TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa hoãn phiên xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ ông Lê Văn Thà (93 tuổi, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bị truy tố về tội giết người. Lý do hoãn xử là để giám định sức khỏe của bị cáo xem có đủ để tham dự phiên tòa hay không. Trước đó, ông Thà lọng cọng chống gậy ra hầu tòa với sự giúp sức của con dâu.
Năm chỉ vàng chia cách một gia đình
Theo hồ sơ, ông Thà và bà Lê Thị Ba (87 tuổi) là vợ chồng, có với nhau tất cả bảy người con chung. Năm 2002, vợ chồng mâu thuẫn, thường xuyên cãi vã nên bà Ba bỏ đi sống ở nơi khác. Trong thời gian này, ông Thà đã chuyển nhượng một phần đất cho người con lớn tên T. để lấy một lượng vàng (đã nhận năm chỉ).
Đến năm 2010, do sức khỏe của ông Thà kém nên các con động viên bà Ba về sống cùng để tiện chăm sóc. Trở về nhà, bà Ba phát hiện chồng đã bán đất cho con. Bà Ba cho rằng phần đất đã bán là tài sản chung của vợ chồng nên năm chỉ vàng ông Thà đã nhận phải được chia đôi, mỗi người một nửa. Từ đó, hai vợ chồng già lại mâu thuẫn, cãi nhau và đồ dùng sinh hoạt sử dụng riêng.
Rạng sáng 10-4-2014, ông Thà đến nhà con trai đòi nốt năm chỉ vàng nhưng anh T. nói chưa có nên hẹn vài ngày nữa sẽ trả. Bà Ba ở sau nhà nghe được nên lớn tiếng yêu cầu không cho anh T. trả. Vì thế ông Thà tức giận bỏ về nhà, nảy sinh ý định dùng thuốc trừ sâu để đầu độc vợ.
Ông Thà biết con có mua thuốc trừ sâu xịt vườn cây vú sữa nên đã lén lấy chai thuốc rồi đổ vào bình trà hằng ngày bà Ba thường uống. Hành động xong ông sang nhà người con khác ngồi uống nước chờ kết quả. Lúc sau bà Ba từ nhà sau đi ra nhà trước rót nước trong bình trà ra uống thì phát hiện nước có màu trắng đục và có mùi hôi nên tri hô và báo công an xã. Theo kết quả giám định, thuốc ông Thà pha có thành phần Alpha Cypermethrin, là thuốc trừ sâu thuộc nhóm độc II, độc trung bình cho người.
Tháng 9-2015, tại phiên xử sơ thẩm, đại diện VKSND TP Cần Thơ giữ quyền công tố tại tòa đề nghị áp dụng Điều 54 BLHS để miễn hình phạt cho ông Thà. Nhưng HĐXX cho rằng chưa đủ điều kiện để miễn hình phạt cho bị cáo. Bởi theo diễn biến phiên tòa, tình cảm giữa người bị hại và bị cáo vẫn còn mâu thuẫn trầm trọng. Chứng tỏ tính nguy hiểm của hành vi cho xã hội của bị cáo vẫn còn. Từ đó HĐXX tuyên xử tám năm tù về tội giết người, ông Thà làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tháng 5-2016, tòa phúc thẩm từng đưa vụ án ra xử nhưng phải hoãn để giám định sức khỏe của bị cáo.
Ông Thà rời phòng xử án với sự giúp đỡ của con dâu và hai cảnh sát tư pháp. Ảnh: NN
Tuổi già như chuối chín cây
Hơn 7 giờ sáng, người con dâu thứ năm đã phải xốc nách ông Thà từ bệnh viện huyện lên tòa theo giấy triệu tập, ông tự mình chống gậy vào cổng tòa trước. Tới hàng ghế đá dưới sân trước phòng xử, ông lặng lẽ ngồi một mình, ổ bánh mì không nhân nhỏ xíu cuốn trong bọc để bên.
Một lúc sau, người con dâu vào mang theo ly nước trà đá đường nói ông ráng uống, ăn bánh, rồi chị đưa tay bẻ lại cổ áo cho cụ. Ông nói nước đá lạnh nên không uống. Chị động viên: “Do đá chưa tan nhưng ba phải ráng uống hết cho đỡ mệt, đã không ăn lại không uống thì lát tòa hỏi biết nói làm sao”. Bấy giờ ông mới chịu uống hết nửa ly nước.
Người con dâu kể với chúng tôi nhiều chuyện về gia đình, còn ông chỉ ngồi im bên cạnh, đôi mắt mờ đục luôn nhìn vô định. Con dâu ông kể: “Lúc mới nghe má tri hô, tôi và một người con khác không nghĩ ba làm việc đó. Khi chúng tôi hỏi, rồi công an xã vào hỏi có phải ba làm không thì ba không nói gì. Tới chừng công an huyện vào làm việc thì ông mới thừa nhận sự thật đau lòng…”.
ông Thà sức khỏe yếu, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, cứ hai, ba ngày là lại có chuyện phải vào bệnh viện nằm vì đủ thứ bệnh. Từ ngày xảy ra chuyện, hai vợ chồng mâu thuẫn càng nặng, không sống với nhau nữa. Ông Thà cất cái chòi bên mé sông ở ban ngày, chỉ tối mới lên nhà chính ngủ. Cơm cháo hằng ngày của ông có anh con trai mắt kém, mưu sinh bằng nghề bán vé số chăm.
Hỏi chị, các anh em trong nhà có mâu thuẫn gì không mà để cha mẹ mâu thuẫn như vậy. Chị cho biết anh em không cự cãi gì, chỉ là tị nạnh nhau thôi. Ông bị bệnh nằm bệnh viện thì kêu xe ôm tới đưa đi chứ không ai chịu đưa đi. “Tôi tội quá, tôi chịu không nổi nên tôi đưa đi. Tôi nói tại cái số ông là vậy” - chị nói trong nước mắt.
Hỏi ông lý do vì sao lại bỏ thuốc trừ sâu hại vợ, ông nói: “Tôi kêu thằng con trai lớn trả tiền còn nợ để tôi đi bác sĩ mà nó không đưa nên tôi tính tự vẫn, mà bả cứ cản. Không có tiền thì làm sao đi bác sĩ…”.
Câu chuyện còn dở dang thì người lái xe ôm là mối quen của ông Thà đã tới cổng tòa để đón. Người con dâu tất tả đội nón, cầm cái bánh mì không nhân mềm nhũn chạy theo. Trưa nắng gắt, bóng ông Thà lọng cọng trước sân tòa. Chị con dâu bước vội tới dìu ông ra xe.
Hy vọng lắm tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới, tòa sẽ đưa ra phán quyết phù hợp vì ông Thà đã ở cái tuổi gần đất xa trời.
Nên khoan hồng
Theo Điều 54 BLHS, người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Tôi khẳng định hành vi của ông Thà là có tội. Nhưng hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe tinh thần của ông quá kém như hiện nay thì cơ quan tố tụng cần áp dụng chính sách nhân đạo khoan hồng đặc biệt. Nếu không thể áp dụng Điều 54 BLHS như VKS cấp sơ thẩm từng đề nghị thì cũng nên áp dụng các điều 46, 47, 60 BLHS tuyên xử dưới khung hình phạt từ ba năm tù trở xuống và cho ông hưởng án treo cũng đủ giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Luật sư LÊ QUANG VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM