảo luận với chồng. Tuy nhiên, cô không ép buộc Liu phải quyết định.
“Tôi sợ anh ấy đưa ra quyết định vội vàng, nên đã khuyên anh cân nhắc thật kỹ,” Zhai chia sẻ với Sixth Tone, đồng thời yêu cầu chỉ được nhắc đến bằng họ tên. “Giờ anh ấy đã làm xong, chúng tôi không hề hối tiếc”.
Quyết định là của cả hai, nhưng áp lực chỉ trích lại dồn lên Zhai.
“Sao con có thể để chồng làm chuyện này?” mẹ của Zhai tức giận chất vấn, cho rằng đây là một hành động “thiếu trách nhiệm nghiêm trọng”. Dù cặp đôi đã có một cậu con trai, bà vẫn mong muốn họ sinh thêm một cháu gái. “Thậm chí, mẹ còn yêu cầu vợ tôi đặt vòng tránh thai thay vì để tôi thực hiện phẫu thuật”, Liu kể lại.
Liu quyết định thực hiện phẫu thuật ở Thượng Hải mà không bận tâm liệu mẹ vợ có biết hay không.
“Mẹ vợ tôi chắc chắn sẽ không dám hỏi đến chuyện này”, Liu chia sẻ và khẳng định: “Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm sinh sản không nên đặt hoàn toàn lên một cá nhân, mà cần được chia sẻ một cách công bằng hơn.”
Tại Trung Quốc, số liệu cho thấy trách nhiệm triệt sản từ lâu đã đặt nặng lên vai phụ nữ.
Theo báo cáo chính thức, năm 2020, cả nước thực hiện 14,7 triệu ca kiểm soát sinh sản. Trong đó, 61% là phá thai, 17% là đặt vòng tránh thai, và 1,3% là thắt ống dẫn trứng. Trong khi đó, số ca thắt ống dẫn tinh chỉ có 2.626 ca, chiếm vỏn vẹn 0,02%.
So với các phương pháp dành cho phụ nữ, thường phức tạp, gây đau đớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, thắt ống dẫn tinh lại là một thủ thuật đơn giản, ít đau và ít nguy cơ biến chứng.
Bác sĩ Liao Xuefen, trưởng khoa tại Bệnh viện Liễu Châu thuộc Trung tâm Y tế Phụ nữ và Trẻ em Quảng Châu, nhấn mạnh: “Triệt sản nam đơn giản hơn, ít xâm lấn hơn và không hề ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục”.
Hiện nay, ngày càng nhiều bác sĩ sử dụng mạng xã hội để ủng hộ việc thắt ống dẫn tinh. Họ nhấn mạnh đây là phương pháp an toàn, chi phí thấp và ít ảnh hưởng đến cơ thể hơn so với các biện pháp triệt sản dành cho phụ nữ, đồng thời hy vọng có thể thay đổi nhận thức của xã hội.
Mặc dù đây là một thủ thuật đơn giản và tiết kiệm, nhiều người vẫn hiểu sai, phóng đại rủi ro liên quan. “Giải thích rõ ràng trước phẫu thuật và hỗ trợ tâm lý, sức khỏe sau phẫu thuật là điều cần thiết để bệnh nhân hồi phục tốt hơn,” bác sĩ Liao chia sẻ. Bà cũng nhấn mạnh vai trò của bệnh viện và mạng xã hội trong việc phá bỏ định kiến, bình thường hóa thủ thuật này.
Trong các video của mình, Liu liên tục khẳng định rằng thắt ống dẫn tinh là an toàn, hiệu quả và ít xâm lấn. Anh hướng dẫn người xem từng bước trong quá trình phẫu thuật, đồng thời trực tiếp giải đáp những lo ngại và hiểu lầm phổ biến.
Trong video có tiêu đề “Năm 25 tuổi, tôi cuối cùng đã thắt ống dẫn tinh”, Liu chia sẻ chi tiết một ngày đặc biệt của mình. Anh đến bệnh viện lúc 8 giờ sáng, thay đồ vào lúc 9 giờ và bước vào ca phẫu thuật vào 1 giờ chiều. Khi vợ anh do dự, nước mắt lưng tròng, băn khoăn liệu họ có nên tiếp tục, Liu đã nhẹ nhàng trấn an cô.
