Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2020 ngày 8/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2020, đất nước và ngành giáo dục chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đất nước khó khăn, Bộ GD&ĐT cân nhắc rất kỹ, xin ý kiến các bộ ngành, Ủy ban Văn hoá, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để đưa ra phương án thi THPT phù hợp với lộ trình đổi mới và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Không có phương án hoàn hảo nhưng thi tốt nghiệp THPT là phương án trong tầm lựa chọn, vì vậy rất cần có sự chia sẻ. Và khi đã chốt phương án thì cố gắng làm tốt và đảm bảo tính nhất quán.
"Tôi đánh giá cao các trường đại học đã chia sẻ nhưng phải thống nhất, thông tin phải chắc chắn, đầy đủ; cần nghiên cứu kỹ mới thông tin đến xã hội, tránh trường hợp vội vàng, sau đó rút lại phương án khiến học sinh hoang mang", Bộ trưởng nói.
Trong lúc này khối đại học không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chính trị xã hội, trách nhiệm với phụ huynh học sinh, cùng đất nước vượt qua khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.
Không vội thi riêng, tránh xáo trộn, hoang mang
Về phương án tuyển sinh, trước khi hội nghị diễn ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh dưới sự tham khảo ý kiến các trường. Về cơ bản giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh, tạo sự yên tâm cho học sinh. Nội dung mới chủ yếu bổ sung quy định về tổ chức thi, kiểm tra riêng của các trường để tuyển sinh.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây là nội dung khi đang là dự thảo gây nhiều tranh cãi do các quy định của dự thảo được cho là quá ngặt nghèo, gây khó cho các trường muốn tuyển sinh riêng, kể cả những trường hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học trong nước.
Tuy nhiên, nhiều người nhận thức về kỳ thi có vẻ đơn giản nhưng thực tế không đơn giản và dễ dàng như vậy. Ngay cả những nước như Mỹ để có được trung tâm khảo thí độc lập cũng phải mất vài chục năm, chúng ta cũng tiến tới có các trung tâm khảo thí độc lập, tuy nhiên, phải có lộ trình dần, phải từng bước.
Còn việc các trường sử dụng phương án xét tuyển từ phỏng vấn hay kiểm tra khảo sát thêm như thi năng khiếu để đánh giá thí sinh là quyền của nhà trường, Bộ rất khuyến khích.
Từ đó, Bộ trưởng lưu ý: "Trong công tác tuyển sinh, tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng không phải muốn làm gì thì làm mà phải theo quy định, đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường. Thi phải có chuẩn, ngân hàng câu hỏi, điều kiện tổ chức công khai minh bạch, giám sát".
Về tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: "Quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất đẹp nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Do đó những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải rất chú ý".
Ngay sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ đối sánh với học bạ, để thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Chúng ta áp dụng rộng rãi học bạ điện tử nên cơ bản có thể yên tâm về mặt kết quả, xã hội sẽ được giám sát.
Để tránh trường hợp các trường đưa ra tổ hợp xét tuyển lạ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mặc dù tự chủ nhưng các trường phải xem xét rất kỹ để đưa ra các tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp gây xôn xao cho xã hội rồi lại rút lại.
Năm nay kỳ thi mục đích chính là tốt nghiệp THPT, nhưng độ phân hóa đề thi vẫn có, các trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển. Bộ GD&ĐT đã ban hành đề thi tham khảo, bước đầu được nhìn nhận đảm bảo các yêu cầu đặt ra, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện đề thi chính thức.