BS Trương Hữu Khanh: Chích vắc xin COVID-19, đừng nên "kén cá chọn canh"

Vân Sơn, Theo Tiền phong 15:06 24/07/2021

"Ở thời điểm này, có loại vắc xin nào cũng nên chích ngay, đừng nên kén cá chọn canh sẽ làm mất đi cơ hội của chính mình. Các loại vắc xin COVID-19 đều có hiệu quả phòng bệnh gần như tương đương, chỉ có giải pháp đạt miễn dịch cộng đồng sớm mới chiến thắng được dịch".

Nên chích ngay khi có vắc xin

Đó là chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM khi trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong (sáng 24/7). Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 với số lượng 930.000 liều gồm 3 loại là AstraZeneca, Pfizer, Moderna đang diễn ra trên địa bàn TP.HCM. BS Hữu Khanh nhận định, thực tế vẫn có tâm lý kén chọn và so sánh chất lượng giữa loại vắc xin này với vắc xin khác, hoặc có sự lo lắng về những phản ứng sau tiêm nên dẫn tới trì hoãn, né tránh việc chủng ngừa.

BS Trương Hữu Khanh: Chích vắc xin COVID-19, đừng nên kén cá chọn canh - Ảnh 1.

Chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lần thứ 5 đang diễn ra trên địa bàn TP.HCM

COVID-19 với biến chủng Delta đang quay lại với tốc độ lây lan rất nhanh khiến chúng ta trở tay không kịp. Các nước châu Âu chưa kịp bao phủ vắc xin, dịch đã bùng trở lại, các nước châu Á chưa kịp chích ngừa đều đã bị bùng phát dịch, sự chậm trễ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Muốn chiến thắng được đại dịch đòi hỏi ý thức và sự hợp tác của tất cả mọi người, không thể trông chờ vào chính quyền hoặc ngành y tế. Vắc xin thời điểm này là chìa khóa để cộng đồng sớm vượt qua đại dịch, tránh nguy cơ sụp đổ cả nền kinh tế.

Hiện nay có rất nhiều nguồn vắc xin, Việt Nam đang sử dụng nhiều nhất là AstraZeneca của Anh, bên cạnh đó còn có vắc xin của Mỹ, tất cả đều sử dụng công nghệ mới và đã được chích ở Mỹ. Sắp tới chúng ta sẽ có những nguồn vắc xin mới từ nhiều quốc gia khác và một nguồn khá lớn sản xuất ngay trong nước hứa hẹn chất lượng khá tốt là Nanocovax. Mục tiêu cần chích ngừa cho khoảng 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng.

BS Trương Hữu Khanh: Chích vắc xin COVID-19, đừng nên kén cá chọn canh - Ảnh 2.

Người dân đến khám sàng lọc chích ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Phân tích về tính hiệu quả của vắc xin COVID-19, BS Trương Hữu Khanh chỉ ra: "Vắc xin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nồng độ virus trong họng của những người đã chích ngừa từ đó giảm nguy cơ lây bệnh. Đặc biệt vắc xin sẽ giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, kéo theo đó là giảm tử vong. Trên thực tế, từng loại vắc xin có khả năng giảm mắc theo tỷ lệ khác nhau, nhưng tất cả các loại vắc xin đều bằng nhau trong việc giảm mắc bệnh nặng và giảm tử vong. Vì vậy, cộng đồng không nên kén cá chọn canh, có loại vắc xin nào cũng nên chích ngay".

Một số sai lầm thường gặp về vắc xin COVID-19

Hiện nay đang có một số cách hiểu sai quanh vấn đề chích ngừa vắc xin COVID-19. Nhiều người cho rằng, người có thể tạng và đề kháng yếu chích vắc xin có thể nặng thêm; chích vắc xin là đưa virus vào người; sau khi chích vắc xin vẫn bị nhiễm bệnh như người chưa chích; vắc xin không thể ngăn được các biến chủng.

BS Trương Hữu Khanh: Chích vắc xin COVID-19, đừng nên kén cá chọn canh - Ảnh 3.

Vắc xin đang trở thành chìa khóa để mở được cánh cửa thoát khỏi đại dịch cho cộng đồng

Trước vấn đề trên, BS Hữu Khanh cho biết, suy nghĩ của một số người cho rằng nhóm có đề kháng yếu, chích vắc xin COVID-19 sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, điều này là hoàn toàn sai. Chính những người có đề kháng yếu mới là đối tượng phải được chích trước tiên để tránh bị nhiễm bệnh và diễn tiến nặng dẫn tới tử vong. Do đó, người càng có nhiều bệnh nền, có thể tạng suy yếu càng phải được chích sớm.

Vắc xin COVID-19 chỉ sử dụng một đoạn protein chứ không sử dụng "con virus sống". Cấu trúc protein đó tạo được miễn dịch, khi chích vào cơ thể con người sẽ tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh nhưng bản thân nó không gây bệnh cho con người. Do đó cách suy diễn chích vắc xin COVID-19 là đưa virus vào người là hoàn toàn sai.

Về vấn đề đã chích vắc xin vẫn nhiễm bệnh và vắc xin không ngăn được các biến chủng, BS Hữu Khanh cho rằng, cần phải xem xét và đánh giá đúng bản chất. Người chích vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh và bị bệnh nhẹ hoặc lây cho người khác nhưng phải so sánh với người chưa được tiêm vì nhóm chưa tiêm khi mắc, bệnh thường nặng hơn và lây nhiều người hơn.

BS Trương Hữu Khanh: Chích vắc xin COVID-19, đừng nên kén cá chọn canh - Ảnh 4.

Số ca bệnh ngoài cộng đồng vẫn tăng cao bất chấp nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị

Khuynh hướng của virus là xuất hiện của nhiều biến chủng, tuy nhiên cấu trúc chính của virus lại không thay đổi. Do đó, khi điều chế vắc xin, các nhà khoa học đều dựa trên cấu trúc chính của virus. Trên thực tế, đa số vắc xin vẫn bảo vệ được người đã chích ngừa dù có nhiễm chủng mới. Trong trường hợp bệnh nhân vẫn có thể nhiễm bệnh lại thì tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn. Nếu đa số người dân được tiêm thì sẽ đạt miễn dịch cộng đồng, virus sẽ bị triệt tiêu đi hoặc trở thành một căn bệnh thông thường.

BS Hữu Khanh chia sẻ thêm, khi đi chích ngừa, cộng đồng lo lắng nhất là bị sốc phản vệ. Tuy nhiên trên thực tế nguy cơ này rất hiếm xảy ra, hàng triệu người chích mới có một trường hợp hy hữu và nếu phát hiện sớm chỉ cần sử dụng thuốc Adrenalin để chống sốc phản vệ thì cơ thể sẽ trở lại bình thường. Bên cạnh đó phản ứng đông máu có thể gặp phải sau chích vắc xin COVID-19 hiện nay cũng đã có hướng dẫn chuyên môn chi tiết để xử lý, người dân an tâm sẽ được bảo vệ tốt khi đi chích ngừa.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày