"Bữa cơm có thịt" trong lễ bế giảng của cô trò trên lớp học nơi đỉnh trời khiến nhiều người rưng rưng

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 15:40 06/07/2020

Chỉ đơn giản mì gà và nước ngọt, các em học sinh dân tộc Ca Dong rộn ràng và háo hức vô cùng. Mỗi em ăn 2-3 tô, tổng hơn 20kg mì gạo. Buổi lễ tổng kết năm học của trường học trên đỉnh trời tại Tắk Pổ chỉ đơn giản như vậy thôi!

Thứ 5 tuần trước (ngày 2/7), lớp học trên đỉnh trời Tắk Pổ, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi lễ bế giảng. Nghe có vẻ to tát, nhưng quả thực 45 em học sinh dân tộc Ca Dong cùng bà con và 2 cô giáo tổng kết năm học với "bữa cơm có thịt" mà không phải ngày nào lũ trẻ cũng có cơ hội thưởng thức. 

Chỉ đơn giản mì gà và nước ngọt, các em học sinh rộn ràng và háo hức vô cùng. Mỗi em ăn 2-3 tô, tổng hơn 20kg mì gạo.

Buổi lễ tổng kết năm học của điểm trường Tắk Pổ. Ảnh: NVCC. 

Cô Trà Thị Thu (26 tuổi) kể lại, để tổ chức "bữa tiệc" nhỏ này, cô đã đi xin tài trợ từ một mạnh thường quân ở Đà Nẵng. Buổi chiều, cô cùng bà con cõng đồ về trường rồi cùng nấu nướng. Đến tối, tất cả tề tựu dưới ánh đèn leo lét, mập mờ. 

"Bình thường các em chỉ ăn cơm với rau, có khi một tuần có 2-3 bữa cá tùy hoàn cảnh từng gia đình. Có lẽ đây là một trong những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất với các con", cô Thu nói.

Không chỉ trò, cô giáo bám điểm trường hơn 5 năm cũng không giấu được niềm hạnh phúc của mình. "Mình vui khi các em được ăn ngon, ăn nhiều. Hy vọng trong tương lai vẫn sẽ có những bữa ăn như thế này cho các con, chỉ mong sau hè đừng em nào bỏ học". 

Hiện tại, các giáo viên về điểm trường chính để sinh hoạt chung. Dự kiến, đầu tháng 9, lớp học Tắk Pổ sẽ tựu trường.

Bữa cơm có thịt trong lễ bế giảng của cô trò trên lớp học nơi đỉnh trời khiến nhiều người rưng rưng - Ảnh 2.

Bữa ăn có thịt gồm mì gạo và thịt gà. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Trà Thị Thu và lớp học trên đỉnh trời là một trong 18 đề cử của Giải thưởng WeChoice Awards 2019. 

Lần đầu lên Tắk Pổ để dạy học, cô Thu chỉ mới 21 tuổi. Bốn bề là rừng núi hoang vu, nhiều lúc sợ hãi nhưng Thu tự động viên: Đã hứa với chị là không được khóc, phải ráng giữ lấy lời. Vậy mà vẫn khóc. 

Trời lạnh như cắt, đường đi thì khó khăn, trượt ngã không biết bao nhiêu lần. Lên đến nơi nhìn ngôi trường cô còn không nhận ra đó là trường. "Nhiều người còn nói trường gì mà thua cái chuồng bò ở dưới xuôi. Mái lợp tạm bằng lá, vách thì đan bằng tre nứa, mọi thứ rất tạm bợ" - cô Thu nhớ lại.

Nhưng rồi những ngày đầu bỡ ngỡ cũng qua dần, cô tập quen với nếp sống của người Ca Dong trên đỉnh núi. Cô vào làng nhiều hơn, trò chuyện với người dân nhiều hơn và thân thiết với học trò. Bất đồng về ngôn ngữ hay văn hoá dần được phai nhoà.

Bữa cơm có thịt trong lễ bế giảng của cô trò trên lớp học nơi đỉnh trời khiến nhiều người rưng rưng - Ảnh 3.

Cô Thu là một trong 18 đề cử của Giải thưởng WeChoice Awards 2019.

Cô Thu tâm sự: "Trải qua một thời gian em ngẫm nghĩ: Vì sao người dân ở đây sống trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn vui cười và hạnh phúc? Đơn giản là vì họ bằng lòng với cuộc sống của mình, và biết tận hưởng niềm vui từ những điều nhỏ nhất".

Công tác ở vùng cao chuyện thiếu thốn là hiển nhiên, nhưng bù lại có một thứ luôn đầy ắp đó là tình cảm giữa người với người luôn ấm nồng qua từng ngày. Người ở Tắk Pổ quý cô giáo như người thân trong nhà, họ khẳng định chắc nịch: Cô giáo cứ yên tâm giảng dạy, nhỡ có ốm đau gì thì người làng sẽ gánh võng đưa cô xuống xuôi chữa trị.

Sau giờ dạy học, cô Thu dành nhiều thời gian vui đùa cùng học trò. Lúc thì cùng nhau chơi nhảy dây, khi thì vào làng trò chuyện với người dân, đặc biệt cô trò luôn cùng nhau vào rừng hái rau để nấu cơm.

Lớp học trên đỉnh trời với bao nỗ lực của cô giáo trẻ vẫn luôn đầy ắp tiếng cười và tình người. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày