Không quá ồn ào tấp nập, đậm chất cổ kính và mang màu hoài niệm, phố phường xưa của Việt Nam luôn là cảm hứng bất diệt cho các nhà làm phim. Dù việc phục dựng lại bối cảnh của thế kỷ trước không hề đơn giản nhưng vẫn có rất nhiều nhà làm phim quyết định mạo hiểm để mang đến cho khán giả những thước phim sinh động, ấn tượng nhất.
Là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là một trong số những dự án điện ảnh được trông đợi nhất của Việt Nam trong năm nay, Mắt Biếc chỉ vừa nhá hàng những hình ảnh đầu tiên đã lập tức khiến dân tình sôi sục. Bởi mọi thứ đúng như những gì mà người ta đã từng "thấy" trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh. Một ngôi trường nữ sinh thân thuộc, khu chợ Đo Đo có chút cổ kính, đường Bạch Đằng, Kim Long, phố đêm đèn màu sành điệu và Tây hóa,… tất cả đều thực sự ở đây, hữu hình và đầy sống động chứ không chỉ còn trên trang sách và trong trí tưởng tượng của độc giả nữa.
Góc phố cũ đã quá quen với độc giả của Mắt Biếc
Chợ Đo Đo tấp nập người qua lại
Vũ trường cùng sự góp mặt của lối sống Tây hóa
Phố về đêm lấp lánh ánh đèn màu
Là bộ phim được đánh giá rất cao về mặt hình ảnh, Tháng Năm Rực Rỡ - dấu ấn vàng trong trong sự nghiệp của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã mang đến cho khán giả một Đà Lạt mộng mơ và đầy hoài niệm. Vốn vẫn biết Đà Lạt rất đẹp nhưng chẳng ai ngờ Đà Lạt của ngày trước giải phóng lại mơ hồ, huyền hảo như vậy. Bom đạn của mấy mươi năm chiến tranh dường như không thể lấy mất đi vẻ thanh bình của vùng đất mộng mơ này. Con dốc Nhà Bò, khu ga cũ Trại Mát, khu nhà hát Hòa Bình, trường trung học Cam Ly,... những địa điểm check in nổi tiếng của giới trẻ ngày nay bỗng trở nên huyền ảo đến lạ thông qua lăng kính của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Con dốc Nhà Bò quen thuộc trở nên bình yên đến lạ
Trường Cam Ly tinh khôi đến lạ trong những thước phim của Nguyễn Quang Dũng
Quán cafe quen thuộc của giới trẻ K” Cafe Audiophile bỗng trở nên đậm chất cổ điển
Phim trường Secret Garden hợp với bối cảnh Đà Lạt xưa đến lạ
Nhà hát Hòa Bình được biến tấu để trở nên phù hợp hơn với không khí trước ngày giải phóng
Phân đoạn biểu tình được đánh giá rất cao trong phim
Khu ga cũ Trại Mát cổ kính và mộc mạc
Là bộ phim xuyên không hiếm hoi của màn ảnh Việt, dù những thước phim về Sài Gòn những năm 60 trong Cô Ba Sài Gòn không nhiều nhưng cũng đủ để khán giả cảm thấy xốn xang và hoài niệm. Những góc phố quen đã không còn ồn ào và tấp nập, những quán cafe pha trộn giữa văn hóa Á - Âu, tiệm may xưa mang đậm nét cổ kính,... tất cả vừa đủ để mang đến một không khí rất xưa của phố phường Sài Gòn những năm hưng thịnh.
Phố phường Sài Gòn xưa của Ngô Thanh Vân bỗng yên bình đến lạ
Những quán cafe của giới thượng lưu
Tiệm may xưa nơi tái hiện đầy đủ cuộc sống của dân Sài Thành thời hưng thịnh
Là bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời có thật của đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa, Mộng Phù Hoa từng được ví như Cô Ba Sài Gòn phiên bản truyền hình. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với tác phẩm của Ngô Thanh Vân, gần như toàn bộ thời lượng của Mộng Phù Hoa đều xoay quanh một Sài Gòn rất cổ kính của những năm Tây hóa. Khán giả được dịp cùng cô Ba Trang (Kim Tuyến) dong duổi khắp các miền từ Sài Gòn hoa lệ đến Nam kỳ lục tỉnh.
Khu chợ nghèo của những năm 30 - 50 được tái dựng lại
Con phố cũ với sự xuất hiện của văn hóa châu Âu
Quán nước bên đường vẫn giữ nét bụi bặm
Những cảnh nội cùng cách bài trí nội thất đúng chuẩn Sài Gòn thời ấy
Những chiếc xích lô là phương tiện giao thông chính của giới thượng lưu Sài Gòn những năm 50
Con phố nhỏ - nơi người ta có thể thấy rõ sự phân biệt giàu nghèo
Không chỉ có Sài Gòn mà Hà Nội xưa cũng từng được nhiều nhà làm phim lựa chọn để khai thác. Và nếu đã từng một lần xem bộ phim Trò Đời chắc hẳn bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi một Hà Nội quá đỗi sinh động nhưng vẫn đầy cổ kính của những năm đầu thế kỉ XX.
Cuộc sống thượng lưu của người Hà Nội những năm đầu thế kỉ XX
Mọi thứ phảng phất nét cổ kính, mộc mạc
Một góc phố không quá đông đúc
Hi vọng trong thời gian tới Việt Nam xinh đẹp và đầy cổ kính xưa sẽ tiếp tục được các nhà làm phim khai thác triệt để trong những tác phẩm của họ.