Bi kịch chuyện hiến xác cho khoa học: Gia đình đồng ý hiến tặng, để rồi đau lòng khi phát hiện thi thể được dùng để làm gì

J.D, Theo Helino 08:10 03/08/2019
Chia sẻ

Trái với mong muốn của gia đình, thi thể người chết đã bị đối xử một cách thiếu tôn trọng và cực kỳ đau lòng.

Việc hiến tặng xác cho khoa học luôn được đánh giá là một hành động thực sự cao đẹp. Cơ thể của người chết sẽ không còn là cái kết của một vòng tử sinh, mà trở nên có ý nghĩa hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển của tương lai.

Nhưng không phải lúc nào chuyện hiến xác cũng có một cái kết đẹp, như những gì Jim Stauffer đã gặp phải sau khi đồng ý hiến tặng xác mẹ anh cho khoa học.

Doris, mẹ của Jim qua đời vào tuổi 74, và Jim đồng ý hiến bộ não của bà cho khoa học. Trước đó bà mắc phải chứng mất trí nhớ, và con trai bà mong muốn được đóng góp chút gì đó cho y học nhằm tìm ra phương pháp chữa các chứng bệnh về não, như Alzheimer.

Gia đình Stauffer quyết định hiến tặng cho BRC (Biological Resource Centre - Trung tâm tài nguyên sinh học) tại bang Arizona, vì đó dường như là nơi phù hợp nhất ở thời điểm đó. Địa điểm này thậm chí còn được y tá trong viện bà Doris nằm gợi ý. Và sau khoảng 10 ngày hiến tặng, Jim nhận về hũ tro cốt của mẹ.

Bi kịch chuyện hiến xác cho khoa học: Gia đình đồng ý hiến tặng, để rồi đau lòng khi phát hiện thi thể được dùng để làm gì - Ảnh 1.

Jim Stauffer và hình ảnh người mẹ quá cố

Chỉ tiếc là sự thật không chỉ có vậy

Mọi chuyện cứ thế trôi qua cho đến vài năm sau đó, khi Jim được một phóng viên của Reuters liên hệ và tiết lộ sự thật. Hóa ra, cơ thể mẹ anh chưa bao giờ được sử dụng cho khoa học, cũng không hề được dùng để nghiên cứu não. Thay vào đó, trung tâm BRC đã bán thi thể mẹ anh cho Quân đội Mỹ để thử nghiệm tác động của thuốc nổ. Đáng chú ý là trước đó, Stauffer đã ký vào khoản nghiêm cấm sử dụng cho mục đích này trong đơn đăng ký.

"Thực ra vấn đề này đã được nêu trong form đăng ký. Việc thử nghiệm y tế có thể bao gồm thuốc nổ, và chúng tôi đã tích "không đồng ý"." - Jim Stauffer cho biết.

Tại Mỹ, việc hiến tạng sẽ rất khác với việc hiến toàn bộ cơ thể, nhưng sự khác biệt này không được nhiều người quan tâm. Ngoài ra, việc hiến cơ thể cũng đem lại một số lợi ích cho người còn sống - như cắt giảm chi phí tang lễ, thậm chí có trường hợp được tài trợ học tập, tài trợ nghiên cứu, hoặc nhận lại món quà nào đó.

Bi kịch chuyện hiến xác cho khoa học: Gia đình đồng ý hiến tặng, để rồi đau lòng khi phát hiện thi thể được dùng để làm gì - Ảnh 2.

Tùy vào cơ sở tiếp nhận mà thi thể hiến tặng sẽ được sử dụng cho những mục đích khác nhau. Trên thực tế, các trường đại học về y khoa phụ thuộc rất nhiều vào những thân xác hiến tặng để cho sinh viên thực hành giải phẫu. Một số trường hợp khác, thi thể hiến tặng sẽ được dùng cho mục đích nghiên cứu thực sự trong y học, chẳng hạn như chữa ung thư, hoặc như trường hợp mẹ của Jim là chứa Alzheimer.

Nhưng tại Mỹ cũng tồn tại một thực tế rằng mọi mục đích được nêu ra chỉ là hứa hẹn, và người sống sẽ chẳng biết người chết bị đối xử như thế nào. Mọi thứ chỉ nằm ở niềm tin. Đặc biệt là nếu nơi tiếp nhận không phải là một cơ sở uy tín (bệnh viện, đại học Y...) mà chỉ là cơ sở tư nhân, thì khả năng họ thiếu tôn trọng thi thể và sử dụng để kiếm lời là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Sự thật được phơi bày: "Ngành buôn bán thi thể tại Mỹ"

Năm 2016, một bản phóng sự do Reuters thực hiện đã nêu lên một sự thật về câu chuyện hiến tặng thi thể ơ Mỹ. Đó là nơi đây tồn tại hẳn một ngành công nghiệp buôn bán thi thể.

"Họ tự gọi mình là "ngân hàng lưu trữ mô không để cấy ghép", nhưng thực ra là những kẻ môi giới thi thể," - trích trong bản báo cáo. "Chúng hoạt động giống như những nhà máy đóng gói thịt vậy. Tại BRC, thi thể từ đầ cho đến cái móng tay cũng sẽ được thu thập và đem bán."

Bi kịch chuyện hiến xác cho khoa học: Gia đình đồng ý hiến tặng, để rồi đau lòng khi phát hiện thi thể được dùng để làm gì - Ảnh 3.

FBI phát hiện hơn 10 tấn các bộ phận cơ thể người tại một trung tâm tài nguyên Sinh học của bang Arizona

Không giống như việc hiến tạng và hiến mô được pháp luật kiểm soát rất chặt chẽ, các công ty "buôn thi thể" gần như không bị ai sờ đến. Việc buôn bán nội tạng hiện đã bị cấm ở Mỹ, nhưng việc thu thập thi thể và bán cho các tổ chức nghiên cứu thì không có điều luật nào quy định. Và khi không cấm, nó mặc nhiên được xem là hợp pháp.

Trong bản báo cáo, Reuters nêu rằng không chỉ có trường hợp của Doris Stauffer, mà BRC đã bán hơn 20 thi thể khác cho quân đội, nhằm phục vụ cho các thí nghiệm về chất nổ. Vấn đề là ở chỗ nhiều người không biết rằng có loại nghiên cứu như vậy, và cũng chẳng biết người ta có thể dùng thi thể người đã khuất để làm như vậy.

"Các bản hợp đồng thường được viết bằng các từ ngữ chuyên ngành rất khó hiểu, khiến người hiến tặng không nắm bắt được," - báo cáo viết.

"Bản hợp đồng cho phép những kẻ môi giới có quyền phân xác người chết, rồi bán hoặc cho các cơ sở y tế, giáo dục thuê với giá từ hàng trăm đến cả ngàn dollar."

Bi kịch chuyện hiến xác cho khoa học: Gia đình đồng ý hiến tặng, để rồi đau lòng khi phát hiện thi thể được dùng để làm gì - Ảnh 5.

Giờ đây, Stauffer cùng 32 người khác đang khởi kiện trung tâm BRC (dù hiện trung tâm không còn hoạt động nữa) vì đã sử dụng thi thể được hiến tặng không đúng mục đích, và với thái độ thiếu tôn trọng. Tuy nhiên, BRC không phải là trường hợp duy nhất. Như tại Ba Lan cũng có một trung tâm tương tự với cái tên MedCure Inc, đã bán hoặc cho thuê ít nhất 10.000 bộ phận cơ thể người mỗi năm, trong đó 20% được "xuất khẩu" ra nước ngoài.

Sau khi phanh phui sự vụ của BRC vào năm 2016, thống đốc bang Arizona đã quyết định siết chặt quy định về các tổ chức môi giới thi thể, yêu cầu tất cả phải có giấy phép và được kiểm soát chặt chẽ hơn, và đặc biệt cần được các bác sĩ theo dõi triệt để. Tuy nhiên, đạo luật này phải đến năm 2020 mới được áp dụng.

Tham khảo: Science Alert, BBC, Reuters...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày