Siết chặt để giảm chọn giới tính trước sinh
Điều 19 dự thảo luật Dân số quy định về điều kiện phá thai. Trong đó phương án 1 quy định được phá thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người phá thai.
Với tuổi thai trên 12 tuần, chỉ được phá khi mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; Do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; Do loạn luân; Do bị hiếp dâm; Người chưa thành niên, người chưa kết hôn; Có bằng chứng nguy cơ đứa trẻ sinh ra có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường.
Xung quanh 2 đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ cho biết hiện đang có nhiều luồng ý kiến. Phương án 2, giữ nguyên như hiện nay, được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.
Ông Tân phân tích, nếu cho phép phá thai theo nguyện vọng có thể dẫn đến việc lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi nếu buông lỏng quản lý. Với phương án 1 sẽ giúp khắc phục tình trạng trên nhưng lại làm gia tăng tình trạng phá thai không an toàn.
Ông Trần Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DSKHHGĐ cũng lo lắng: "Các đối tượng có thai trên 12 tuần bị cấm phá thai có thể tìm đến các cơ sở chui. Hậu quả có thể gây viêm nhiễm, vô sinh thậm chí gây thủng tử cung, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng".
Nhiều bác sĩ sản khoa cũng lên tiếng, ủng hộ việc siết chặt quy định phá thai nhằm hạn chế những nguy cơ về sức khỏe với thai phụ.
“Phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, thủng tử cung vì thai lớn, các bộ phận thai đã hình thành như chân tay, mắt mũi, bác sỹ phải can thiệp nhiều bằng các biện pháp kỹ thuật”, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà khuyến cáo.
Tuy nhiên ông Tân thừa nhận, nếu siết theo phương án 1 cũng sẽ hạn chế một phần quyền sinh sản của cá nhân, nhất là trường hợp mang thai ngoài ý muốn và có thể tạo sự bất bình đẳng giữa nhóm người có thai dưới 12 tuần tuổi với nhóm người có thai trên 12 tuần tuổi.
Chứng minh hiếp dâm, loạn luân không dễ
Dù đồng tình cần siết chặt điều kiện nạo phá thai, tuy nhiên GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần phải nghiên cứu kỹ, tránh làm khó người dân vì những trường hợp buộc phải phá thai là người phụ nữ đã tới bước đường cùng, không còn lựa chọn.
"Nếu lấy 12 tuần tuổi làm mốc để ban hành luật thì luật rất dễ tụt hậu vì khoa học phát triển, việc xác định giới tính thai nhi sẽ dưới 12 tuần. Nghiên cứu thực tế cũng cho thấy, việc lựa chọn giới tính trước sinh đã được tiến hành ngay từ khi chưa thành thai nhi", GS Cử chỉ ra điểm bất hợp lý.
Về điều kiện phá thai do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, GS Cử chỉ rõ số liệu khảo sát năm 2013 cho thấy có tới 50% số ca phá thai sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn chứ không phải dài hạn.
Ông cũng bày tỏ băn khoăn về những quy định điều kiện phá thai trên 12 tuần tuổi, đặc biệt phải chứng minh do loạn luân hay hiếp dâm.
"Đây là thủ tục nhạy cảm và chứng minh không hề dễ dàng, sẽ mất nhiều thời gian, khi thủ tục xong có thể thai đã quá lớn", GS Cử nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, với quy định không được phá thai trên 12 tuần tuổi vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, GS Cử đặt câu hỏi vậy ai sẽ là người chứng minh việc này? Nếu bản thân người phá thai tự khai, có đảm bảo độ tin cậy?
"Rất khó cho cơ quan quản lý khi xác định họ phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính hay không. Do vậy trước khi đưa ra một thay đổi về chính sách, cơ quan quản lý cần nghiên cứu hết sức kỹ càng, tránh gây khó cho người dân và bản thân cơ quan thực hiện", ông Cử nói.
Ông đánh giá, những năm qua, dù luật pháp chưa siết thêm các điều kiện nhưng do nhận thức tăng lên, tỉ lệ phá thai tại Việt Nam trong 20 năm qua đã giảm khoảng 77%.
Năm 1992, số ca phá thai tại Việt Nam là 1,33 triệu, nằm trong top 4 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới, năm 2010 giảm xuống còn 60.000 và đến 2014 chỉ còn 30.000 ca.
Dù vậy theo đánh giá, con số này vẫn còn rất cao.