Báo chí xứ Trung gần đây đăng tải vụ việc một cậu bé tên Lạc Lạc (tên nhân vật đã được thay đổi), 5 tuổi, suýt nữa trở thành nạn nhân của kẻ buôn người. Sự việc xảy ra vào một buổi chiều hai tháng trước, khi Lạc Lạc tan học và cùng bà nội trên đường về nhà.
Trên đường, cậu bé nhìn thấy một người bán bóng bay và tò mò chạy lại mà không để ý đến bà. Khi bà nội nhận ra, Lạc Lạc đã mất dạng. Bà nội lập tức hoảng sợ và gọi ngay cho bố mẹ Lạc Lạc. Cả nhà nhanh chóng chia nhau tìm kiếm, nhưng hơn nửa giờ trôi qua vẫn không có tung tích gì, buộc phải báo cảnh sát.
Thông qua camera giám sát, cảnh sát phát hiện Lạc Lạc đã đi theo một người phụ nữ bán bóng bay và lên một chiếc xe tải nhỏ. Cảnh sát cùng gia đình cậu bé liền chia thành hai hướng tìm kiếm tại ga tàu hỏa và bến xe.
Dù đã tìm kiếm suốt đêm tại ga tàu, cảnh sát và gia đình vẫn không thấy bóng dáng Lạc Lạc. Khi hy vọng gần như tắt lịm, thì bất ngờ Lạc Lạc xuất hiện trước mặt cảnh sát, trong khi người phụ nữ bắt cóc cậu đã kịp bỏ trốn.
Sau đó, Lạc Lạc kể lại câu chuyện với bố mẹ.
Hóa ra, cậu bị người phụ nữ lừa bằng một lời nói dối: "Trong xe có rất nhiều bóng bay đẹp, cô sẽ tặng cháu vài cái miễn phí". Vì quá ngây thơ, Lạc Lạc đi theo mà không nghĩ ngợi gì. Đến nơi, người phụ nữ đẩy cậu lên xe.
Khi đến ga tàu, Lạc Lạc nhận ra mình đã rơi vào tay kẻ buôn người. Nhưng thay vì hoảng sợ kêu cứu, cậu kiên nhẫn quan sát chờ cơ hội.
Tại phòng chờ, cậu bé nhìn thấy cảnh sát đang tuần tra. Lợi dụng lúc người phụ nữ không để ý, cậu hét lên: "Cậu ơi! Sao cậu lại ở đây?".
Câu gọi bất ngờ khiến người phụ nữ hoảng sợ, tưởng người cảnh sát là họ hàng của Lạc Lạc và buông tay. Sau đó, bà ta vội vã bỏ chạy, để lại Lạc Lạc được cảnh sát giải cứu an toàn.
Câu chuyện của Lạc Lạc khiến nhiều người rùng mình, nhưng những vụ việc tương tự không hề hiếm gặp.
Ví dụ, năm ngoái ở Mai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, một bé gái 4 tuổi đã bị một người đàn ông cùng làng dụ lên xe với lý do "đi mua đồ". May mắn thay, sau 3 ngày đêm nỗ lực, cảnh sát đã giải cứu thành công em bé.
Kẻ buôn người có nhiều chiêu trò tinh vi. Chỉ một chút lơ là của cha mẹ cũng có thể khiến con rơi vào nguy hiểm. Dưới đây là một số thủ đoạn thường gặp mà cha mẹ cần biết:
Đây là chiêu bài phổ biến nhất. Chúng thường sử dụng đồ chơi hoặc kẹo ngọt để thu hút trẻ: "Bé ơi, chú có nhiều đồ chơi đẹp hơn trong xe, lại đây chú cho nhé". Trẻ nhỏ vì tò mò hoặc ham vui mà dễ dàng mắc bẫy.
Một số kẻ buôn người sử dụng chính con mình để dụ dỗ trẻ khác. Chúng để con tiếp cận, làm thân với mục tiêu, rồi phối hợp lừa trẻ theo mình.
Có nhóm tội phạm tạo ra cảnh hỗn loạn như giả vờ cãi nhau với trẻ để đánh lạc hướng người xung quanh, sau đó nhanh chóng bắt cóc trẻ.
Cha mẹ cần đảm bảo con luôn trong tầm mắt. Nếu bận rộn, hãy dặn con không được rời xa vị trí.
Hãy dặn trẻ không nhận quà hoặc lời mời từ người lạ. Có thể thiết lập "mật khẩu an toàn" để con nhận diện người thân thật sự.
Cha mẹ cần dạy con nhớ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà. Khi gặp nguy hiểm, trẻ có thể tìm người lớn hoặc cảnh sát để nhờ giúp đỡ.
Hãy nhắc trẻ nếu nhận ra mình sắp bị bắt cóc, cần lập tức hét lớn: "Cứu cháu với, đây không phải bố/mẹ cháu!". Câu nói này có thể khiến kẻ bắt cóc hoảng sợ và thu hút sự chú ý của mọi người.
Trẻ nhỏ thường khó tiếp thu kiến thức phức tạp, nên cha mẹ có thể dùng sách hoặc câu chuyện minh họa để dạy con nhận biết và ứng phó khi gặp nguy hiểm.
An toàn của trẻ là điều không thể lơ là. Mỗi sự bất cẩn đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Dù không thể bảo vệ con mọi lúc, cha mẹ có thể trang bị cho con khả năng tự bảo vệ thông qua giáo dục đúng đắn. Như câu chuyện của Lạc Lạc cho thấy, sự thông minh và can đảm của trẻ, cùng với nền tảng giáo dục từ gia đình, có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao trong những tình huống nguy hiểm.
Hãy bắt đầu giáo dục an toàn cho con từ hôm nay, để bảo vệ sự trưởng thành và hạnh phúc của con – tài sản quý giá nhất của gia đình.