Bị chê nói tiếng Anh theo kiểu "quái thai", cựu nữ sinh trường chuyên phản biện cực gắt, nhận hơn 7 nghìn lượt đồng tình

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 20:54 20/02/2024
Chia sẻ

Nữ sinh đã lên tiếng khi bị công kích dùng tiếng Anh "quái thai". Chia sẻ của em nhận về nhiều sự ủng hộ.

Mới đây, một tài khoản Facebook tên H.N gây xôn xao dư luận khi có bài đăng công kích một phần thi tranh biện bằng tiếng Anh từ 4 năm trước trong chương trình The Debaters. Đây là phần thi của em M.A, cựu học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội. Hiện M.A đang là du học sinh.

Tài khoản H.N nhận xét, M.A nói tiếng Anh có vẻ rất mượt (như được chuẩn bị sẵn), thế nhưng cả câu văn không phải là tiếng Anh; mà là "1 mớ ngôn ngữ, từ vựng, ngữ pháp hổ lốn được chắp ghép vào với nhau để tạo ra 1 câu mà người ta gọi là "Tranh biện IELTS".

"Trong Tiếng Anh đích thực, để tranh luận, hùng biện (xem các bài diễn văn của Tổng thống Mỹ là thấy); không phải cứ ngôn từ hoa mỹ, cao cấp, khó hiểu là hay. Ngược lại kể cả những bài tranh biện đẳng cấp cao họ cũng dùng từ vựng, câu cú theo nguyên tắc Concise and Clear - Rõ ràng và ngắn gọn", người này nói.

Tác giả đưa ra một số ví dụ để chứng minh, em học sinh nói trên đã cố nhét thật nhiều từ vựng cao cấp vào bài nói và kết luận "em này đã bị hỏng tư duy ngôn ngữ (nên tiếng Việt, tiếng Anh đều hỏng)".

Chẳng hạn, về tiếng Việt, dùng "khi bạn lựa chọn sự thỏa mãn" rất rối rắm và tối nghĩa. Tiếng Việt chuẩn phải là "Khi bằng lòng với bản thân, mà ngừng phấn đấu, bạn sẽ không còn tiến bộ nữa". Với tiếng Anh, từ "Satisfaction" mang nghĩa là thoả mãn với cái gì đó, ví dụ thoả mãn với đồ ăn ngon, bộ phim hay,... Còn nếu như muốn dịch nghĩa là "thoả mãn với thành quả bản thân (bằng lòng với thực tại)" thì người ta dùng từ "complacent".

Do đó, câu này nếu như dịch đúng thì sẽ phải là "When you become complacent and no longer putting effort in your work, that's when you stop improving yourself".

Facebooker này nhận định đây là thứ tiếng Anh "quái đản" để loè nhau lùa gà, để "khoe 8, 9 chấm IELTS", đồng thời đưa lời khuyên: "Các cháu có học thì học thi cho nó vui thôi; chứ mang cái thứ tiếng Anh quái thai này sang Mỹ, sang Anh mà sử dụng thì người ta cười cho vào mặt".

Bị chê nói tiếng Anh theo kiểu quái thai, cựu nữ sinh  trường chuyên phản biện cực gắt, nhận hơn 7 nghìn lượt đồng tình - Ảnh 1.

Phần tranh biện của M.A bị tài khoản Facebook H.N công kích trên MXH

"Người trong cuộc" phản biện như thế nào?

Bất ngờ bị công kích vì một video cũ, M.A cho biết, em không phủ nhận về tiếng Anh và khả năng sử dụng ngôn ngữ 4 năm trước của mình, đặc biệt trong khuôn khổ cuộc thi, còn hạn chế. Tuy nhiên, M.A khẳng định, bản thân không học IELTS, cho nên, dẫn chứng một học sinh không lấy IELTS làm mục tiêu để chỉ trích việc học và dạy IELTS "bát nháo" là ngụy biện.

Ngoài ra, từ vựng của em chủ yếu ở mức B2 nên việc tài khoản H.N nhận xét "dùng từ hoa mỹ" cũng không đúng. Nữ sinh tiếp thu và ghi nhận ý kiến dùng từ "satisfaction" là chưa chuẩn nhưng cho rằng tác giả đang phóng đại, cực đoan hoá sự việc khi nói: "Cái thứ tiếng Anh quái thai này sang Mỹ, sang Anh mà sử dụng thì người ta cười cho vào mặt".

Để kiểm chứng, em đã làm một thử nghiệm nhỏ: Gửi clip gốc cho những người bạn sinh ra và lớn lên tại đất nước nói tiếng Anh, cụ thể ở đây là Vương Quốc Anh. Họ đều khẳng định, không có vấn đề trong việc nghe hiểu, bên cạnh những góp ý về lỗi phát âm.

Bên cạnh đó, M.A cũng cho biết, mình không có bất kì mối liên hệ nào với trung tâm dạy IELTS, nơi đã đăng tải phần tranh biện và không chịu trách nhiệm cho transcript (bản ghi lại lời thoại), cũng như bản dịch của trung tâm này. Nữ sinh đặt câu hỏi: Phải chăng, tác giả bài viết cố tình giấu nguồn vì muốn điều hướng dư luận rằng em là người viết/dịch lại, để tiện trách luôn tư duy tiếng Việt "hỏng".

Theo M.A, chất lượng bài nói của mình có thể chưa tốt, nhưng đứng dưới góc độ là một thí sinh tham gia chương trình, em có quyền được sai. Những cái sai này nếu được đưa ra góp ý, thảo luận văn minh và mang tính xây dựng, cũng là một hướng học tiếng Anh rất tốt giúp các bạn học sinh tránh mắc lỗi như mình.

"Nếu một người bản xứ, sau khi nghe mình nói và phản hồi rằng 'thứ ngôn ngữ mình đang sử dụng thật quái đản' thì thành thực mà nói, mình sẽ sợ ngôn ngữ ấy... Mình tự ti. May mắn thay, chưa một người bản xứ nào nói với mình như vậy cả... Theo mình, chúng ta cần bình thường hóa việc được sai. Và hãy để người học sai nhiều hơn. Nếu có thể, hãy góp ý, với sự tôn trọng và mang tinh thần xây dựng. Sai thì sửa", nữ sinh này chia sẻ.

"Góp ý" cực đoan có thể "giết chết" một đứa trẻ

M.A cho biết, khi được bạn rủ, em đã rất do dự liệu có nên tham gia chương trình The Debaters vì sợ tiếng Anh không đủ tốt. Theo em, những lời cay nghiệt của tài khoản Facebook nói trên, may mắn thay, chỉ được đăng lên sau 4 năm, khi em đã trưởng thành và vững vàng nên không bị nhiều ảnh hưởng. Nhưng nếu là M.A năm 17 tuổi, em chắc chắn sẽ bị tổn thương:

"Xem video thôi, dễ dàng nhận thấy, người trong video bạn cắt ghép ra là một đứa trẻ vị thành niên, còn rất non, xanh và nhạy cảm. Thử tưởng tượng, những lời góp ý thiếu cảm thông ấy được đăng lên vào thời điểm phát sóng, thì lòng tự tôn và tương lai của mình ngày ấy sẽ ra sao? Hơn nữa, với những độc giả vị thành niên khác, liệu các em, vì sợ bị chỉ trích, có còn đủ can đảm để dám sai khi học ngoại ngữ?".

M.A cho rằng, tài khoản Facebook kia đang lạm dụng hình ảnh của một đứa trẻ vị thành niên, khi sử dụng hình ảnh của một người dưới 18 tuổi mà không che/làm mờ đi để viết bài và phân tán thông tin sai lệch. Bài viết trên là biểu hiện của việc bắt nạt qua mạng (cyberbullying). Là sự truyền tải một thông điệp bất công, đặc biệt với những người học và sử dụng ngoại ngữ, khi gián tiếp không cho phép họ có quyền được sai.

"Tới cuối cùng, thông điệp lớn nhất mình muốn truyền tải: Hãy đừng ngại sai, đặc biệt khi học ngoại ngữ! Ai không lớn lên với ngôn ngữ và văn hóa ấy, phải học thì sẽ hiểu, khó tránh khỏi việc dùng từ chưa chuẩn, còn chia sai động từ, còn 'dịch' từ tiếng mẹ đẻ sang. Mình không nói đây là điều nên làm.

Nhưng đây là phản ứng tự nhiên, và mắc lỗi là điều hoàn toàn bình thường. Chúng mình cần thời gian và quan trọng hơn cả, chúng mình vẫn đang cố gắng. Vượt qua những tiếng nói trong đầu, vượt qua nỗi sợ bị đánh giá và vượt qua nỗi sợ sai là cái khó nhất, để bắt đầu tiến bộ. Đây là điều mình nghiệm ra được sau một khoảng thời gian du học. Mình đã, đang và vẫn cố vượt qua nỗi sợ này mỗi ngày", M.A chia sẻ.

Dưới phần bình luận, nhiều người đồng tình với quan điểm của M.A. Họ cho rằng, chuyện em này mắc lỗi diễn đạt (nếu có) là quá bình thường, vì em đang tham gia với tư cách là học sinh/thí sinh nên "có quyền" được thiếu sót. Khi nào giám khảo hay cố vấn sai thì mới đáng lên án.

Cảnh báo một vấn đề tiêu cực là điều tốt, nhưng là người lớn, khi muốn góp ý, trước hết phải xuất phát từ cái tâm thiện chí, mang tính xây dựng. Khi "khẩu nghiệp" trên mạng nhân danh góp ý cho nền giáo dục nước nhà, để "cảnh tỉnh" trẻ em, người lớn cũng có thể vô tình "giết chết" sự tự tin, ý chí và thậm chí là cả cuộc đời của một đứa trẻ.

Trên thực tế, những hành vi, lời nói mang tính tiêu cực, nặng nề trên MXH,... có thể gây ra rất nhiều hậu quả ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thể chất và cả cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Thậm chí một số trường hợp trẻ còn rơi vào các vấn đề sức khỏe tinh thần nguy hiểm như stress kéo dài, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ,…

"Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng nhận xét cái sai về kiến thức của người khác (đặc biệt là học sinh) là "quái đản, quái thai" là nặng nề, thiếu thiện chí, kém văn minh. Bảo cái sai của người khác là 'người ta cười vào mặt' là kiểu trịch thượng, vô duyên. Người sai kiến thức không đáng cười (sai thì sửa, chưa giỏi mới cần học tiếp, học từ cái sai cũng là cần thiết); chỉ có kẻ chê người sai một cách nặng nề, quy chụp là đáng cười mà thôi", một cư dân mạng nhận xét.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày