Phở truyền thống là một bát nhiều bánh, nhiều hành, ăn cùng quẩy và tương ớt cay, vắt thêm vài giọt chanh và thêm chút tỏi ngâm giấm vào là ngon bá cháy. Thế nhưng có rất nhiều phiên bản khác nhau cả ở trong nước lẫn quốc tế của món ăn "quốc hồn quốc túy" này, thậm chí có những bản sao lại hơi "quá đà" so với bản gốc.
Phở được du nhập vào Sài Gòn và rồi dần dần vị phở cũng thuần theo phong cách của người nơi đây. Nếu như người Hà Nội thích nước dùng trong thì ở Sài Gòn, nước dùng sánh, mỡ và ngọt hơn. Đặt cạnh tô phở Sài Gòn luôn là một rổ rau thơm như húng quế, ngò gai, rau ngổ, cộng thêm đĩa giá trần với đầu hành.
Gia vị cũng đa dạng hơn hẳn so với phở "bản gốc", nào tương đen, tương đỏ, giấm tỏi, nào ớt tươi, ớt sa tế cộng với lát chanh. Tất cả cùng trộn lên với tô phở tạo thành món ăn đầy màu sắc và nhiều mùi vị.
Phở hai tô là phiên bản phở khô - đặc sản của Gia Lai. Khác biệt lớn nhất của món phở này so với phở nước là một phần ăn sẽ gồm... hai tô. Một là tô phở khô đã trần cùng chút tóp mỡ, thịt xay, tô còn lại là nước dùng kèm thịt bò. Ăn kèm món này sẽ là giá đỗ trần, húng quế, xà lách và không thể thiếu tương đen.
Theo chân người Việt xuất ngoại, phở ở nước ngoài cũng có nhiều biến tấu khác nhau. Một trong những phiên bản "sang chảnh" nhất phải kể đến phở bò Kobe. Thịt bò Kobe là một trong những loại thịt có giá thành cao nhất tại Nhật Bản. Nguyên nhân của giá thành thì ai cũng biết bởi bò Kobe phải được nuôi với chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt (mát-xa, ăn lúa mạch, uống bia…). Chế biến phở bò Kobe cũng vô cùng kỳ công, đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu, nhiều cách chế biến như sukiyaki, bít tết, sashimi rồi mới dùng kèm với bánh phở, chứ không đơn giản là tái hay chín như phở Việt.
Đọc đến đây chắc hẳn bạn sẽ thấy chẳng có quá ngạc nhiên, cũng chỉ đơn giản là thay đổi thành phần hoặc cách chế biến đôi chút. Thế nhưng những phiên bản khó đỡ dưới đây đảm bảo sẽ khiến bạn ngã ngửa.
Biến tấu lạ lùng này được bày bán ở rất nhiều nơi trên nước Mỹ. Trong đó, các nguyên liệu làm phở như thịt, giá đỗ, rau thơm, hành… được gói vào trong một chiếc bánh burrito và cuộn lại. Bánh được cắt đôi và một số quán phục vụ thêm một bát nước dùng cho thực khách.
Phở tacos cũng được làm tương tự, nhưng thay lớp vỏ burrito bằng lớp vỏ bánh taco và không được cuộn lại. Thực khách có thể lựa chọn nhân thịt gà hay thịt bò, với nhiều loại rau ăn kèm.
Có ai đọc đến đây vẫn không hiểu nổi tại sao hai món này lại được gọi là phở trong khi nguyên liệu thậm chí còn không có sợi phở?
Vâng, vẫn biết người nước ngoài thích ăn hamburger và cũng yêu phở Việt, nhưng đam mê đến mức làm hẳn một phiên bản phở burger thì đúng là bái phục. Phở burger gồm có phần vỏ bánh được làm từ bánh phở chiên giòn, phần nhân gồm thịt bò hoặc thịt gà và các loại rau thơm được sắp xếp như một chiếc bánh hamburger. Tuy có hình thức đẹp mắt, món ăn này lại không được nhiều người yêu thích và bị đánh giá là "chẳng có gì liên quan đến nhau".
Người Việt sẽ phá lên cười khi thấy hai đặc sản nước nhà được kết hợp trong một món ăn thế này. Trong đó, những nguyên liệu làm phở như thịt bò, rau thơm, hành, sợi phở… được cho vào trong vỏ bánh mì và chấm với một bát nước dùng phở. Nói khách quan thì có vẻ đây là món bánh mì điểm xuyết thêm bánh phở hơn là một món có thể mang từ "phở" trong tên.
Món ăn truyền thống được bạn bè quốc tế yêu thích là một niềm vinh dự, tuy nhiên đôi khi có những cách thể hiện tình yêu khiến chúng ta phải "dở khóc dở cười" đó là những cách chế biến phở vô cùng khó hiểu. Điển hình như món... thạch rau câu phở sau đây:
Món thạch được làm từ hỗn hợp nước dùng phở, sợi phở, thịt bò tái pha gelatin cho đông lại, ăn kèm tương ớt. Lần này, khi người Việt Nam còn chưa kịp phản ứng thì chủ nhân công thức này đã bị chính các thực khách phương Tây thay nhau "ném đá". Bỏ qua việc hương vị và biến tấu lạ lẫm, thì việc để thịt bò sống đỏ như vậy mà ăn rất khó chấp nhận. Bởi vì chính người Việt khi ăn phở cũng phải nhúng qua thịt bò với nước dùng để khiến thịt chuyển tái.
Phở ăn liền của Việt Nam thì không có gì quá xa lạ nhưng hãy ra mà xem người nước ngoài hướng dẫn làm món phở 5 phút…trong lọ này. Hết sức sáng tạo nhưng... hiểu được chết liền. Muốn có một bát phở cần ít nhất 4 – 8 tiếng để ninh nước dùng thế mà với công thức này, chỉ trong nháy mắt bạn đã có một... lọ phở để thưởng thức. Trong nguyên liệu của Phở-in-a-jar lại không sử dụng bánh phở mà dùng…sợi miến. Trong tiếng anh phở vẫn được giữ nguyên cách đọc là "pho" để nó không giống bất cứ loại mì hay miến nào. Chưa nói đến phản ứng của người Việt Nam, ngay cả bạn bè quốc tế cũng không thể hiểu nổi được phiên bản "khó đỡ" này.