Tê tay là một tình trạng phổ biến mà ai trong chúng ta cũng gặp một vài lần trong đời. Cảm giác tê tay thường xuất hiện ở vùng đầu ngón tay, bàn tay hay cánh tay... dẫn đến mất cảm giác hoặc cảm giác giảm sút, gây khó chịu.
Thông thường, tình trạng này có thể xuất hiện do bạn nằm ngủ tì đè vào tay quá nhiều hoặc do chấn thương. Khi đó, tình trạng tê tay sẽ thuyên giảm hoặc biến mất sau khi chúng ta nghỉ ngơi, vận động tay nhẹ nhàng.
Tuy nhiên nếu tình trạng tê tay xuất hiện lặp đi lặp lại, không rõ nguyên nhân và không giảm sau nhiều ngày thì bạn nên thận trọng. Đó có thể là dấu hiệu của một số tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.
1. Gặp vấn đề bất thường ở hệ thống mạch máu
Theo bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi (chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức): Tê tay là một biểu hiện của rất nhiều những bệnh khác nhau. Một trong số những nguyên nhân thường gặp là xuất hiện bất thường ở hệ thống mạch máu. Thiếu máu nuôi ở tay
do bất kỳ nguyên nhân gì ví dụ như có các huyết khối, hoặc là do khối u gây cản trở dòng máu đến nuôi thì lâu dần cũng sẽ gây ra hiện tượng tê tay.
2. Gặp vấn đề ở hệ thống thần kinh
Nguyên nhân ở hệ thống thần kinh gây tê tay cũng rất phổ biến. BS Nhật Thi chia sẻ, tất cả các ảnh hưởng trên đường dẫn truyền thần kinh cảm giác từ tủy sống hay cột sống cổ đến cánh tay, cẳng tay rồi đến bàn tay đều gây ra các dị cảm như tê mỏi ở vùng tay.
3. Do mắc bệnh tiểu đường
Khi mắc phải bệnh tiểu đường, nó sẽ gây ra một loạt biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là tác động mạnh đến hệ thần kinh. Lúc này nếu khu thần kinh ngoại biên bị ảnh hưởng do bệnh, chứng tê tay sẽ dần xuất hiện và có cảm giác khác thường ở các chi.
Có thể nói rằng, tê tay chính là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường. Hãy cố gắng điều trị nghiêm túc và kiểm soát lượng đường trong máu, chú ý bổ sung thêm vitamin cho cơ thể để tăng đề kháng, chống lại bệnh tật.
4. Do bị thoái hóa đốt sống cổ
Dấu hiệu ban đầu của bệnh thoái hóa đốt sống cổ có rất nhiều, nhưng trong số đó có chứng tê tay liên tục. Bệnh không chỉ ở người cao tuổi mà còn xuất hiện ở người trẻ làm văn phòng, ít vận động hoặc người làm những công việc phải dùng nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ. Tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới là như nhau.
Nếu bạn thấy mình luôn bị tê tay dài ngày thì tốt nhất nên đi khám sớm, đó là cách tốt nhất giúp bạn phòng trước bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên vận động thường xuyên và ngủ đúng tư thế, gối nên ở độ cao từ 7-9cm để tránh tạo áp lực lên mạch máu và mô thần kinh cục bộ tại cổ khi đang ngủ.
5. Chèn ép thần kinh giữa ở cổ tay (Hội chứng ống cổ tay )
Chèn ép thần kinh giữa ở cổ tay cũng có thể gây tê và ngứa ran ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Các ngón tay khác và thậm chí cả bàn tay đôi khi có thể gây ra cảm thấy tê liệt. Các triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây tê tay bao gồm thiếu hụt dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin B1, B6 hoặc B12, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, rối loạn não và tủy sống...
Theo bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi, điều quan trọng khi cảm thấy tê tay là cần phải đi kiểm tra, đo đạc các tín hiệu thần kinh, kiểm tra hệ thống mạch... để sớm tìm nguyên nhân chính xác gây tê tay là gì và có phương án can thiệp.