Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm đường Tân Hóa (quận 6, TP.HCM), chị Trà loay hoay sửa lại chiếc áo cho khách rồi nhìn về phía đầu ngõ, buồn bã.
Những biến cố liên tiếp xảy đến khiến chị Trà dường như mất tất cả mọi thứ...
Đã nhiều tháng qua, chị Trà không có việc làm, chỉ biết ở nhà phụ lo cơm nước cho ông bà nội rồi nhận may quần áo nhỏ lẻ cho người quen.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, chị Trà cho biết căn bệnh ung thư vòm họng năm 16 tuổi dường như đã cướp đi tất cả của chị, từ sức khỏe, công việc cho đến cả ước mơ.
"Lúc đang học giữa chừng lớp 11 (năm 1997) thì chị nhức đầu hoài, cứ tưởng viêm xoang, xong rồi đi khám mới biết mình ung thư vòm họng. Hồi đó chị chưa hiểu ung thư là gì, cứ nghĩ đơn giản có bệnh thì đi chữa, vô tư lắm. Nhưng rồi phải nghỉ học để vô hóa chất, dần dần sức khỏe chị đi xuống, ăn uống không được, chị rơi vào khủng hoảng tâm lý. Có những lần phải chạy vào viện để cấp cứu lúc nửa đêm", chị Trà trải lòng.
27 năm vượt qua ung thư, người phụ nữ cố gắng tìm lại hi vọng sống cho bản thân
Vượt qua chuỗi ngày hóa xạ trị liên tục, chị Trà may mắn chiến thắng được căn bệnh ung thư quái ác. Với cái đầu nhẵn bóng, phải đội tóc giả và thân hình gầy guộc, chị Trà vẫn tiếp tục quay lại trường học để viết tiếp ước mơ của mình.
"Chị đội tóc giả, bị trêu chọc nhiều lắm nhưng chị cứ mặc kệ, chị chỉ muốn được đi học rồi ra trường đi làm. Nhưng rồi đùng một cái, biến cố lại đến với gia đình chị, mẹ chị mất, rồi…", nói đến đây, chị Trà bật khóc.
Năm 2007, do biến chứng của căn bệnh cũ, xương hàm phải của chị gãy đâm vào thịt gây nhiễm trùng. Bác sĩ nói phải tháo khớp ra nhưng khuôn mặt sẽ biến dạng hoàn toàn, chị quyết định không thực hiện xin bác sĩ xuất viện để quay về nhà tiếp tục đi làm lo cho 2 đứa em nhỏ, uống thuốc giảm đau cầm cự.
Khoảng thời gian không ăn uống, không nói chuyện được đối với chị Trà vô cùng khủng khiếp
Đến tháng 9/2010, nhờ có sự hỗ trợ của các y bác sĩ, chị Trà được ra Hà Nội để thực hiện 2 ca phẫu thuật mổ tháo xương phụ của ống chân trái và ghép lên hàm. Có điều sau khi tỉnh dậy, giọng nói của chị Trà không còn như trước, cổ họng hẹp lại, lưỡi thu vào trong, hàm răng dưới cũng không còn…
"Chị ăn không được, không nói chuyện được, chỉ ú ớ đứt quãng. Lúc đó chị sốc tinh thần dễ sợ, cảm giác mình đã mất hết tất cả vậy. Dù quay lại văn phòng làm việc, chị không thể giao tiếp được với mọi người.
1 năm chị chỉ biết ăn cháo cầm cự, khả năng nuốt và nói không ổn, sức khỏe càng ngày càng đi xuống. Thật sự giai đoạn đó rất khủng khiếp, chị chỉ biết động viên mình phải sống vì ông bà, vì ba chị, chị sợ phải giao tiếp với mọi người... vì chị có nói được đâu", chị Trà nghẹn lời.
Những vết sẹo lồi lõm trên khuôn mặt chị Trà sau các ca phẫu thuật
Trải qua chuỗi ngày chìm trong đau khổ, bế tắc, không thể giao tiếp được với mọi người, sợ những ánh nhìn không thiện cảm từ mọi người, đến năm 2016, chị Trà quyết định đổi mới bản thân, tự tìm cho mình một hướng đi mới.
