Big Pilot Daddy có tên thật là Trần Hải Đông, sinh năm 1987. Anh từng là phi công, nhà quản lý hàng không, chuyên gia về Hàng không chung (General Aviation). Hiện tại anh là giám đốc hai công ty thời trang chuyên cung cấp mặt hàng cao cấp.
Trên MXH và truyền thông, Hải Đông được biết đến với những thú vui xa xỉ như BST xe cổ, Âu phục cổ điển,... Hiện tại kênh TikTok Big Pilot Daddy hiện đang có 230 nghìn người theo dõi và con số này ở Facebook là 126 nghìn.
Trần Hải Đông
Chính vì đam mê và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đặc thù như vậy, Big Pilot Daddy có khá nhiều trải nghiệm đặc biệt với giới thượng lưu. Cùng trò chuyện xem những trải nghiệm đó cụ thể là gì!
Từng bị phá sản khi kinh doanh dịch vụ hàng không tư nhân
Từ một phi công chuyển sang kinh doanh các mặt hàng cho giới thượng lưu, hành trình công việc này của anh diễn ra như thế nào?
Tôi từng là phi công của hãng Vietnam Airlines. Sau đó tôi chuyển sang làm Giám đốc khai thác của một hãng hàng không tư nhân chuyên về Private Jet (hay còn gọi là Business Jet) - một dịch vụ cho thuê máy bay riêng chỉ dành cho giới siêu giàu bởi chi phí có thể lên đến 10.000 USD/h bay (gần 235 triệu đồng). Được một thời gian, tôi tự thành lập một công ty riêng về dịch vụ này. Ban đầu mọi chuyện diễn ra rất thuận lợi nhưng khi dịch bệnh diễn ra, ngay cả những hãng hàng không lớn cũng lao đao nên startup nhỏ của tôi không giữ được và phá sản.
Thời gian đó rất tồi tệ. Tôi thất nghiệp, mất tất cả và tệ nhất là mất tinh thần. Trong những ngày tháng này, thời trang, âu phục cổ điển và những chiếc nón Panama thủ công đã cứu vãn tinh thần, giúp tôi thoát khỏi sự căng thẳng. Nhớ lại kinh nghiệm phục vụ cho giới siêu giàu khi còn làm hàng không, tôi hiểu được giá trị của sự độc đáo, tính riêng tư và kết hợp với niềm đam mê cá nhân nên quyết định kinh doanh chính những thứ mình yêu thích. Bây giờ những thú chơi này đã trở thành công việc của tôi.
Big Pilot Daddy khi còn là phi công
Trước khi cung cấp bất kỳ dịch vụ nào người ta đều phải tự trải nghiệm rất nhiều đúng không anh?
Đúng là tôi phải trải nghiệm rất nhiều thì mới sẵn sàng cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất. Ví dụ như mỗi năm tôi may ít nhất 70 bộ suit, dự kiến năm nay phải 100 bộ với nhiều màu sắc, chất liệu được thiết kế riêng. Quá trình trải nghiệm này chính là hướng đến sự phục vụ chuẩn chỉnh hơn cho khách hàng của mình. Mình phải có trải nghiệm thực tế mới có thể thuyết phục được mọi người, từ những người quan sát mình đến khách hàng.
Trong quá trình trải nghiệm này, liệu có cột mốc nào đánh dấu anh đã đủ sức kinh doanh dịch vụ?
Thực ra rất khó để biết khi nào "đủ sức". Theo quan điểm của của tôi, phải đủ đam mê thì mới làm được. Khi xác định mình có thể sống trọn đời với đam mê thì đó là lúc tôi cảm thấy có thể kinh doanh được.
Cái KHÓ của một người cung cấp các dịch vụ cho giới thượng lưu là gì, theo anh?
Đó là giữ chân khách hàng. Có lẽ đây là cái khó của người làm kinh doanh nói chung chứ không riêng gì kinh doanh trong giới thượng lưu. Bởi lẽ để khách hàng thân thiết ở lại với mình là một điều khó khăn và nhà cung cấp dịch vụ phải sử dụng tất cả nguồn lực, nhất là thời gian để giữ chân họ.
Còn cái CẦN phải có khi làm việc với giới thượng lưu thì sao?
Làm việc với giới thượng lưu hay siêu giàu thực tế không khó như mọi người tưởng tượng. Với những người có tiềm lực tài chính mạnh, quan hệ rộng và có nhiều trải nghiệm với sản phẩm và dịch vụ cao cấp thì điều mình đưa đến cho họ không chỉ là EQ cao hay là cái duyên đâu. Mình phải cho họ thấy cá tính riêng hay chất lượng của sản phẩm và dịch vụ mà mình mang lại. Thế nên cá tính và sự riêng biệt mới là điều thu hút những người đã có nhiều trải nghiệm. Điều này có thể hiểu là nếu bạn không riêng biệt, không cá tính thì sẽ chìm nghỉm trong số hàng trăm, hàng ngàn thứ mà khách hàng từng trải nghiệm, dẫn đến họ sẽ không nhớ bạn là ai và bạn sẽ mất đi khách hàng, đối tác.
Liệu mình có cần một khả năng tài chính đủ mạnh nữa không?
Ban đầu, đó chưa phải là điều cần thiết. Giá trị mà sản phẩm của bạn mang lại mới là điều quan trọng. Vì khi bạn làm dịch vụ cho giới thượng lưu hay siêu giàu, bạn không bán sản phẩm, bạn bán trải nghiệm và cảm xúc.
Hẳn anh cũng đã gặp những vị khách vô cùng ấn tượng hoặc có những lần chốt đơn đặc biệt?
Phải nói là có nhiều vị khách gây ấn tượng vì mỗi người đều rất giỏi, rất thành công trong lĩnh vực của mình. Vì vậy gọi là cung cấp dịch vụ nhưng ngược lại tôi học hỏi được rất nhiều từ các vị khách của mình, nhiều khi trở thành anh em bạn bè thân thiết của nhau.
Lần chốt đơn đặc biệt nhất của tôi là bán một chiếc nón cói trị giá 3,5 tỷ trong vòng 5 phút. Tất nhiên tôi không thể kể rõ ràng hơn về khách hàng nhưng vị khách này có bộ sưu tập đồng hồ trị giá tới 300 tỷ đồng và nó khiến tôi thật sự choáng ngợp.
Có lẽ sự kín đáo này cũng khiến cho xung quanh giới siêu giàu có rất nhiều lời đồn. Trong đó có lời đồn nào mà khi nghe xong anh phải bật cười chưa?
Rất nhiều là đằng khác, ví dụ như "Giàu có đẳng cấp không ai lên TikTok" hoặc "Giới thượng lưu phải thế này, phải thế kia…". Thực ra những người nói như vậy đang tưởng tượng mình ở giới thượng lưu rồi đánh giá nhưng tuyệt nhiên điều đó không chính xác.
Có một lời đồn mà gần như ai cũng nghĩ đúng là "Giới thượng lưu tiêu tiền như nước và sống sang chảnh". Chắc đó là giới thượng lưu trong phim chứ thực tế thì những người siêu giàu trân trọng những giá trị nghệ thuật, bỏ nhiều tiền vì sự trân trọng đó, rất ít khi tiêu tiền để trông sang chảnh. Phải nói là họ coi trọng trí tuệ, cá tính riêng và những điều mang tính nghệ thuật.
Giới thượng lưu là tệp khách hàng khá hẹp nhưng anh lại hay lên TikTok làm clip, chia sẻ miễn phí cho mọi người. Điều này có lợi gì cho công việc của anh?
Một phần công việc của nhà cung cấp dịch vụ cao cấp là phải cho khách hàng của mình một giá trị nhận diện nhất định. Ví dụ như là educate (giáo dục) thị trường. Hàng tuần tôi may ít nhất một bộ suit để quay và review sản phẩm. Mỗi bộ chục triệu thậm chí hàng trăm triệu chỉ để mọi người biết đến và hiểu được giá trị của sản phẩm.
Tại sao tôi lại làm vậy?
Tại sao tôi phải tốn rất nhiều tiền chỉ để lên đồ mặc review?
Tại sao tôi phải làm những video nói về nón cói, hướng dẫn nhận diện và cách chơi nón?
Thực ra đó là một cách mà tôi phục vụ những vị khách thượng lưu hay siêu giàu. Tôi dọn “thảm đỏ” để họ bước qua, hướng dẫn những người đứng hai bên thảm đỏ hiểu được giá trị bộ trang phục họ đang mặc, chiếc nón họ mang rồi ở thảm đỏ đó khách hàng của tôi sẽ tỏa sáng một cách tinh tế.
Hiện tại, nhiều khách hàng của tôi đã phản hồi rằng họ được nhận diện rất tốt, được bạn bè hay đối tác hiểu và biết giá trị của chiếc nón họ mang dù không có bất kỳ logo nhãn hiệu nào. Họ cảm thấy rất vui và cảm xúc đó là thứ mà tôi bán cho họ, không đơn thuần là sản phẩm.
Vậy có ai lên đây để mua chiếc mũ hay bộ suit mấy chục triệu không?
Không phải mấy chục triệu mà tôi còn bán được cả chiếc mũ mấy trăm triệu nhờ TikTok. Bên cạnh đó bạn bè tôi ở giới siêu giàu vẫn dùng TikTok để nghe tin tức, coi giới trẻ làm gì, hoặc đơn thuần là giải trí, xem những vụ ồn ào trên MXH một cách ẩn danh.
Anh cũng không ngại đối đáp với cư dân mạng. Có khách hàng nào phàn nàn với anh về chuyện này chưa?
Đúng là tôi không ngại đối đáp với bất kỳ ai trên MXH. Nhưng những màn đối đáp của tôi đều mang tính hài hước và cung cấp kiến thức nên thường được khách hàng ủng hộ. Cho đến hiện tại, chưa có khách hàng nào phản đối việc này.
Tôi biết rằng nhiều người sẽ hạn chế ồn ào, ít khi đáp trả cư dân mạng vì muốn giữ hình ảnh. Còn tôi thì chưa bao giờ bỏ qua bất cứ bình luận nào mà chọn cách thả tim, ý kiến trái chiều tôi cũng thả tim để họ biết là mình biết. Đó chính là điều làm nên cá tính riêng của tôi: Không ngại bị đánh giá.
Tất nhiên cũng có những ý kiến của mọi người mà tôi phải ghi nhận. Chẳng hạn như nhiều bạn hỏi tôi rằng "Cứ đáp trả mãi như vậy có tốt không? Thay vì quan tâm tới những người không thích mình thì nên dành thời gian để chia sẻ về thời trang". Thực ra tôi đã làm việc này từ trước nhưng vì thấy đúng nên sẽ dành nhiều thời gian cho nó hơn.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!