Bức tượng cao 2,8m mọc lên giữa khu di tích trọng điểm: Chính quyền vào cuộc

Phạm Trang, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 23:19 03/07/2025
Chia sẻ

Một người đàn ông ở Tứ Xuyên đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc chấn động khi tự tay chạm khắc bức tượng đá khổng lồ mang hình hài nửa giống Phật, nửa giống Ultraman.

Một người đàn ông đến từ thị trấn Shiyang, huyện An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) gần đây đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi công bố tác phẩm điêu khắc mang tên hang động Ultraman. Tác phẩm được khắc trực tiếp trên vách đá cao hơn 3 mét, với hình tượng nửa thân dưới như Phật tổ nhưng phần đầu lại giống nhân vật siêu anh hùng Ultraman nổi tiếng.

Theo trang Upstream News, người đàn ông này đã dành khoảng hai tháng để hoàn thành công trình với tổng chi phí khoảng 3.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 10 triệu đồng). Anh cho biết bản thân sử dụng các công cụ chuyên dụng để đục tạo một hốc đá cao 3,5 mét, sau đó mới khắc tượng bên trong. Tổng cộng có 31 bức ảnh được anh chụp lại trong quá trình thực hiện tác phẩm.

Bức tượng cao 2,8m mọc lên giữa khu di tích trọng điểm: Chính quyền vào cuộc- Ảnh 1.

Ban đầu, bức tượng có đầu gần như giống hệt Ultraman – nhân vật siêu anh hùng rất được yêu thích tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi có cư dân mạng cảnh báo về nguy cơ vi phạm bản quyền hình ảnh, người này khẳng định đã sửa đổi đáng kể phần đầu và hình dáng chung, lấy cảm hứng từ tượng gốm thời Hán trong Bảo tàng huyện Nam Sung (Tứ Xuyên, Trung Quốc)

Trong buổi livestream, người đàn ông chia sẻ: “Vì có người phản ánh nên tôi đã thay đổi tên và ngoại hình. Dù nhìn hơi giống Ultraman thật nhưng chắc chắn không phải. Ai từng thấy Ultraman giống như vậy chưa?”

Bức tượng cao 2,8m mọc lên giữa khu di tích trọng điểm: Chính quyền vào cuộc- Ảnh 2.

Bức tượng cao 2,8m mọc lên giữa khu di tích trọng điểm: Chính quyền vào cuộc- Ảnh 3.

Anh cũng tiết lộ thêm: “Tôi chỉ là người mới bắt đầu, không kiếm được tiền từ việc chạm khắc. Buổi livestream hôm nay cũng chỉ được khoảng 4 nhân dân tệ (khoảng gần 15.000 đồng). Có lẽ tôi sẽ không chạm khắc nữa mà sẽ đi làm.”

Phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng và giới chức

Sau khi hình ảnh về hang động Ultraman được đăng tải vào ngày 21/6, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ bình luận. Bên cạnh nhiều bình luận phê phán, chế giễu thì cũng có một số khác lại tỏ ra thích thú và cho rằng nó là cách pha trộn giữa hiện đại và truyền thống.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại về khía cạnh pháp lý, đặc biệt là việc khắc đá trên vách đá thiên nhiên. Trả lời câu hỏi của cư dân mạng, tác giả cho biết: “Tôi đã hỏi chính quyền. Cục Đất đai không cấm điêu khắc đá quy mô nhỏ. Đây không phải danh lam thắng cảnh. Tượng đá chỉ cao 2,8 mét.”

Dù vậy, một nhân viên chính quyền thị trấn Shiyang khẳng định: “Theo quy định, bất kể là loại chạm khắc đá nào đều không thể tùy tiện thực hiện. Cần phải có phê duyệt chính thức.” Đại diện Cục Văn hóa và Du lịch huyện An Nhạc cho biết họ đang xác minh tình hình và điều tra xem người đàn ông này có vi phạm pháp luật liên quan đến việc khắc chữ, hình trên vách đá hay không.

Bức tượng cao 2,8m mọc lên giữa khu di tích trọng điểm: Chính quyền vào cuộc- Ảnh 4.

“Nếu không nằm trong khu vực bảo vệ di tích văn hóa, việc quản lý có thể không nghiêm ngặt như vậy. Nhưng có được khắc hay không còn phụ thuộc vào tính chất sử dụng đất.” - cơ quan chức năng cho biết.

Được mệnh danh là "Quê hương của nghệ thuật chạm khắc đá Trung Quốc", huyện An Nhạc sở hữu hơn 100.000 tác phẩm chạm khắc trên vách đá có niên đại từ thời Đường và Tống, cùng hơn 400.000 ký tự kinh thư khắc trong các hang động. Nơi đây có đến 10 di tích được xếp hạng bảo vệ cấp quốc gia. Riêng thị trấn Shiyang - nơi đặt “Hang động Ultraman” là nơi tọa lạc của bốn di tích trọng điểm.

Việc một tác phẩm mang phong cách "pha trộn" như Hang động Ultraman xuất hiện tại vùng đất giàu giá trị lịch sử và di sản như vậy đang làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Trong lúc giới chức còn đang xác minh tính pháp lý của tác phẩm, câu chuyện về “Hang động Ultraman” vẫn tiếp tục lan rộng, trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc – nơi những giá trị truyền thống và xu hướng văn hóa đương đại không ngừng va chạm và pha trộn.

Nguồn: ETtoday

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày