Xung quanh đề xuất muốn phá thai từ 12 tuần tuổi, người phá thai phải chứng minh bị hiếp dâm hoặc loạn luân. Đề xuất trên đã tạo ra nhiều tranh cãi. Người bị hiếp dâm làm sao có thể chứng minh? Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề này? Liệu đề xuất trên có thể thực hiện?
“Mục đích tốt, nhưng diễn đạt tồi”
Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Văn Đức – Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân. Theo luật sư Đức, nhìn một cách tích cực, dự thảo này hướng đến việc mục đích lớn là đảm bảo cân bằng giới tính. Hiện nay theo thống kê thì việc chênh lệch về giới tính của Việt Nam dù chưa phải là quá lớn (114 bé trai/100 bé gái) nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số và duy trì nòi giống. Có thể nói, mục đích mà dự thảo đưa ra là tốt, tích cực.
Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng văn bản pháp luật lại quá tệ, không đảm bảo tính khả thi nếu được thông qua. Bởi lẽ, với qui định tuổi thai từ 12 tuần trở lên muốn phá bỏ phải chứng minh bị hiếp dâm, loạn luân, nếu đem thi hành sẽ “đẻ” ra hàng loạt thủ tục mà ban soạn thảo không thể lường trước được.
Để xác định một người có hành vi hiếp dâm người khác hoặc một người bị hiếp dâm, có tính chất loạn luân dẫn đến có thai là những trường hợp giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự, phải qua các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Còn nếu bắt buộc phải thẩm tra, xác minh (mà không qua hoạt động tố tụng hình sự) thì ai, cơ quan nào thực hiện việc này? Liệu cơ quan nào dám đứng ra xác minh sản phụ bị hiếp dâm, bị loạn luân dẫn đến có thai không? Rất nhiều những vấn đề pháp lý đặt ra cho điều khoản trong Dự thảo, nhưng chưa thấy phương án giải quyết.
Ngoài ra, nếu sản phụ không chứng minh được mình bị hiếp dâm hoặc bị loạn luân sẽ không được cơ sở phụ sản hợp pháp can thiệp, đẩy họ vào tình thế chọn lựa: hoặc để sinh nở, hoặc vào cơ sở không hợp pháp phá thai.
Nếu sinh nở, nhiều trường hợp đứa trẻ sinh sẽ không được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, vô tình tạo ra một thế hệ khiếm khuyết nhiều mặt. Còn nếu để họ phá thai ở những cơ sở không giấy phép hành nghề, rủi ro tai biến sản khoa rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ.
“Ấu trĩ, thiếu hiểu biết”
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Công – Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Đông Phương Luật thẳng thắn cho rằng quy định này mang tính ấu trĩ, giáo điều, thiếu khoa học mà trên hết là thiếu hiểu biết cả về xã hội lẫn pháp luật vì không thể thực thi.
Theo luật sư Công, ai cũng hiểu hiếp dâm là một sự kiện pháp lý nếu có đủ cơ sở thì trở thành 1 vụ án hình sự. Người gây ra hành vi hiếp dâm sẽ bị trừng phạt bởi pháp luật và chịu trách nhiệm dân sự trong thiệt hại gây ra cho nạn nhân.
Để xác định hành vi đó có phải là hiếp dâm thì nhiều cơ quan đã phải vào cuộc, Cơ quan Điều tra xem xét khởi tố vụ án; Viện Kiểm Sát thực hiện quyền kiểm tra giám sát, truy tố thông qua Cáo trạng; Tòa án xét xử và có thể Tòa cấp trên xử tiếp theo thủ tục phúc thẩm thì bản án mới có hiệu lực và người thực hiện hành vi đó mới bị xem là tội phạm.
Điều đó cũng có nghĩa người bị hại lúc đó mới xác định được là họ có bị hiếp dâm hay loạn luân. Trong quá trình điều tra còn phải có sự vào cuộc của Cơ quan giám định hình sự với hàng loạt các công việc đầy phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cả quá trình để xác định việc có hay không hiếp dâm kia nhanh nhất phải từ 6 tháng đến….vài năm, thậm chí nhiều năm bản án mới có hiệu lực pháp luật.
Vậy mà quy định “Người phá thai phải chứng minh được mình là người bị hiếp dâm thì mới được quyền phá thai” là quá bất hợp lý và không thể thực hiện. Ai, cơ quan, tổ chức nào có thể ban hành một loại văn bản hay giấy tờ gì để xác định người phụ nữ đó bị hiếp dâm? Chắc chắn không ai có thể vì đây là một sự kiện pháp lý tuân theo tố tụng hình sự.
Xâm phạm đời tư, quyền định đoạt
Cũng chia sẻ xung quanh đề xuất trên, Luật sư Trần Công Li Tao - Đoàn luật sư TP.HCM kịch liệt phản đối. Theo luật sư, việc yêu cầu người phá thai trên 12 tuần tuổi phải chứng minh mình bị hiếp dâm, có hành vi loạn luân là xâm phạm nghiêm trọng đến bí mật đời tư của họ.
Nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Hành vi hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, loạn luân là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hậu quả dẫn đến nạn nhân có thai là tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, trong Tố tụng hình sự, để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nạn nhân (người bị hiếp dâm), pháp luật cũng quy định nạn nhân có quyền yêu cầu tòa xử kín, nghĩa là để người khác hạn chế biết về chuyện đời tư của họ.
Vậy mà, đề xuất trên lại yêu cầu phụ nữ muốn phá thai phải chứng minh mình bị hiếp dâm, loạn luân là vô lý, không đúng pháp luật. Hơn nữa, nếu họ không chứng minh được mình bị hiếp dâm nên không được phá thai là chúng ta đã xâm phạm đến quyền tự do định đoạt của phụ nữ, đi ngược với tiến bộ xã hội.
Trong trường hợp người mang thai được chứng minh mình bị hiếp dâm nhưng lúc này thai đã lớn thì xử lý sao? Thai nhi cũng là cơ thể sống, cũng cần được quan tâm và bảo vệ. Do vậy, đề xuất trên không khả thi, không phù hợp với quy định pháp luật và không thể thực hiện.
Để hạn chế phá thai, cơ quan chức năng có thể sử dụng nhiều biện pháp khác như tuyên truyền, nâng cao nhận thức chứ không thể ban hành một văn bản pháp luật một cách tùy tiện được.