Lật tẩy chiêu giả mạo tài khoản người nổi tiếng để lừa đảo

Nguyễn Hương, Theo Công an nhân dân 18:30 27/03/2018

Giả mạo tài khoản mạng xã hội của người khác, đặc biệt là người nổi tiếng rồi đề nghị chuyển tiền vào tài khoản, tung tin không đúng sự thật lên mạng xã hội gây hậu quả khôn lường… đó là những câu chuyện đang xảy ra khi ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội.

Nhẹ dạ, mất tiền

Mấy ngày gần đây, trên facebook chính thức của mình, một nữ BTV nổi tiếng đã phải khẩn thiết thông báo đến toàn thể bạn bè vì tài khoản mạng xã hội Zalo của mình bị giả mạo. Kẻ giả mạo đã sử dụng ảnh đại diện, tên thật của BTV này để nhắn cho bạn bè của BTV chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau. Do tin tưởng, có người đã chuyển số tiền mấy chục triệu đồng.

Một số người cảnh giác đã điện thoại và gửi cho BTV những tin nhắn đề nghị chuyển tiền để xác minh. Không để thêm bạn bè mình bị lừa chuyển tiền, ngay sau khi nhận được thông tin, trên tài khoản facebook chính thức của mình, BTV này đã thông báo đến bạn bè và không quên nhắn nhủ đến mọi người: “Khi có người nhắn nhờ chuyển khoản thì mọi người nhớ gọi điện lại nhé, mạng xã hội giờ rất dễ để lấy tên và ảnh khiến cho người dùng không để ý”.

Lật tẩy chiêu giả mạo tài khoản người nổi tiếng để lừa đảo - Ảnh 1.

Trước đó, không ít người nổi tiếng đã phải lên tiếng vì việc họ bị giả mạo tài khoản facebook để đăng tải thông tin. Có thể nhắc đến như fanpage giả mạo nhà báo Lại Văn Sâm từng được cộng đồng mạng liên tục “like” (yêu thích) và “share” (chia sẻ) những bài viết được đăng tải. Dù chỉ mới được thành lập nhưng fanpage này đã thu hút hàng nghìn người theo dõi. Các bài viết trên trang này cũng thu hút rất nhiều lượt yêu thích và chia sẻ. Tuy nhiên, đây lại không phải là tài khoản thực sự của nhà báo Lại Văn Sâm, vì ông đã nhiều lần khẳng định không hề có một tài khoản nào trên mạng xã hội.

Cùng với việc giả mạo tài khoản mạng xã hội, hiện nay, việc lạm dụng mạng xã hội để đưa thông tin không được kiểm chứng, thông tin không chính xác đã gây ra những hậu quả khôn lường. Điển hình như vụ việc anh Nguyễn Văn T., 44 tuổi, trú tại huyện Duy Tiên, Hà Nam bị nghi ngờ bắt cóc cháu Trần Thị M., 14 tuổi, trú tại huyện Lý Nhân, Hà Nam vào ngày 20-2.

Trước đó, anh T. đến cửa hàng nhà cháu M. mua bóng bay hình con thú nhưng cửa hàng đã hết. Cháu M. biết chỗ mua bóng bay hình con thú nên anh T đã chở cháu M. bằng xe máy nhờ cháu chỉ đường. Tuy nhiên, khi cháu M. chưa về nhà, người nhà đã xem qua camera thì thấy cháu M. đi cùng 1 người đàn ông lạ mặt (tức anh T.).

Nghi ngờ cháu bị bắt cóc, người nhà đã đăng thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội và báo cáo chính quyền địa phương. Sau khi anh T. đưa cháu M. về thì đã bị nhiều người xông vào đánh trọng thương.

Có thể bị xử lý hình sự

Việc lập tài khoản mạng xã hội giả mạo người khác là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật này.

Cụ thể, pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

Theo Điều 77, Luật Công nghệ thông tin: “1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; 2. Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Tùy tính chất, mức độ, động cơ, hậu quả của hành vi vi phạm từ việc giả mạo tài khoản mạng xã hội của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thận trọng khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội

Người sử dụng mạng xã hội nói chung cần phải có sự nhận thức đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin cá nhân, ảnh, video… của mình hoặc của người khác một cách thận trọng và có trách nhiệm.

Vì khi đăng tải bất kỳ thông tin, hình ảnh gì trên mạng xã hội thì người khác cũng có thể xem, biết được và đăng càng nhiều thông tin, ảnh, video… lên mạng xã hội thì càng nhiều thông tin nhạy cảm về người sử dụng bị tiết lộ, và những thông tin này không ít thì nhiều có thể sẽ góp phần khiến cho người sử dụng và người thân, quen của họ gặp nguy hiểm hoặc ít nhất là gây khó chịu.

Những kẻ xấu có thể lợi dụng những thông tin này để thực hiện các hành vi của mình như dụ dỗ, bắt cóc trẻ em hoặc dùng những thông tin cá nhân về chủ tài khoản để thực hiện hành vi lừa đảo hoặc sử dụng cho những mục đích xấu khác.

Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi đăng tải thông tin trên mạng xã hội như: Hạn chế việc đăng ảnh chụp con cái ở trạng thái công khai, không đăng thông tin về địa chỉ, số tài khoản ngân hàng hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào khác… (Luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty luật trung nguyễn, Hà Nội)

Nguyễn Hương