Bỏ phố về quê vẫn áp lực tiền bạc dù chi phí thấp

Tô Diệp, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:01 15/05/2023
Chia sẻ

Nếu không chuẩn bị kỹ trong khía cạnh tài chính cũng như tinh thần, bỏ phố về quê có thể khiến bạn áp lực hơn.

Một số người trẻ vì áp lực tài chính trên thành phố nên đã quyết định về quê sinh sống và làm việc để có thể giảm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, những người đã có trải nghiệm bỏ phố về quê chia sẻ rằng chưa chắc cuộc sống ở quê "dễ thở" hơn trong khía cạnh tài chính.

Bỏ phố về quê xây nhà, tận hưởng cuộc sống yên bình

Như Ngọc (sinh năm 1992) cùng chồng và 2 con (bé lớn 7 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi) hiện đang sống tại Ninh Hoà, Khánh Hoà. Vào tháng 11/2022, gia đình cô đã quyết định chuyển từ TP Hồ Chí Minh về quê để sinh sống sau một thời gian dài học tập và làm việc tại thành phố lớn. "Vốn dĩ, mình rất thích cuộc sống ở quê. Hiện tại, mình chủ yếu kinh doanh hải sản nên về quê thuận lợi cho công việc hơn. Hơn thế nữa, về quê được sống gần gia đình, không khí dễ thở trong lành hơn".

Bên cạnh đó, do có sẵn đất ở quê nên khi quyết định về quê sinh sống Ngọc đã xây nhà trên mảnh đất này. Tuy nhiên, do lúc mới về quê chưa có kế hoạch cụ thể về tài chính nên vẫn phải vay mượn thêm người thân để xây nhà. Nhờ vậy, gia đình cô đã cắt được khoản tiền thuê nhà 12 triệu/ tháng khi còn ở thành phố.

Căn nhà của gia đình Như Ngọc

Cũng giống gia đình Như Ngọc, vợ chồng Ngọc Anh (25 tuổi) đã quyết định chuyển từ Nha Trang về vùng ngoại ô để sinh sống khi biết có em bé thứ 2. "Mình sinh thêm em bé thì gia đình cần chuyển đến căn hộ lớn hơn để đảm bảo không gian sinh hoạt cho cả gia đình. Nếu tiếp tục ở thành phố, mọi thứ sẽ rất đắt đỏ do gia đình có thêm thành viên mới".

Lúc trước, gia đình Ngọc Anh đi thuê nhà khoảng 5-6 triệu/ tháng, đây là khoản chi phí cố định và sẽ không vượt quá để không bị ảnh hưởng chi tiêu gia đình. Tuy nhiên, sau dịch Covid, du lịch phát triển, phí thuê nhà cũng tăng, giá thuê 1 căn nhà cho 4 thành viên sẽ rơi vào khoảng 10-15 triệu/ tháng.

Trước đó, vợ chồng Ngọc Anh đã mua được một mảnh đất nhỏ từ năm 2021. Do vậy, sau khi giãn cách xã hội, cả 2 quyết định xây một căn nhà nhỏ ngay trên chính mảnh đất đó, vừa phù hợp với kinh tế đang có, lại không bị chật vật khi có thêm thành viên, và vẫn có thể lo cho 2 con được tốt nhất.

Căn nhà 100m2 trên tổng diện tích là 150m2 của gia đình Ngọc Anh

Chi phí sinh hoạt ở quê thấp hơn so với thành phố nhưng chưa hẳn đã "dễ thở" hơn

Ngoài việc cắt được khoản tiền thuê nhà, cả Ngọc Anh lẫn Như Ngọc đều đồng tình rằng chi phí sinh hoạt ở quê thấp hơn khá nhiều so với thành phố. Theo Ngọc Anh, chi phí ăn uống ở thành phố từ 10-15 triệu/ tháng, chưa kể phí thuê nhà và học phí cho con thêm khoảng tầm 10 triệu. Còn khi về quê, gia đình muốn ăn món nào cũng sẽ tự phục vụ, vừa tiết kiệm phí ăn uống lại đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, ở quê sẽ hạn chế được những cám dỗ bởi siêu thị, hàng quán, các dịch vụ giải trí,... nên chi tiêu cũng ít hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người về quê sẽ hạn chế được những áp lực về mặt tài chính. Bởi vì nhược điểm về tài chính khi ở quê thì lương sẽ không cao như ở thành phố, môi trường làm việc cũng hạn chế. Đa phần là làm những công việc tay chân, bạn cần làm nhiều công việc, nỗ lực nhiều hơn để có thể dư dả chi tiêu.

"Theo mình, mỗi nhà sẽ có hoàn cảnh khác nhau. Nếu bạn về quê và vẫn có thể duy trì công việc với thu nhập như ở thành phố, điều này sẽ giúp bạn giảm gánh nặng tài chính, dễ dàng trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Còn nếu về quê mà phải bỏ hết công việc, và chỉ theo đuổi 2 chữ bình yên thì đôi khi bạn sẽ thấy chật vật. Quan trọng là ở mỗi người phải biết thế nào là đủ cho bản thân nữa".

Cuộc sống bình yên ở quê

Mặt khác, gia đình Như Ngọc thu nhập khá tốt nhưng gần như không có dư dù đang ở quê. Trước đây, ở TP Hồ Chí Minh tiền học của con là 12 triệu/tháng, về quê con số này chỉ còn khoảng 2 triệu/tháng đã gồm tiền ăn bán trú. Tiền ăn của gia đình sẽ rơi vào khoảng 8-10 triệu/ tháng.

Tuy nhiên, gia đình Như Ngọc có khoản tiền phải trả ngân hàng cố định là 25 triệu/ tháng cho việc mua đất và kinh doanh để đầu tư "tiền đẻ ra tiền" trong tương lai. Ngoài ra, vì gia đình kinh doanh nên tiền điện nước, khoảng 4 triệu/tháng. Sau khi trừ các chi phí, vợ chồng Như Ngọc còn dư khoảng 10 triệu/tháng cho đám cưới, xăng xe, mua sắm, đi chơi và các khoản phát sinh bao gồm việc trả tiền vay mượn người thân xây nhà. "Vì gia đình kinh doanh nên thu nhập hàng tháng không cố định, tháng nào doanh thu tăng thì mình sẽ để dành riêng làm khoản tiết kiệm. Nếu có dư nhiều, mình sẽ mua vàng để dành trả nợ".

Như Ngọc chia sẻ rằng thay vì chú trọng vào tiết kiệm, cô sẽ vạch ra kế hoạch có được thu nhập tốt hơn để nâng cao đời sống của gia đình. "Mình quan niệm, mỗi người đều chỉ có một cuộc đời, phải sống thật vui vẻ, hạnh phúc và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình. Chi tiêu đúng và cần thiết, đừng quá tiết kiệm chi li để rồi sau này sẽ có luyến tiếc". Tuy nhiên, cô vẫn luôn có kế hoạch tương lai cụ thể, không quá tiết kiệm nhưng cũng phải tích lũy cho sau này.

Bỏ phố về quê vẫn áp lực tiền bạc dù chi phí thấp - Ảnh 4.

Như Ngọc

Đối với những người trẻ vừa kết hôn, Như Ngọc cho rằng vợ chồng cần có kế hoạch tài chính rõ ràng, trong chi tiêu hàng tháng cần có tích lũy để mua đất mua nhà, đầu tư thêm một số lĩnh vực để tạo thêm thu nhập. Vì khi ổn định được kinh tế, chi tiêu thoải mái trong cuộc sống thì gia đình mới hạnh phúc.

Mặt khác, Ngọc Anh thổ lộ về suy nghĩ bỏ phố về quê: "Mình không phải là một người quá thành công trong việc bỏ phố về quê để lo cho gia đình tốt hơn. Mình cũng chỉ là một người mẹ nội trợ bình thường và vẫn còn nhiều điều học hỏi để có thể tốt lên từng ngày. Mình biết bỏ phố về quê chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với những người trẻ như mình. Hiện tại vợ chồng mình vẫn đi làm ở thành phố và sống ở quê. Mình muốn nói rằng, hãy làm mọi thứ bạn muốn khi bạn đủ sẵn sàng. Hãy chuẩn bị một sức khỏe, tâm lý thật tốt để có thể ứng biến với những điều khác biệt về môi trường".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày