Ngày 17/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng hai công ty là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis, yêu cầu thu hồi khẩn cấp và đình chỉ lưu hành đối với hai sản phẩm kem chống nắng bị xác định là hàng giả.
Hai sản phẩm bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc bao gồm: Kem chống nắng Vitamin C, do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam chịu trách nhiệm phân phối. Sản phẩm này được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm 242/24/CBMP-PT vào ngày 05/9/2024, và có địa chỉ công ty tại Lô 18-20 Khu Đồi Măng, phường Thanh Miếu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Sản phẩm thứ hai là Kem chống nắng Sun Cream, do Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis chịu trách nhiệm phân phối, được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm 39/22/CBMP-PT vào ngày 09/9/2022, với địa chỉ công ty tại Số 64, phường Quang Trung, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Theo Cục Quản lý Dược, cả hai sản phẩm trên đều có chỉ số SPF (chống nắng) dưới 70% so với mức công bố trên bao bì. Kết quả giám định được thực hiện bởi Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an, và kết luận sản phẩm là "hàng giả" theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cục Quản lý Dược đã đưa ra loạt yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo việc thu hồi sản phẩm vi phạm được triển khai hiệu quả và đồng bộ trên toàn quốc.
Trước hết, các Sở Y tế địa phương được yêu cầu nhanh chóng thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn về hai sản phẩm kem chống nắng bị đình chỉ lưu hành. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mỹ phẩm, tuyên truyền để người dân không mua, bán hay sử dụng các sản phẩm đã bị xác định là hàng giả.
Cục cũng đề nghị các Sở tiến hành thu hồi triệt để hai sản phẩm vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các trung tâm kiểm nghiệm cần đẩy mạnh công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm lưu hành, đồng thời thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc nhằm phối hợp xử lý kịp thời.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, Cục yêu cầu Công ty TNHH SX và TM Athena Việt Nam cùng Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis khẩn trương gửi thông báo thu hồi đến toàn bộ hệ thống phân phối và người sử dụng sản phẩm. Các đơn vị này cũng cần tiếp nhận sản phẩm bị trả lại từ các cơ sở kinh doanh và lập báo cáo chi tiết quá trình thu hồi, gửi về Cục Quản lý Dược trước ngày 07/8/2025.
Riêng Sở Y tế tỉnh Phú Thọ – nơi hai công ty nêu trên đặt trụ sở – được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để giám sát chặt chẽ quá trình thu hồi sản phẩm. Kết quả kiểm tra, giám sát cũng cần được tổng hợp và gửi về Cục trước ngày 22/8/2025.