Mới đây, trên mạng xã hội Twitter, một người dùng Nhật Bản đã đăng tải tấm ảnh 2 quả cầu, nhìn rõ rành rành là 2 màu khác nhau. Tuy nhiên, chính chủ lại khẳng định rằng cả 2 thực ra là cùng một màu. Ngay lập tức, bức ảnh gây "lú" cực mạnh này được cộng đồng mạng trên Twitter và cả Weibo của Trung Quốc chia sẻ mạnh mẽ và liên tục tranh cãi về màu sắc thực sự của hai quả cầu.
Đây bạn nhìn thử xem, có phải 2 quả cầu này có màu khác nhau không? Một xanh lam, một xanh ngọc?
Nhiều người đã nói rằng kể cả nhìn qua hay nhìn kỹ thì họ vẫn thấy rõ ràng hai quả cầu có màu hoàn toàn khác nhau
Nếu bạn cũng quả quyết 2 quả cầu có màu khác nhau thì bạn cũng giống đa số cư dân mạng rồi, đều... bị lừa. Xin thông báo, 2 quả cầu này có màu sắc tuyệt đối giống nhau, không sai khác đến một mảy. Nếu không tin thì bằng chứng ở ngay đây!
Ảnh: Internet
Đoạn clip chứng minh hai quả cầu thực ra là cùng một màu
Hóa ra cả hai quả cầu đều có màu xanh bạc hà (mint), nhưng đã bị đổi màu sau khi đưa vào nền với các chấm bi khác màu. Hiện tượng này được gọi là "ảo giác Munker", hoặc Munker - White, dựa trên tên của nhà khoa học đã phát hiện ra nó vào thập niên 1970.
Không ai biết chắc chắn điều gì đã tạo nên ảo giác này, nhưng người ta cũng đặt ra một số giả thuyết. David Novick, một nhà khoa học máy tính tại ĐH Texas gọi đây là hiệu ứng tự hoàn thiện màu sắc trong não bộ.
Hiểu một cách đơn giản, các hình ảnh ta thấy được đều là do não bộ quyết định, và nó chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Với việc màu nền khác nhau, màu sắc của vật thể cũng bị thay đổi trong nhận thức của não bộ. Như trong bức ảnh dưới đây, các vòng tròn thực chất có màu sắc giống hệt nhau, chỉ bị đổi do màu sọc khác nhau thôi.
Tưởng như 2 chú chó có màu xanh xám và vàng xám, nhưng thực ra là cùng một màu đấy
Tóm lại thì lý do chúng ta nhìn thấy các màu sắc khác nhau đều là vì não bộ, và vì hiệu ứng Munker. Đây cũng là ảo giác khiến bạn cần phải nhìn nhận thẳng vào sự thật, đó là không phải bất cứ điều gì "mắt thấy tai nghe" cũng là thật. Có thể não đang "troll" bạn đó.