Việc chứng nhận kỹ thuật số miễn nhiễm COVID-19 có hiệu lực diễn ra đúng thời điểm châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.
(Ảnh minh họa: AP)
"Hộ chiếu vaccine" của EU - cơ bản là một mã QR dạng số trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng - sẽ thể hiện người mang thiết bị này đã được tiêm một trong các loại vaccine được EU chấp thuận hay chưa (gồm vaccine Pfizer - BioNTech, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson), cũng như người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein).
"Hộ chiếu vaccine" của EU có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, nhà hàng... (Ảnh: AP)
Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders khuyến nghị, tất cả các quốc gia thành viên của EU sử dụng một công cụ như vậy không chỉ để tự do đi lại mà còn sử dụng cho những mục đích khác ở mỗi nước như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, nhà hàng... Tính đến ngày 30/6, đã có 21 quốc gia thành viên EU chấp nhận chứng chỉ trên.
Tuy nhiên, giới chức y tế EU cho rằng, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh đang đe dọa phải hạn chế áp dụng cơ chế trên hoặc có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ trên.
Trước đó, Đức đã ban bố lệnh cấm du khách đến từ Bồ Đào Nha, quốc gia có số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đa số. Chỉ công dân Đức hoặc người định cư tại Đức mới được miễn với điều kiện họ thực hiện cách ly 2 tuần. Quyết định của Berlin đã khiến Brussels bất bình, cho rằng các nước EU không nên cấm đi lại giữa những nước thành viên và Đức nên tham vấn các đối tác trước khi đưa ra quyết định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta, vốn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, đã xuất hiện ở 96 quốc gia. Biến thể này còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh. Biến chủng Delta sẽ nhanh chóng phổ biến và "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu.