Bỗng một ngày con cái không còn muốn lớn nữa, cha mẹ bàng hoàng nhận ra mình đã vô tình khiến con tụt lùi vì lý do tưởng tốt đẹp: "Muốn tốt cho con"

Thiên An, Theo Thanh niên Việt 15:30 21/05/2025
Chia sẻ

Liệu có phải là lỗi của con khi một ngày đẹp trời, con bỗng "buông xuôi", yếu đuối và phụ thuộc?

Có một hiện tượng ngày càng dễ gặp ở lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3: Sau khi trải qua thất bại hay cú sốc tâm lý, nhiều em bắt đầu có xu hướng "buông xuôi" và lùi lại - hành vi như thể quay về thời còn nhỏ, yếu đuối và phụ thuộc.

Các dấu hiệu của hiện trạng này rất dễ nhận ra. Có em trở nên cực kỳ nhạy cảm, dễ khóc lóc, nổi nóng vô cớ; có em không dám tự quyết điều gì, việc gì cũng cần bố mẹ nhúng tay vào; có em không rời cha mẹ được dù chỉ nửa ngày, liên tục gọi điện, nằng nặc đòi về nhà; cũng có em có những hành vi đòi hỏi, ăn vạ và cư xử như một đứa trẻ nhỏ, dù các em đã qua tuổi đó từ lâu.

Hiện tượng này, trong tâm lý học được gọi là "thoái lui", tức là khi con người đối diện với căng thẳng, lo âu hoặc cú sốc, họ có xu hướng bỏ lại những kỹ năng ứng phó trưởng thành đã học được để quay về với cách hành xử ấu trĩ, non nớt hơn như một cách phòng vệ bản năng.

Với học sinh tuổi mới lớn, "thoái lui" thường là phản ứng sau khi gặp tổn thương tâm lý, bị khủng hoảng tinh thần mà không biết cách xử lý. Nhưng lý do sâu xa lại đến từ chính thói quen bao bọc quá mức của cha mẹ, khiến con không có đủ khả năng tự đối diện với thử thách.

Bỗng một ngày con cái không còn muốn lớn nữa, cha mẹ bàng hoàng nhận ra mình đã vô tình khiến con tụt lùi vì lý do tưởng tốt đẹp: "Muốn tốt cho con"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vì sao trẻ lại "lùi về" như thế?

Về bản chất, hành vi thoái lui giúp trẻ thoát khỏi trách nhiệm. Không cần độc lập, không cần ra quyết định, không cần chịu trách nhiệm, chỉ cần nũng nịu hay "ăn vạ" là sẽ có cha mẹ xuất hiện và xử lý mọi chuyện. Hơn nữa, cách hành xử như một đứa bé còn giúp trẻ thu hút được sự quan tâm, chú ý - điều mà các bạn rất dễ mất đi khi không còn là học sinh giỏi, không còn ngoan ngoãn như xưa.

Phân tích kỹ hơn, động cơ của sự thoái lui thường đến từ những thất bại trong mối quan hệ, bị bạn bè bỏ rơi, bị cô lập khiến trẻ thấy mình "vô hình" và bất lực hoặc là sự tụt dốc học tập, từ học sinh giỏi trở thành học sinh trung bình khiến nhiều em không chấp nhận nổi sự thay đổi này. Cũng có đôi khi, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xuất phát từ việc các em đã nỗ lực nhưng không thấy tiến bộ, gặp thất bại liên tục khiến lòng tin vào bản thân của các em bị phá huỷ.

Thoạt nhìn, cha mẹ có thể nghĩ những điều này không liên quan đến mình. Nhưng thực ra, nguồn gốc sâu xa của nó nằm ở môi trường giáo dục gia đình ngay từ đầu. Có không ít những ông bố bà mẹ chọn làm thay con mọi việc hoặc sắp sẵn đường đi nước bước, không để con thiệt thòi một chút nào. Họ không biết rằng chính mình đang vô tình tạo ra một thế hệ trẻ dễ tổn thương, thiếu sức đề kháng tâm lý và sẵn sàng thoái lui ngay khi đời không còn thuận buồm xuôi gió.

Bỗng một ngày con cái không còn muốn lớn nữa, cha mẹ bàng hoàng nhận ra mình đã vô tình khiến con tụt lùi vì lý do tưởng tốt đẹp: "Muốn tốt cho con"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cha mẹ nên làm gì để con vượt qua tình trạng "thoái lui"?

1. Đừng phục vụ con quá mức, biến con thành "em bé VIP"

Hãy để con tự làm những gì trong khả năng của mình từ việc học, sinh hoạt cá nhân đến giao tiếp xã hội. Cha mẹ không nên "dọn đường sẵn" hay xử lý mọi chuyện giúp con, cũng đừng chiều chuộng quá mức như với một em bé 3 tuổi. Việc nuôi con trong môi trường quá tiện nghi, quá ít thử thách sẽ chỉ khiến trẻ mất khả năng chịu đựng và trở nên yếu đuối khi va vấp.

2. Đặt kỳ vọng đúng mức

Cha mẹ nên duy trì niềm tin tích cực vào con, thay vì ép con đạt thành tích quá cao hay thất vọng khi con không đạt kỳ vọng. Hãy thể hiện rằng bạn tin con có thể vượt qua, nhưng cũng sẵn sàng đồng hành trong những lúc con thất bại. Điều này khác với việc "làm thay" vì cha mẹ cần đứng cạnh, không phải đứng hộ.

3. Học cách chấp nhận thực tế và kiên nhẫn với quá trình trưởng thành của con

Nếu con đang rơi vào khủng hoảng, cha mẹ không cần sốt ruột kéo con ra ngay. Hãy chấp nhận con có thể mất phương hướng một thời gian, cần có cơ hội thử sai, gục ngã và tự đứng dậy. Đây mới là trải nghiệm trưởng thành thật sự. Thay vì thúc ép học lại ngay, hãy để con bắt đầu từ những việc nhỏ như làm việc nhà, chăm sóc bản thân, từ đó xây lại nhịp sống có trách nhiệm và tự chủ hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày