Từ khi trẻ được sinh ra, cha mẹ đã đặt nhiều kỳ vọng vào con cái. Khi con cái bắt đầu đi học, cha mẹ mong muốn con mình sẽ dành toàn bộ năng lượng cho việc học để nâng cao thành tích học tập. Khi con cái lên cấp 2 và cấp 3, áp lực học tập trở nên lớn hơn. Gia đình có điều kiện kinh tế tốt sẽ cố gắng tạo mọi nguồn lực giáo dục tốt nhất cho con mình để không bị tụt hậu ngay từ đầu. Nhiều học sinh được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục hàng đầu từ nhỏ.
Tuy nhiên, số gia đình có điều kiện kinh tế rất tốt chỉ là thiểu số. Hầu hết các gia đình đều có nền tảng tài chính bình thường, dẫn đến việc cha mẹ tuy muốn con cái mình hơn người ngay ở vạch xuất phát nhưng lại không có đủ khả năng. Mặc dù cuộc sống của cha mẹ có thể rất bình thường, họ vẫn hy vọng con cái có thể vượt lên, đậu vào trường đại học tốt hơn và sau này có công việc tốt hơn, lý tưởng nhất là có tháng lương hơn mười nghìn để vượt qua tầng lớp. Họ cũng hy vọng con cái có thể đáp ứng được nhu cầu của gia đình một cách kịp thời và làm cho cha mẹ tự hào trước mặt người thân. Nếu con cái không đạt được điều này, nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy con cái không đủ hiếu thuận, và tình trạng này được gọi là "bất hiếu kiểu mới".
Ảnh minh họa
Tiểu Vương tốt nghiệp một trường đại học khá danh tiếng. Anh dự định sẽ học lên cao hơn để nâng cao trình độ. Nhưng gia đình khuyến khích anh nên sớm đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cuối cùng, Tiểu Vương đành phải từ bỏ ý định học tiếp và ở lại thành phố để tìm việc.
Dù nhanh chóng tìm được việc làm nhưng mức lương khởi điểm của Tiểu Vương không cao. Thêm vào đó, Tiểu Vương còn phải thuê nhà, trang trải cuộc sống. Với vật giá đắt đỏ ở thành phố lớn, thu nhập của Tiểu Vương thực sự chẳng thấm vào đâu nên cuộc sống của anh khá kham khổ. Mặc dù vậy, Tiểu Vương vẫn cố gắng chuyển tiền về nhà hàng tháng đúng hạn. Tuy nhiên, cha mẹ thường xuyên gọi điện thoại cho anh, ám chỉ rằng số tiền anh gửi về không đủ. Họ còn bày tỏ ý muốn mua thực phẩm chức năng vì tuổi đã cao và thường xuyên cảm thấy không khỏe, cũng như so sánh số tiền hàng tháng mà con cái nhà hàng xóm gửi cho cha mẹ họ.
Tiểu Vương cảm thấy không thoải mái, thậm chí có chút tủi thân. Anh nói thẳng với cha mẹ rằng anh làm việc ở thành phố lớn mà không có bối cảnh hay mối quan hệ nào, gia đình cũng không hỗ trợ, và anh còn phải trả nợ sinh viên, việc có thể chuyển tiền về nhà đúng hạn đã là tốt lắm rồi. Ngay cả khi bị ốm anh cũng không dám xin nghỉ, vậy mà cha mẹ lại không thể thông cảm cho anh.
Điều không ngờ là lời nói của Tiểu Vương khiến cha mẹ anh rất tức giận, họ mắng anh càng lớn càng hư. Cha mẹ đã vất vả nuôi anh ăn học, giờ đây anh đã có một công việc tốt nhưng lại không muốn báo đáp gia đình, thực sự là bất hiếu.
Ảnh minh họa
Nhiều người tỏ ra đồng cảm với câu chuyện của Tiểu Vương. Họ cảm thán, thế hệ trẻ hiện tại, một mặt chữa lành bản thân, mặt khác hòa giải với cha mẹ và bảo vệ gia đình của mình.
Sinh viên vừa tốt nghiệp còn khá lúng túng, hoàn cảnh cũng không dễ dàng gì, vì vậy cha mẹ đừng nên vội vàng. Ai cũng biết, việc cha mẹ nuôi con ăn học không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ về mặt tài chính mà còn là những động viên về tinh thần, là công sức bao năm bao tháng. Bởi thế, nhiều cha mẹ hi vọng khi con cái trưởng thành, có thể báo hiếu cha mẹ, đó là một suy nghĩ rất bình thường.
Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng tăng, bằng cấp đại học không còn quý giá như trước. Giữa làn sóng sa thải căng thẳng và thị trường lao động nóng bỏng, không phải ai cũng may mắn tìm được công việc phù hợp.
Đó là chưa kể bộ tiêu chuẩn chọn lọc nhân tài của các doanh nghiệp càng ngày càng trở nên gay gắt hơn, sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ không thể có nhiều ưu thế như những người lao động đã có nhiều kinh nghiệm làm việc. Dù họ có tìm được việc thì mức lương ban đầu cũng không thể cao ngay được.
Nếu sinh viên ở xa nhà thì đồng nghĩa với việc họ còn cần thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt… Cuộc sống tha hương của người trẻ thực sự không "màu hồng" như cha mẹ tưởng tượng đâu.
Ảnh minh họa
Áp lực người trẻ lớn cỡ nào chắc chỉ người trẻ biết. Lời khuyên ở đây là cha mẹ đừng quá nôn nóng, hãy cứ chờ con cái mình tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, sau đó có khả năng kinh tế nhất định, khi ấy họ chắc chắn sẽ đền đáp gia đình. Hãy cho họ thêm chút thời gian, hãy để gia đình mãi là bến đỗ bình yên, là hậu phương vững chắc để họ bay cao bay xa đến đâu cũng có nơi để trở về.
Nguồn: Toutiao