Bị "bom" hàng chục túi thực phẩm khi đi chợ giúp dân, nữ tổ trưởng có cách xử lý khéo léo khiến tất cả đều nể

Thuỷ Tiên, Theo Pháp luật & Bạn đọc 11:06 01/09/2021

Chỉ 1 tiếng sau khi kêu gọi, vận động bà con tại phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, các túi thực phẩm bị "bom" đã được mua lại hết.

Mới đây, câu chuyện một nữ tổ trưởng tổ dân phố bị "bom" số lượng hàng hóa lớn tại phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đăng tải trên mạng xã hội nhận về nhiều sự chú ý. Theo đó, nguồn tin cho biết, nữ tổ trưởng này luôn xông xáo trong việc hỗ trợ an sinh cho bà con trong khu phố.

Tuy nhiên, sáng ngày 31/8, một tài khoản có tên T.H đăng tải dòng trạng thái cho biết sau khi đi chợ giúp dân, cô tổ trưởng đã bị "bom" số lượng lớn hàng hóa:

"Mấy bạn đặt đồ xong rồi người bỏ công bỏ sức đi mua hộ mang về tận nơi cái kêu không lấy?!? Vì lâu quá. Trong khi người đi mua hộ bao nhiêu nguy cơ, còn phải đi sớm mua mới còn đồ cho mua mà ý thức, lương tâm để đâu vậy?

Ai ở khu phố 6, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 thì ra mỗi người 'ủn' ít mấy đơn hàng bị 'bom' này giúp cho mẹ em và mấy cô bên phụ nữ lấy lại tiền hàng đi về với".

Các túi thực phẩm bị "bom" tại phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 (Ảnh: T.H)

Đăng kèm là bức ảnh nhiều túi hàng hóa, bên trong chứa rau củ quả tươi, thịt cá được để trong túi nilông, chất thành hàng trước vỉa hè.

Bài đăng nhận về nhiều chia sẻ thể hiện sự bức xúc với ý thức của một số bộ phận người dân trong thời điểm dịch bệnh. Một số người cũng hỏi thăm địa chỉ, nhắn tin kêu gọi bạn bè tới mua ủng hộ số hàng tồn giúp tổ dân phố.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, cô Phan Hà, 56 tuổi, tổ trưởng tổ 101, khu phố 6, phường Nguyễn Cư Trinh xác nhận sự việc trên xảy ra vào sáng 31/8 tại khu vực nói trên.

"Đây là hàng của Ủy ban phường. Hội phụ nữ giúp đi chợ hộ cho dân. Tuy nhiên quy trình đặt hàng, đi chợ thường mất 4-5 ngày. Hơn nữa số lượng quá nhiều, khi về phải chia ra, có khi một ngày cả tấn rau củ, thịt cá. Nên khi đưa lại hàng hóa cho dân, họ không muốn lấy nữa. Họ nói hôm nay đưa tiền thì mai tôi phải có hàng".

Cũng theo cô Hà, việc triển khai đi chợ hộ thường theo quy trình các bước gồm: tổ trưởng thu tiền, sau đó nộp về hội phụ nữ, Ủy ban. Từ số tiền này, đội đi chợ sẽ tới đặt hàng trong siêu thị. Sau đó hội phụ nữ mới đến lấy, chở về, rồi chia cho người dân theo combo hộ gia đình đặt. Tuy nhiên, cô Hà cho biết việc mua theo combo còn nhiều bất cập bởi:

"Ví dụ 1 combo người dân đặt có xoài, táo, cam nhưng khi siêu thị trả hàng về chỉ có xoài, táo và cam bị thay bằng một loại hoa quả khác, dân họ không chịu vì không đúng với combo ban đầu họ đặt".

Cô Phan Hà xông xáo giúp dân đi chợ, giao hàng hóa thực phẩm giúp người dân

Số lượng hàng hóa bị trả về, người phụ nữ lại phải xắn tay, cùng các chị em trong hội phụ nữ vận động bà con trong khu phố mua lại. Được biết cô Phan Hà làm công việc chính bên Hội chữ thập đỏ phường Nguyễn Cư Trinh.

Ngoài ra, cô cũng nhận đảm nhiệm công việc đi chợ giúp dân từ những ngày bắt đầu dịch Covid-19. Ban đầu cô xung phong đi làm TNV trong các khu cách ly, sau đó cô chuyển về hỗ trợ công việc trong Ủy ban.

Ngày nắng cũng như mưa, cô Hà đều một tay ngược xuôi lo từng bữa ăn cho bà con được đầy đủ nhất. Trò chuyện với chúng tôi, cô còn cười đùa vui rằng, chiếc xe cô sắp biến thành "xe thồ" vì ngày nào cũng bị chất đầy thịt cá, củ quả. Sự nhiệt tình của cô khiến bà con trong khu đều yêu mến, thế nên khi biết hàng bị "bom", ai nấy cũng vận động mua lại giúp.

"Toàn thịt cá tươi, cứ bỏ đó thì ươn hết. Nhưng thôi, một số hộ gia đình cũng xin lỗi với may mắn là mọi người cũng nhiệt tình mua lại, trong 1 tiếng là giải quyết hết số hàng đó", cô Hà nói.