Đạt học bổng, được du học nước ngoài tại ngôi trường danh tiếng tưởng chừng là niềm hạnh phúc đáng tự hào của bất kỳ ai trên quãng đường học tập. Tuy nhiên ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công, vinh dự ấy là muôn vàn áp lực bủa vây.
Câu chuyện về một nghiên cứu sinh tự đánh mất tương lai của chính mình chứa đựng nhiều điều đáng để mọi người phải suy ngẫm!
Ouyang Xiangyu, một nữ nghiên cứu sinh đến từ Singapore là hình mẫu lý tưởng của "con nhà người ta". Ouyang Xiangyu, 27 tuổi, nổi tiếng là người thông minh và chăm học.
Julia, một bạn học cũ của cô gái cho biết: "Cô ấy là một người ham học, không ngại hỏi người khác về những vấn đề khó. Ouyang Xiangyu ít nói nhưng khá hoạt bát. Cô ấy là một người tài giỏi và là một trong những gương mặt sáng giá nhất của trường".
Nữ nghiên cứu sinh tài giỏi Ouyang
Julia cho biết Ouyang đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ bạn bè và nhà trường khi cô được trao Học bổng Khoa học Quốc gia danh giá vào năm 2009. Với thành tích học tập xuất sắc liên tục trong nhiều năm, Ouyang tiếp tục được vinh danh vào năm 2011. Bên cạnh đó, cô gái trẻ còn nhận được một học bổng Tiến sĩ khác tại Đại học Stanford.
Tài năng là vậy nhưng Ouyang lại khá nhút nhát và đã từ chối xuất hiện trên truyền thông hay trả lời phỏng vấn về những thành tích học tập xuất sắc mà cô gặt hái được. Nhiều người cho rằng giá như Ouyang không thu mình vào trong "vỏ ốc" do chính cô tạo ra, mở lòng hơn với mọi người thì có lẽ cuộc đời cô sẽ rẽ theo hướng khác.
Đang là nghiên cứu sinh của Đại học Stanford, Ouyang bất ngờ bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 16/11/2014 trước sự kinh ngạc của thầy cô và bạn bè. Theo cảnh sát, Ouyang đã đầu độc hai bạn học trong phòng thí nghiệm thông qua chai nước giải khát trong khoảng thời gian từ tháng 9 - tháng 11/2014.
Các nạn nhân cho biết, họ có cảm giác nóng rát ở cổ họng sau khi uống chai nước. May mắn thay họ không có thương tích gì quá nghiêm trọng. Khi bị cảnh sát thẩm vấn, ban đầu Ouyang cho biết, cô bị mất ngủ trầm trọng và thường xuyên có hiện tượng chóng mặt kể từ tháng 9/2014 và không nhận thức được mình đang làm gì.
Mặc dù vậy, sau đó Ouyang thừa nhận đã lén cho hóa chất paraformaldehyde vào hai chai nước của các bạn học cùng trong phòng thí nghiệm nhưng khẳng định cô "không có ý hãm hại người khác và không có bất kỳ mâu thuẫn cá nhân nào với họ". Những bạn học cùng trường Stanford cho biết Ouyang là người trầm tính và thường xuyên bị căng thẳng vì bài vở ở trường.
Ouyang đã lén bỏ hóa chất vào trong chai nước của các bạn
Trước đó, vào tháng 8/2014, Ouyang cũng từng phá hoại thí nghiệm của một người bạn khác. Một đoạn CCTV đã thu được hình ảnh của nữ nghiên cứu sinh này xuất hiện tại phòng thí nghiệm vào đúng thời điểm vụ phá hoại diễn ra. Sau vụ việc đầu độc, Ouyang đã bị đuổi khỏi Đại học Stanford, chấm dứt hoàn toàn tương lai học hành của cô gái trẻ từng là tấm gương học tập của biết bao người.
Theo những người quen biết Ouyang tại Stanford, nữ nghiên cứu sinh rất khó kết bạn, thường ở lỳ trong phòng nghiên cứu. Nếu không ở đó, cô sẽ ở trong thư viện, luôn đeo tai nghe và mọi người rất khó để bắt chuyện với cô gái tài giỏi này.
Một nghiên cứu sinh 24 tuổi cho biết: "Ouyang thường được mời đến các buổi họp nhóm nhưng cô ấy luôn từ chối với lý do đang bận và hẹn khi khác". Một người bạn ở cùng phòng với Ouyang thì cho hay: "Cô ấy hầu như không nói gì cả ngày. Nếu bạn không nói chuyện với cô ấy, Ouyang sẽ không bao giờ chủ động bắt chuyện với bạn".
Hình ảnh CCTV thu được vào thời điểm Ouyang xuất hiện tại phòng thí nghiệm
Tại phiên tòa xét xử, Ouyang bị cáo buộc đầu độc bạn học của mình nhưng cô gái vẫn không chịu nhận tội với lý do mất trí, trầm cảm nên tinh thần không ổn định. Các nhà nghiên cứu đã nói với cảnh sát rằng nữ nghiên cứu sinh đã tự tạo áp lực cho bản thân và bị căng thẳng.
Ouyang chưa từng có bạn trai bởi chỉ chú tâm vào chuyện học hành và cố gắng gặt hái được thành tích cao nhất. Cha mẹ của cô, những người cũng làm trong lĩnh vực nghiên cứu, trước đó đã nói với các phóng viên rằng họ không hề hay biết tình trạng của con gái mình.
Cuối cùng, Ouyang bị kết án 180 ngày tù giam, bị quản chế trong ba năm và phải thực hiện dịch vụ cộng đồng thông qua chương trình làm việc của Cảnh sát trưởng Quận Santa Clara. Thẩm phán cũng đưa ra lệnh cấm cô đến gần trường Đại học Stanford và không được tiếp xúc với các nạn nhân trong thời gian 3 năm quản chế. Cô gái cũng phải tuân thủ việc điều trị sức khỏe tâm thần và ngoài ra còn phải bồi thường cho các nạn nhân.
Ouyang (áo trắng) tại phiên tòa xét xử
Theo các chuyên gia tâm lý, Ouyang bị căng thẳng và áp lực trong môi trường có sự cạnh tranh cao. Ouyang là một người cô độc, bản thân cha mẹ của Ouyang cũng không hề hay biết tình trạng của con gái mình và cô không có lấy một người bạn thân. Áp lực về thành tích đã biến Ouyang trở nên bất bình thường từ trong suy nghĩ lẫn hành động.
Khi thiếu sự hỗ trợ Ouyang hoàn toàn trượt dài trên con đường thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học của mình. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, trường hợp của Ouyang không hề hiếm gặp, nó thường xuyên xảy ra trong xã hội hiện đại khi cha mẹ luôn đặt kỳ vọng vào con cái, bản thân những đứa trẻ cũng phải gánh vác trên vai niềm tự hào của cha mẹ và danh xưng "con nhà người ta".
Nguồn: Asia One, TNP