Bức ảnh đứa trẻ cầm 7 nghìn đồng đứng bên chiếc cân gây "bão": Người ào ào vào "xin vía", người đưa ra lời cảnh báo

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 12:27 14/01/2025
Chia sẻ

Bạn nghĩ sao về câu chuyện này?

Mới đây, bức ảnh 1 em học sinh cầm 7 nghìn đồng đừng trong vựa thu mua đồng nát được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự chú ý. Theo chia sẻ, vì đứa trẻ lười học nên gia đình bắt đi nhặt rác để biết kiếm tiền vất vả như thế nào. Sau 30 phút, con mang về 2 túi chai lọ to, được gia đình đưa đi cân thu mua.

"Cô thu mua đồng nát nói: Của con được 5 nghìn đồng, cô cho thêm 1 nghìn đồng mua kẹo", người này kể.

Bức ảnh đứa trẻ cầm 7 nghìn đồng đứng bên chiếc cân gây "bão": Người ào ào vào "xin vía", người đưa ra lời cảnh báo- Ảnh 1.

Sau 30 phút, con mang về 2 túi chai lọ to, được gia đình đưa đi cân thu mua.

Cách dạy con của gia đình này thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Người đồng tình cho rằng, phải cho con "nếm mùi" lao động thì con mới biết quý trọng cuộc sống đang có. Nhiều người ào ào "xin vía" và lưu lại để lần sau áp dụng dạy con.

Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, chăm chỉ và có thể giúp trẻ nhận ra rằng việc kiếm tiền không phải là điều dễ dàng. Từ đó, trẻ có thể học được bài học về sự vất vả, cần mẫn và sự tôn trọng đối với những công việc không được xã hội coi trọng.

Việc kiếm tiền từ công việc lượm ve chai có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của đồng tiền và sự khó khăn khi phải làm việc để có được tiền. Điều này có thể giúp trẻ trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với việc chi tiêu và tiết kiệm.

Đặc biệt, đối với những đứa trẻ thường xuyên phụ thuộc vào cha mẹ trong việc học hành và cuộc sống, việc giao cho chúng một nhiệm vụ nhỏ như vậy có thể giúp chúng học được sự độc lập và tự lập. Khi trẻ cảm nhận được việc kiếm tiền từ công việc của chính mình, chúng có thể trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại đây là cách dạy con tiêu cực.

"Tôi thì nghĩ đây không hẳn là bài học quý. Sau 2 ngày về thì đứa trẻ đơn giản nghĩ rằng thà đi học còn nhàn hơn lao động chân tay. Tóm lại, kết quả vẫn là tư tưởng nhàn hơn chứ không phải là giá trị của lao động, hay học tập là gì. Nhưng đây cũng là giải pháp tình thế hay để cho đứa trẻ lười một bài học. Tuy nhiên, nó có thể kéo theo hệ quả là sợ vất vả, sợ làm việc.

Tôi còn nhớ đến khi tôi là đứa trẻ lớp 4, lớp 5, mỗi dịp hè tôi chủ động tham gia sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ: Cấy rau, chở ra chợ bán, hay thu hoạch quả trong vườn nhà. Hoa lợi thu được chị em tôi sử dụng trong trang bị đồ dùng cho năm học mới. Bởi thể chúng tôi đều nỗ lực lao động, thấy tự hào, và trân quý công sức của mình. Lao động ấy cũng khiến chúng tôi thêm nghiêm túc, tự giác học hành vì đã rèn luyên thêm ý thức chứ không phải vì thấy sự vất vả của lao động chân tay mà trốn tránh bằng sách vở", một người chia sẻ.

Một số người cũng cho rằng công việc lượm ve chai không phải là công việc phù hợp để rèn luyện trẻ. Thay vì dạy con cái giá trị của lao động và sự chăm chỉ thông qua công việc như vậy, việc cho con làm ve chai có thể dẫn đến sự nhầm lẫn về những giá trị lao động thật sự. Trẻ sẽ không hiểu được sự cần thiết của việc học hành nghiêm túc, bởi chúng có thể thấy rằng chỉ cần làm những công việc "nhẹ nhàng" như vậy đã có thể kiếm tiền.

Việc yêu cầu trẻ làm những công việc như vậy quá sớm có thể tạo ra áp lực không cần thiết. Trẻ em cần thời gian để học hỏi và phát triển bản thân, và việc bị đặt vào một tình huống "kiếm tiền" có thể khiến chúng cảm thấy căng thẳng hoặc bị đánh giá thấp.

Thay vì chỉ phạt con bằng công việc vặt vãnh, họ cho rằng cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ lười học để có phương pháp giáo dục phù hợp, chẳng hạn như phát hiện và khắc phục các vấn đề về tâm lý hay khả năng học tập của trẻ.

Ví dụ như tạo ra môi trường học tập thú vị hơn, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa bổ ích, hay tạo dựng thói quen học tập đều đặn, giúp trẻ hiểu rằng học là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Trước khi áp dụng bất kỳ hình phạt nào, việc thảo luận với trẻ để hiểu nguyên nhân dẫn đến việc lười học cũng rất quan trọng. Có thể trẻ có những vấn đề tâm lý hoặc những khó khăn trong học tập mà không được cha mẹ phát hiện kịp thời. Một cuộc đối thoại cởi mở và thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái có thể giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Bạn nghĩ sao về cách dạy con này?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày