Hai thanh niên trai tráng nhập vai nạn nhân ấu dâm với biểu cảm lố lăng, khó hiểu
Thời gian gần đây, ấu dâm đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội khi hàng loạt vụ án nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng.
Trong điện ảnh cũng như nhiếp ảnh, ấu dâm được tái hiện với nhiều góc nhìn khác nhau đã mang lại những xúc cảm vừa chân thật vừa ám ảnh đối với người xem. Tuy vậy, đây vẫn là một đề tài nhạy cảm và cần sự khai thác khéo léo, sự đồng cảm sâu sắc và sự chuyển tải một cách có tâm, tầm, và đạo đức.
Ấu dâm lại càng không phải là câu chuyện "câu view" hay đề tài dễ dàng "ăn theo" - như cách mà một ê kíp chụp ảnh đang gây phẫn nộ vài ngày qua với bộ ảnh về chủ đề này - cho dù họ có tuyên bố nhằm mục đích tuyên truyền cảnh tỉnh.
Bộ ảnh ăn theo nạn ấu dâm gây tranh cãi
Lấy bối cảnh trong rừng cao su, ba "người mẫu ảnh" gồm hai thanh niên trai tráng trong bộ đồng phục học sinh và một người đàn ông trung niên đóng vai thủ phạm ấu dâm.
Một bộ ảnh đuợc đầu tư hời hợt với những diễn viên nghiệp dư chỉ làm mỗi một công việc là nằm sõng soài ưỡn ẹo tạo dáng hoặc cố nhăn mặt thể hiện sự khó chịu khi bị "đụng chạm" bên... gốc cây cao su, đã biến một vấn nạn nhức nhối trở thành những tạo hình lố lăng, phản cảm.
Nhiều người cho rằng kiểu tạo dáng này chỉ phù hợp cho những bộ ảnh cưới.
Không ai thấy nỗi sợ hãi, ám ảnh hay chống cự của hai nạn nhân ấu dâm mà chỉ thấy gương mặt nạn nhân có vẻ rất... hưởng ứng hành động của thủ phạm. Thậm chí có những bức ảnh mà cư dân mạng không thể phân biệt được đây là ảnh lột tả vấn nạn hay... ảnh cưới, vì nạn nhân và thủ phạm "đầu ấp tay gối" với dáng vẻ rất bình an hạnh phúc cùng sắc môi đỏ cam được photoshop kỹ lưỡng lên từng nhân vật.
Là một chủ đề về mặt tối của xã hội, nhưng hiệu ứng mà bộ ảnh mang lại thì hoàn toàn khác: Chỉ để gây cười!
"Bây giờ ai cũng chụp vài kiểu ảnh cho vui rồi hô hào thông điệp thì thật nguy hiểm. Một vấn nạn đau lòng lại trở thành trò cười cho cộng đồng mạng, không biết các nạn nhân ấu dâm sẽ nghĩ gì khi xem những bức ảnh này, những bức ảnh miêu tả quá trình bị xâm hại theo cách thỏa mãn đến phản cảm", một người xem bình luận.
Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: Cần cân nhắc kỹ cách thể hiện những bộ ảnh mang chủ đề xã hội
Từng khai thác chủ đề về cuộc sống của người đồng tính nam qua bộ ảnh "Những kẻ mộng mơ", thế nhưng nhiếp ảnh gia Tâm Bùi nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dù đây cũng là một đề tài nhạy cảm. Anh đã chọn 1 lát cắt thật mỏng trong hành trình đi tìm hạnh phúc của một cặp đôi đồng tính nam: họ đang ở cái ngưỡng của sự trưởng thành. Bồng bột, nông nổi cũng đã qua, bể dâu cũng bao bận, đã đến lúc họ tìm được tiếng nói của lòng mình. Chín chắn vừa đủ để quyết định, dũng cảm vừa đủ để đối mặt, 2 con người đến với nhau bằng một chất kết dính bé bỏng: đứa con.
Trong bộ ảnh "Những kẻ mộng mơ", cặp đôi đồng tính cũng phô bày thân thể nhưng theo một cách tự nhiên và chân thực. Bởi như Tâm Bùi đã nói, chụp ảnh mà đụng tới da thịt thì cực kỳ nhạy cảm và dễ gây phản cảm nếu làm không khéo, vì không phải ai khoe da thịt cũng đẹp. Chúng ta có thể chọn 1 trong 2 cách: một là trần trụi thì phải chân thực. Hai là dàn dựng thì phải nghệ thuật, khoe cái cần khoe và che cái không nên thấy.
Bộ ảnh "Những kẻ mộng mơ" của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi
Chia sẻ sau khi xem bộ ảnh "Ấu Dâm", anh nói: "Có thể bộ ảnh với mọi người xem để cười cho vui, comment vài ba câu chém gió. Nhưng nếu đặt mình trong trường hợp của một nạn nhân, tôi sẽ cảm thấy ít nhiều tổn thương khi mà bộ ảnh mang nỗi đau của mình bị mang ra làm trò vui trên mạng. Nên vô tình nó đã mang lại tác dụng ngược".
Nhiếp ảnh gia cũng cho biết một kinh nghiệm khi thực hiện những bộ ảnh mang chủ đề xã hội là chúng ta nên cân nhắc kỹ cách thể hiện. Trong một mảng hiện thực rộng lớn, nên khéo léo chọn những nét đẹp nhất, dễ chịu nhất, thiên về tình cảm để có thể đánh động đến lòng trắc ẩn trong mỗi con người.
"Một bộ ảnh đề tài ấu dâm để cảnh tỉnh cộng đồng là một chủ đề cực khó. Nếu là tôi, tôi sẽ không chọn việc tái hiện lại hình ảnh lúc nạn nhân bị xâm hại vì nó không phải là điều hay ho gì đáng để ghi nhớ. Tôi sẽ chọn giai đoạn trước hoặc sau đó để khai thác. Nếu khai thác giai đoạn trước đó thì sẽ cảnh tỉnh những bậc phụ huynh phải luôn luôn để mắt tới các bé. Vì trẻ con rất ngây thơ trong sáng và chưa đủ nhận thức nên rất dễ xảy ra những tình huống đáng tiếc nếu các bé không có người lớn trông coi. Còn ở giai đoạn sau đó, chúng ta có thể khai thác thật nhẹ nhàng những rối loạn tâm lý, những câu chuyện đời của các nạn nhân khi họ lớn lên. Đó là một cách khai thác tránh động vào nỗi đau nhưng vẫn đạt được thông điệp cho bộ ảnh", Tâm Bùi chia sẻ.
Trước đó, tổ chức phi chính phủ của Đức có tên Innocence in Danger đã thực hiện chiến dịch đầy ý nghĩa với khẩu hiệu "Some touches never leave" (Có những vết hằn không bao giờ biến mất). Bộ ảnh đã gây ấn tượng mạnh cho người xem bởi những hình ảnh dấu bàn tay in hằn trên cơ thể các em nhỏ.