Trong cuốn Khởi sinh của sự cô độc, Paul Auster viết rằng: "...Nhưng một người đàn ông chết mà chẳng rõ nguyên nhân, một người đàn ông chết chỉ vì ông ta là người, đưa ta đến thật gần với ranh giới vô hình giữa sống và chết mà ta chẳng biết mình đang ở bên nào..."
Đến tận năm 66 tuổi nhà văn này mới có đủ bút lực để dựng nên những chiêm nghiệm về cả cuộc đời lên trang giấy. Quan điểm của Auster lí giải rằng khi người ta ở lằn ranh giữa sống chết, lúc đó ta mới thực sự có ý thức. Đó cũng là khởi sinh của sự cô độc như một vận mệnh nghiệt ngã của con người.
Tư duy hiện sinh của Paul Auster cũng như nhiều tác giả khác đã phần nào được cài cắm trong dòng phim về trí tuệ nhân tạo (AI) mà đại diện xuất sắc là loạt phim Blade Runner. Trong khi phần đầu được thực hiện năm 1982 đã trở thành kinh điển, thì Blade Runner 2049 được ra mắt mới đây là một cái tên kế nhiệm đáng tự hào.
Phim dành ra một đoạn mở đầu để tóm tắt lại những gì đang xảy ra với thế giới trong 30 năm sau, tức 2049. Lúc này, hầu hết con người đã di cư đến các thuộc địa ngoài vũ trụ, những gì còn lại là một đống hoang tàn với bầu trời xám xịt như xác chết.
Thế hệ người nhân bản mới được tạo ra với sự quy phục hoàn toàn, còn những mẫu robot đời cũ hơn thì bị săn đuổi và thải loại. K (Ryan Gosling) là một người nhân bản có nhiệm vụ "cho về hưu" những replicant cũ còn sống sót. Trong một lần theo đuổi dấu vết của một người máy tên Deckard (nhân vật chính của phần phim trước), K phát hiện ra một bí mật mà có thể thay đổi hoàn toàn thế giới.
Hiệu ứng thị giác và âm thanh choáng ngợp
Có một nỗi sầu về hiện sinh luôn thường trực trong các phim của Denis Villeneuve được biểu hiện bằng sự tự tin đến ngạo nghễ trong những trường đoạn kể chuyện trực quan. Từ những cánh đồng nhân tạo màu tro bạt ngàn cho tới thành phố mờ mịt trong mưa, thứ quang cảnh nhờ tối của thế giới tàn lụi cứ thế mở rộng mãi ra. Bảng màu rực rỡ thu hẹp lại trong những biển hiệu quảng cáo màu neon trên đường phố và đó đây một vài cô gái bán dâm ăn mặc lòe loẹt, ướt sũng vì mưa tuyết.
Cảnh phim K đứng trước một hình ảnh ba chiều của cô gái bước ra từ biển hiệu quảng cáo, tê tái với trái tim vỡ nát, với máu chảy dài trên mặt và tự vấn về sự tồn tại của chính mình là một trong những khoảnh khắc có sức nặng nhất trên màn ảnh nhiều năm gần đây. Người xem sẽ không chỉ đơn thuần "xem", mà chúng ta như đang trải nghiệm một cuộc du hành tới Los Angeles hậu tận thế năm 2049.
Có được thành công này ngoài tầm nhìn mang tính vượt thời đại của Villeneuve còn phải kể tới bàn tay của nhà quay phim Roger Deakins cùng các góc quay phảng phất chủ nghĩa biểu hiện.
Phần âm nhạc trong phim được phù phép bởi những Benjamin Wallfisch và Hans Zimmer, thủ pháp dissonance (sử dụng hai nốt nghịch để tạo nên sự bất ổn trong giai điệu) dội thẳng vào tim khán giả một cảm giác bất an và choáng ngợp trong các đại cảnh tưởng như bất tận.
Dàn cast xuất sắc
Giống như những gì mà mình làm được với Amy Adams của Arrival hay Benicio Del Toro trong Sicario, Denis Villeneuve đã chứng tỏ khả năng nhìn người khi đặt trọng trách lên vai Ryan Gosling. Từng bị đánh đồng với những trai đẹp "bình hoa di động" tại Hollywood, Ryan đã thay đổi quan niệm ấy bằng những Drive, Only God Forgives, La La Land… và giờ đây là một sĩ quan K trong Blade Runner 2049.
Nếu để ý chúng ta có thể thấy ở K là sự thiếu liên kết giữa biểu cảm và hành động. Không có sự tôn quý, tự hào hay xót thương trong mỗi nắm đấm, ám chỉ rằng cơ thể mà anh được tạo nên và bản ngã thực sự của anh không phải là một.
Ryan Gosling – thường xuyên được thấy độc hành trong những khoảng không vô tận đã khắc họa được cái cô đơn đến tột độ phủ lên một trái tim rớm máu của K. Đó là một gã thám tử, một viên sĩ quan dành cả đời để đi tìm câu trả lời cho vị trí của mình trong thế gian.
Bên cạnh Gosling, kịch bản của Blade Runner 2049 được chắp bút bởi Hampton Fancher (biên kịch của phần phim gốc) và Michael Green (Logan) còn chào đón sự góp mặt của những ngôi sao tài năng khác. Trong khi Harrison Ford quay trở lại trong vai Deckard – lúc này đã có tuổi, thì gương mặt trẻ Ana de Armas gây ấn tượng bởi sắc đẹp ảo mang tên Joi gợi nhớ giọng nói quyến rũ Scarlett Johansson của hệ điều hành trong Her. Jared Leto hóa thân thành nhà tài phiệt đáng sợ Wallace còn người đẹp Hà Lan Sylvia Hoeks gây ấn tượng với khán giả Mỹ trong lần đầu ra mắt Hollywood bằng sự lạnh lùng và những giọt nước mắt chết người.
Blade Runner 2049 sẽ khó có thể so sánh với người tiền nhiệm của nó, nhưng cũng khó có phim hậu truyện (sequel) nào có thể so sánh với Blade Runner 2049 về tầm vóc và thông điệp. Giống như nhiều phim khác của mình, Villeneuve đặt ra vô số câu hỏi về triết lý hiện sinh, hình dung tương lai về trí tuệ nhân tạo AI và để mặc cho khán giả tự tìm lấy câu trả lời cho chính mình.
Biên tập phim Terry Rawlings từng ca ngợi Blade Runner của Ridley Scott như một phim nghệ thuật hùng vĩ, giờ đây tầm nhìn ấy được Villeneuve kế thừa và phát triển. Đó chẳng phải cũng là một "phép màu"mà chúng ta kiếm tìm bấy lâu?