Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc nằm ở phía đông Quảng trường Thiên An Môn là một trong những bảo tàng sở hữu nhiều hiện vật hoàng gia và tác phẩm nghệ thuật nhất tại đất nước tỷ dân. Nơi đây trưng bày hơn 1 triệu mảnh ghép lịch sử Trung Quốc từ thời người vượn Nguyên Mưu đến cuối triều đại nhà Thanh.
Khi đến thăm viện bảo tàng này, nhiều du khách không khỏi bất ngờ, ám ảnh khi tận mắt chiêm ngưỡng một bức tranh ma quỷ có niên đại từ thời nhà Thanh. Bức họa này có tên "Nhòm cửa thấy quỷ", được sáng tác bởi một họa sĩ vô danh dưới thời vua Quang Tự (1875 - 1908).
Toàn cảnh bức họa "Nhòm cửa thấy quỷ" được trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc (Ảnh: Sina)
Tranh vẽ lại quang cảnh trong thư phòng với một ma nữ màu xanh, gương mặt dữ tợn đang vẽ lên lớp da của một thiếu nữ xinh đẹp. Bên ô cửa sổ còn có một người đàn ông nhòm vào với gương mặt trắng bệch kinh hãi.
Nhiều người dùng trên mạng xã hội Weibo khẳng định họ cảm thấy "sởn da gà" khi phóng to tranh ở kích thước 300% để nhìn thẳng vào nụ cười ma quái, vô hồn của bộ da thiếu nữ trên bàn, màu sắc tổng thể bức tranh cũng vô cùng u ám dễ khiến người ta e sợ. Vậy bức họa ma quái này thực sự có ý nghĩa gì?
Câu chuyện đằng sau bức họa
Theo thông tin từ Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, bức tranh "Nhòm cửa thấy quỷ" được lấy cảm hứng mẩu chuyện ngắn trong tiểu thuyết nổi tiếng Liêu Trai Chí Dị của tác giả Bồ Tùng Linh.
Tác phẩm Liêu Trai Chí Dị ra đời vào đầu thời nhà Thanh với 12 quyển, 431 thiên truyện từng được dịch sang tiếng Việt và được đông đảo độc giả Việt Nam đón nhận.
Tiểu thuyết thông qua những câu chuyện thần tiên ma quái mà ngầm chỉ trích bọn tham quan, cường hào ác bá thời Mãn Thanh, phê phán thói hư tật xấu của Nho sĩ, đồng thời, thể hiện những tư tưởng dân chủ trong vấn đề hôn nhân và tình yêu.
Bức họa "Nhòm cửa thấy quỷ" này được lấy cảm hứng từ truyện ngắn nổi tiếng Họa Bì trong quyển 1 hồi 40 của Liêu Trai Chí Dị.
Tấm da mỹ nữ với nụ cười ma mị khi phóng to bức tranh ở kích thước 300% (Ảnh: Sina)
Họa Bì kể về một học sĩ Vương Sinh người Sơn Tây, tình cờ gặp được một cô gái xinh đẹp trên đường.
Nghe mỹ nhân này nói mình đang lâm nạn, Vương Sinh dù đã có vợ ở nhà nhưng vẫn động lòng đưa cô gái về nhà trú ngụ rồi cùng chung chạ với nhau. Một ngày nọ, có vị đạo sĩ đi ngang qua thấy Vương Sinh có tà khí trên người bèn cảnh tỉnh nhưng Vương Sinh xem thường không nghe.
Khi về đến nhà, Vương Sinh lén nhìn qua ô cửa của căn phòng cô gái mình đưa về thì phát hiện cô là con quỷ đội lốt da người, đêm đêm đều hiện nguyên hình quỷ tô vẽ cho tấm da mỹ nhân xinh đẹp kia. Lúc này, Vương Sinh mới sợ hãi đi tìm đạo sĩ nhờ giúp đỡ nhưng chuyện không thành, con quỷ trong nhà đã móc tim Vương Sinh rồi bỏ trốn.
Ánh mắt kinh hãi của Vương Sinh được tác giả khắc họa trong bức tranh "Nhòm cửa thấy quỷ" (Ảnh: Sina)
Vợ Vương Sinh là Trần Thị biết tin thì đau đớn đi tìm đạo sĩ hỏi cách cứu chồng, đạo sĩ lúc đầu còn từ chối nhưng do Trần Thị thiết tha nài nỉ nên đã bày cách cho. Vị đạo sĩ dặn đi tìm một người điên ở chợ, lại dặn dù có bị đánh đập hay làm nhục vẫn phải nhẫn nhục cầu xin người ấy.
Trần Thị tìm được người điên dù bị cào cấu đánh đập cũng vẫn nhẫn nhục, người điên lại bắt Trần Thị phải nuốt cục đờm của mình rồi đi mất. Không được việc gì lại phải chịu nhục nuốt đờm người khác, Trần Thị tủi hổ về khóc bên xác chồng, bỗng thấy cổ vướng liền nôn ra một quả tim rơi vào ngực chồng, nhờ đó Vương Sinh sống lại.
Qua phần nội dung kinh dị này, Họa Bì đã vạch trần dục vọng và lòng tham của con người, cho thấy con người thường dễ bị mờ mắt bởi những giá trị hào nhoáng bên ngoài mà không đề phòng những hiểm họa ẩn giấu bên trong. Bài học từ Họa Bì đến tận ngày nay vẫn còn có tính thời sự, tính ứng dụng giữa xã hội hiện đại.
Sáng tạo này của nhà văn Bồ Tùng Linh được coi là nguồn cảm hứng đặc biệt cho người họa sĩ thời Thanh sáng tạo nên bức họa "Nhòm cửa thấy quỷ" và sau này là những tác phẩm điện ảnh được đón nhận nồng nhiệt như bộ phim Họa Bì (2008) của đạo diễn Trần Gia Thượng.