Nửa giờ sau, ca phẫu thuật hoàn thành. Nằm trên giường, Liu nói: “Thủ thuật rất ít xâm lấn, nhưng vẫn có chút đau”. Y tá động viên rằng anh không cần dùng thuốc giảm đau hay bôi thuốc mỡ. Sau một thời gian quan sát ngắn, Liu được phép về nhà.
Trong 1 video khác, Liu hướng dẫn khán giả từng bước của quá trình phẫu thuật và hồi phục. Anh giải thích rằng thủ thuật này khá đơn giản, chỉ yêu cầu các kiểm tra trước phẫu thuật như chụp X-quang ngực, điện tâm đồ, xét nghiệm máu và phân tích tinh dịch. Toàn bộ quá trình phẫu thuật chỉ mất khoảng 30 phút. Tuy nhiên, Liu cũng lưu ý rằng nếu muốn đảo ngược, quá trình đó sẽ phức tạp hơn rất nhiều, kéo dài ít nhất 4 tiếng.
Tổng chi phí cho phẫu thuật và các xét nghiệm trước phẫu thuật là khoảng 1.600 nhân dân tệ (khoảng 5,5 triệu đồng), toàn bộ được bảo hiểm chi trả.
“Trước khi phẫu thuật, bác sĩ nhấn mạnh nhiều lần rằng, miễn là tôi chưa bước vào phòng mổ, tôi vẫn có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào, kể cả sau khi đã ký đơn đồng ý,” Liu chia sẻ.
Liu công khai các video của mình với mong muốn chia sẻ trải nghiệm cá nhân và gửi gắm một thông điệp: khi cả hai vợ chồng đã quyết định không muốn sinh thêm con, đàn ông cũng có quyền lựa chọn triệt sản như phụ nữ.
Kể từ khi được đăng tải, chủ đề thắt ống dẫn tinh đã thu hút sự quan tâm lớn trên Xiaohongshu, với hơn 230 triệu lượt xem và 1,38 triệu thảo luận.
Liu cũng nhận được nhiều tin nhắn từ những người đàn ông muốn tìm hiểu thêm về thủ thuật này. Các câu hỏi thường xoay quanh: “Chi phí là bao nhiêu?”, “Hồi phục mất bao lâu?”, hoặc “Anh khuyên nên đến bác sĩ nào?”.
Với Lin Sen, 28 tuổi, bước ngoặt đến vào đầu năm 2024 khi vợ anh bất ngờ mang thai. Điều này buộc cả hai phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Việc cân nhắc có thêm con thứ hai đã tạo áp lực lớn, và cuối cùng, cặp đôi quyết định phá thai.
Trải nghiệm này để lại tổn thương tinh thần sâu sắc cho cả hai, đặc biệt là với vợ anh, người phải chịu những ảnh hưởng nặng nề cả về thể chất lẫn tâm lý.
“Đây là quyết định cá nhân của hai vợ chồng, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào lựa chọn của mình,” Lin chia sẻ. “Triệt sản không nên là quyết định vội vã, mà cần được cân nhắc kỹ lưỡng, là lựa chọn chung trong một mối quan hệ bền vững để đảm bảo sự an toàn và thoải mái hơn trong cuộc sống vợ chồng”.
Lin đã thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ, và anh nhanh chóng quay lại sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, điều khiến Lin được chú ý là cách anh chia sẻ trải nghiệm trên mạng xã hội.
Anh ghi lại toàn bộ hành trình trên Xiaohongshu, thu hút hơn 110.000 người theo dõi nhờ những chia sẻ thẳng thắn về quá trình phẫu thuật và hồi phục. Lin cho biết, chỉ sau 15 ngày, anh đã trở lại đời sống sinh hoạt vợ chồng bình thường. Một buổi kiểm tra gần 2 tháng sau đó cũng xác nhận thủ thuật đã thành công hoàn toàn.
Joy Lin, nhà sáng lập sáng kiến về bình đẳng giới Wequality tại Thượng Hải, cho rằng dù thắt ống dẫn tinh có thể là giải pháp dài hạn hiệu quả trong việc tránh thai, nhưng vẫn tồn tại những rào cản văn hóa và xã hội lớn ngăn cản việc phổ biến rộng rãi phương pháp này.
