"Bí kíp tề gia" từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu?

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 07:48 29/01/2018
Chia sẻ

Thời gian gần đây, phim Việt sôi sục hẳn lên vì một khái niệm mới là "bà mẹ chồng quái đản". Thế còn những ông bố thì sao? Cũng nhiều chuyện để nói không kém đâu nhé.

Ông Phương (NSƯT Trần Đức) trong Sống chung với mẹ chồng – Ông bố kiểu mẫu

Gia đình ông bà Phương đúng chuẩn là một gia đình kiểu mẫu với hai thái cực nóng và lạnh. Nếu bà Phương (NSND Lan Hương) nóng trong cách quản lí con cái và lạnh trong tình cảm phân biệt giữa con trai - con dâu, thì ông Phương lại hoàn toàn ngược lại. Bởi ông cho rằng, con nào cũng là con, và chúng thì đều đã lớn, không nên ép thúc vào khuôn phép quá nhiều.

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 1.

Ông Phương luôn muốn có một gia đình thuận hòa, êm ấm, nên khi Vân (Bảo Thanh) trở thành con dâu, ông đã coi cô như con gái của mình. Khác với bà Phương, ông chỉ bảo cho con rất từ tốn, nhẹ nhàng, thường là khuyên nhủ chứ không hề nạt nộ. Điều này ít nhiều khiến Minh Vân đỡ tủi thân hơn khi dọn về nhà chồng ở.

Mặt khác, không chỉ có lời với con dâu, ông Phương cũng đôi khi nhắc nhở vợ về chuyện các con cần không gian riêng tư vì chúng đều đã lớn. Ông cảm thấy vợ đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của các con, khiến Vân phải gồng lên để sống trong một gia đình mới. Cũng chính vì điều này mà "bà mẹ chồng ghê gớm nhất vịnh Bắc Bộ" và ông đã từng to tiếng với nhau.

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 2.

Thế nhưng sau tất cả, chính nhờ ông mà mối quan hệ của Vân và mẹ chồng đã được cải thiện khá nhiều. Khi hai vợ chồng Vân – Thanh (Anh Dũng) chia tay nhau, bà Phương gặp phải cô con dâu "thủ đoạn" và nhận ra mình quá đáng với con dâu cũ thì đã muộn. Ông Phương lúc này mới nhẹ nhàng chỉ ra những điểm tốt của Vân, đồng thời cũng nói bà Phương nên thay đổi để cuộc sống mới của Thanh và Diệp (Trang Cherry) được ổn thỏa. Có người chồng, người cha lúc cương, lúc nhu và suy nghĩ thấu đáo như vậy, nên càng về cuối bộ phim, suy nghĩ và tư tưởng của bà Phương được lòng khán giả thấy rõ!

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 3.

Ông Lâm (NSƯT Hoàng Hải) trong Ngược chiều nước mắt – Ông bố "quốc dân"

Sở dĩ gọi ông Lâm là ông bố quốc dân bởi cách xử lý những rắc rối mà các con vướng phải của ông rất có tình. Vốn là một gia đình gia giáo, việc "ăn cơm trước kẻng" và để lại hậu quả là điều không thể chấp nhận được.

Những tưởng ông không muốn xấu hổ, không muốn rước về cô con dâu đã mang bầu, nhưng không! Khi biết tin con trai muốn phá bỏ cái thai của Mai (Phương Oanh), ông Lâm kiên quyết không chấp nhận thái độ vô trách nhiệm, vô đạo đức ấy của Sơn. Ông nói "Cái thai trong bụng con bé kia là cháu nội của tao... Mày mà tự tiện đưa con bé đi phá thai thì liệu thần hồn."

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 4.

Vẫn giống gia đình ông bà Phương, vợ chồng ông Lâm hoàn toàn đối lập nhau trong cách dạy con. Với bà Lâm (NSND Lan Hương), con trai mình là "cái rốn" vũ trụ, phải làm được những thứ lớn lao, cao cả. Còn ông Lâm chỉ mong các con không làm gì phải hổ thẹn với lương tâm. Chính vì điều này mà ông đã tìm đến tận bệnh viện, không cho các con bỏ đi đứa trẻ.