"Chị không cho phép mình buồn nữa, chị phải sống, phải có được một công việc để lo cho mình, chị quyết định đi học may. Nhưng vô lớp chị nói ngọng nghịu, có ai thích nói chuyện, chơi chung với một người nhiều khiếm khuyết, khuôn mặt hốc hác như chị đâu chứ. Mỗi lần bị ai chê xấu, chị cúi đầu cảm ơn họ, cố lấy sự hài hước, vui vẻ lạc quan của mình để che đi nỗi sợ bị mọi người xa lánh. Không nói được rõ ràng, chị lấy quyển sổ ra để viết chữ, dùng cách đó để giao tiếp với mọi người. Chị vẫn ráng để sống, để đi làm, để lo cho em đi học…", chị Trà trải lòng.
Nụ cười là điều duy nhất chị Trà có thể làm để tự vực dậy tinh thần chính bản thân mình, tiếp tục cuộc sống
Sau khi học được 3 khóa và xin vào phụ việc cho một cửa hàng quần áo để tiếp tục theo đuổi nghề may, một lần nữa ông trời lại trêu đùa số phận của chị Trà. Năm 2020, ba chị Trà phát hiện mắc bệnh ung thư, chị buộc phải xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc cho ba. Nhưng rồi ba cũng bỏ chị mà đi…
"Chị lại đi xin việc với giọng nói ngọng nghịu, sức khỏe không tốt và tuổi tác đã lớn. Qua mấy chục công ty thì mới có chỗ nhận chị vào làm. Để có thể đi làm, chị phải chuẩn bị phần thức ăn riêng cho mình, cố gắng vượt qua những cơn hạ huyết áp, thiếu máu vì kiệt sức.
Gắng gượng quá 2 công ty, vì tăng ca nhiều khiến sức khỏe chị không ổn định, chị đành xin nghỉ việc để lo cho sức khỏe mình trước. Nhưng từ trước Tết đến giờ, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên chị không xin được việc mới, giờ chị ở nhà lo cơm nước cho ông bà và nhận may vá cho một số người quen biết", chị Trà chia sẻ.
Trước tình cảnh hiện tại của bản thân khi trên mặt vẫn còn những khiếm khuyết khó che lấp, 2 bên hàm lõm sâu, hàm răng dưới đã mất, cổ họng hẹp lại và giọng nói ngọng nghịu, sức khỏe không được tốt như những người bình thường, chị Trà biết để kiếm được một công việc mới với chị là điều vô cùng khó khăn.
Mong rằng với những nỗ lực không mệt mỏi của chị Trà sẽ mang lại cho chị một tương lai mới ấm áp, trọn vẹn hơn...
"Chị nghĩ cuộc đời đóng nhiều cửa của chị lắm rồi, đóng từ lúc chị đau bệnh rồi biến chứng đến sau này. Nhưng chị vẫn nghĩ đóng cửa này thì mình mở cửa khác, mình không làm văn phòng được thì mình làm ở nhà.
Chị chỉ mong mọi người có thể chấp nhận chị, nhưng nhận bao nhiêu là do mọi người. Có thể mặt mày chị xấu, biến dạng, nhưng chị vẫn cố lấy sự hài hước để mong mọi người mở lòng với chị. Ai chê xấu thì chị khoanh tay xin lỗi họ, cố gắng nói chậm lại để mọi người nghe được. Vì chị biết mình vẫn luôn khát khao được sống, được làm việc và được hòa nhập cộng đồng", chị Trà rớt nước mắt.
Có lẽ với chị Trà, điều chị mong muốn lớn nhất là có thể tìm cho mình một công việc như kế toán, thu ngân, soát vé giờ hành chính để có thể tự lo cho bản thân, vừa đảm bảo yêu cầu sức khỏe. Và hơn hết, chị mong nhận được sự đồng cảm của mọi người, sẽ không còn những ánh nhìn kỳ lạ để bản thân chị, người phụ nữ chịu quá nhiều tổn thương có thể tiếp tục được sống, được cống hiến cho đời.