“Tại Trung Quốc, với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và nỗi sợ sinh con ngày càng gia tăng ở phụ nữ trẻ, việc thúc đẩy triệt sản nam hay bất kỳ biện pháp tránh thai dài hạn nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối không nhỏ”, Joy Lin chia sẻ.
Trong suốt nhiều thập kỷ, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc tập trung kiểm soát dân số, chủ yếu sử dụng các biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ như triệt sản hoặc đặt vòng tránh thai, đặc biệt trong thời kỳ chính sách một con.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa nhanh, chính phủ đã thay đổi cách tiếp cận, tập trung khuyến khích kết hôn và sinh thêm con. Chính sách hai con và ba con đã được triển khai, chuyển trọng tâm từ hạn chế quy mô gia đình sang thúc đẩy sinh sản.
Dù vậy, thắt ống dẫn tinh vẫn ít được chú ý. Tại các bệnh viện, dịch vụ này tồn tại một cách thụ động và bị lu mờ bởi các quan niệm văn hóa lâu đời, vốn đặt trách nhiệm tránh thai lên phụ nữ. Theo Joy Lin, điều này bắt nguồn từ tư tưởng cho rằng đàn ông không trực tiếp sinh con, nên trách nhiệm trong việc sinh sản cũng nhẹ nhàng hơn.
Jiang Yijun, bác sĩ 35 tuổi từ tỉnh Tứ Xuyên, đã chọn triệt sản với sự tự tin và suy nghĩ thấu đáo. Là cha của một bé gái 2 tuổi, anh coi đây là giải pháp thực tế, giúp gia đình ổn định mà không phải lo ngại về rủi ro hay sự phức tạp.
Jiang chỉ thông báo cho cha mẹ về quyết định này sau khi đã thực hiện phẫu thuật. Ban đầu, họ bất ngờ nhưng không phản đối, tôn trọng quyền tự quyết của anh. “Với nhiều bậc phụ huynh, miễn con cái khỏe mạnh, hạnh phúc và không phụ thuộc vào họ, việc có thêm con hay không không còn quá quan trọng”, Jiang chia sẻ.
Jiang cũng nhận thấy thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, ngày càng có xu hướng không sinh con hoặc lựa chọn triệt sản. “Đối với nhiều người trẻ, với thu nhập hạn chế, chi phí nuôi con cao và áp lực xã hội lớn, quyết định không sinh con trở thành một quyết định phù hợp hơn. Họ tập trung vào việc tận hưởng cuộc sống cá nhân, sống theo cách bản thân mong muốn, đôi khi được gọi là phong cách sống tiểu tư sản”.
Joy Lin nhận định rằng sự thay đổi này phản ánh bước tiến lớn trong quan điểm về vai trò giới và tránh thai. “Bình đẳng giới ngày càng trở thành cách để nam giới thể hiện sự tiến bộ, sẵn sàng chấp nhận cái mới, trình độ học vấn và đẳng cấp trong việc chọn bạn đời,” cô nói.
Jiang bổ sung rằng, trong khi thế hệ trước vẫn coi trọng việc “nuôi con để nương tựa tuổi già,” giới trẻ ngày nay ưu tiên hạnh phúc và sự độc lập của bản thân. “Thái độ không quá quan tâm đến ý kiến xã hội thực sự là một bước tiến trong tư duy, giúp họ hiểu rõ mình muốn gì và kiên định với lựa chọn của mình,” anh chia sẻ.
Sau khi kể lại câu chuyện của mình trên các nền tảng như kênh video “Go, Pikachu”, Jiang đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều nhưng vẫn giữ vững lập trường. Qua các video, anh thẳng thắn chia sẻ hành trình triệt sản với hy vọng giúp mọi người hiểu rõ hơn về phương pháp này và khuyến khích các cuộc thảo luận cởi mở hơn.
“Tôi hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp mọi người nhận ra rằng thắt ống dẫn tinh là phương pháp an toàn, đơn giản và không có gì đáng xấu hổ,” Jiang nhấn mạnh.
Nguồn: Sixth Tone