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 5.

Giữa những mâu thuẫn và bế tắc của cặp đôi Sơn – Mai, có lẽ ông Lâm chính là đốm sáng soi đường, chỉ lối cho cả hai tìm đến nhau. Ông thương Mai từ khi cô còn chưa bước chân vào gia đình ông một cách chính thức. Hình ảnh chín chắn, điềm đạm, cư xử nghiêm khắc nhưng có tình của ông Lâm lập tức đã thuyết phục hoàn toàn khán giả từ khi vừa xuất hiện.

Ông Quang (NSƯT Mạnh Cường) trong Cả một đời ân oán – Ông bố theo chủ nghĩa nói ít hiểu nhiều

Mọi chuyện rắc rối trong gia đình ông Quang – bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) đều bắt nguồn từ thời còn trai trẻ của ông. Thấu hiểu rõ những khổ tâm mà vợ và các con trai đang chịu vì mình, ông rất ít khi lên tiếng tranh cãi vì một vấn đề nào đó. Ông Quang khá ôn hòa, thường sẽ để vợ quyết mọi chuyện, thế nhưng cũng có lúc ông phải lên tiếng.

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 6.

Ông khuyên vợ không nên bắt con dâu làm quá nhiều chuyện trong nhà, vì cũng đã có người giúp việc. Dung (Hồng Diễm) cần có thêm thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bé Nguyên An, con của chồng mình và vợ trước. Mặt khác, trong tập gần nhất, khi đứa bé dám lớn tiếng với Dung, ông đã rất không hài lòng. Ông trách mắng bà Lan, bảo vợ mình hãy khuyên dạy cháu vì nó đã có một người mẹ kế rất thương yêu.

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 7.

Có lần, ông muốn nhờ Dung nấu đồ ăn để chăm sóc bà Mai (Minh Phương). Vì đã từng làm y tá nên Dung rất hiểu phải làm như thế nào cho tốt. Nhưng ông cũng không muốn vì mình mà con dâu làm phật ý bà Lan, mẹ con lại xích mích, thế nên dặn Dung đừng nói đó là chuyện ông nhờ. Sau khi bà Lan biết, ông cũng nhận luôn mọi chuyện là do mình, ép con dâu làm theo chứ không phủi phui trách nhiệm.

Bí kíp tề gia từ phim Việt: Các ông chồng làm gì khi vợ mình hạch sách con dâu? - Ảnh 8.

Dung có lẽ là cô con dâu đỡ khổ hơn cả trong số ba cô con dâu được nhắc đến, vì ít nhiều bà Lan cũng không coi rẻ cô như bà Lâm đối xử với Mai, không hạch sách nhiều như Vân bị bà Phương nhũng nhiễu. Thế nhưng không ai biết chuyện gì có thể xảy ra, khi mà con riêng của bố chồng lại chính là người yêu cũ của mình. Nếu chuyện này lộ ra, hẳn Dung sẽ phải chịu sự chì chiết từ bà Lan còn khủng khiếp hơn tất cả những gì Mai và Vân từng chịu. Và lúc ấy, ông Quang cũng khó lòng mà bênh được con dâu nữa!

Theo nguyên lí, nam châm trái dấu sẽ luôn hút nhau. Những người yêu nhau, những cặp vợ chồng bị hút nhau cũng bởi chính nguyên lí trái dấu này. Thế nên cho dù có những lúc khắc khẩu vì không cùng tư tưởng, nhưng nhờ có người cương, người nhu mà cuộc sống gia đình phần nào cũng dễ thở. Hy vọng những người đang hoặc sắp là bố chồng hãy xem đây như "bí kíp" từ phim Việt, để cuộc sống gia đình không trở nên quá ồn ào. Tề gia không chỉ là việc của người vợ, người mẹ, cũng không phải cuộc chiến riêng của phụ nữ. Một khi đã là nhân tố của mắc xích, chúng ta phải tương tác và cùng nghĩ cách gỡ những khúc mắc, cho gia đình được thuận hoà.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày