Bộ Y tế khẳng định xử lý nghiêm vụ bác sĩ làm giả hồ sơ tâm thần cho tội phạm. Ảnh minh hoạ
Tại hội nghị sơ kết công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần 6 tháng đầu năm vừa diễn ra ở Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết những ngày qua, cơ quan công an thông tin về việc có những đối tượng phạm tội dùng mọi thủ đoạn như mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để vào các trung tâm, cơ sở y tế để khám, chữa bệnh nhằm có hồ sơ bệnh án tâm thần để đối phó với cơ quan pháp luật. Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hằng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.
Bộ Y tế cật lực lên án và sẽ xử lý nghiêm minh với những trường hợp lợi dụng chuyên môn nghiệp vụ để trục lợi, làm sai lệch kết quả giám định, tiếp tay cho các đối tượng giả bệnh, mua bán bệnh án tâm thần nhằm đối phó với các cơ quan pháp luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trước đó, Công an TP Hà Nội đã thông tin về việc điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo đó, có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ. Việc làm giả hồ sơ bệnh án không phải là vấn đề mới phát sinh, chỉ vì muốn trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nhờ đến các cá nhân hỗ trợ làm hồ sơ bệnh giả.
Liên quan đến vụ việc này, Công an TP Hà Nội cho biết sẽ báo cáo Bộ Công an để đề xuất, kiến nghị với Trung ương chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, xem xét quy trình cung cấp bệnh án tâm thần. Công an TP Hà Nội cũng đề nghị người dân phát hiện, chủ động phản ánh, cung cấp thông tin cho cơ quan công an về các trường hợp nghi ngờ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật có bệnh án tâm thần giả để trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 382 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.