Những bộ truyện hay hoạt hình, phim ảnh có yếu tố du hành thời gian như Doraemon, Trở Lại Tương Lai (Back to the Future) trước nay đều vô cùng nổi tiếng. Do đó, trong nhiều năm liền, việc "du hành thời gian" có thực sự tồn tại hay không luôn là một chủ đề gây ra nhiều tranh luận.
Ý tưởng về việc thực sự tồn tại một cỗ máy du hành thời gian hay người có khả năng di chuyển giữa các dòng thời gian khác nhau ngày một trở nên thu hút . Sau khi một bức ảnh chụp vào năm 1941 được đăng tải kèm theo câu chuyện về người đàn ông "du hành thời gian", giả thuyết này lại càng nhận được nhiều sự quan tâm.
Người đàn ông được cho là đến từ tương lai với diện mạo hoàn toàn khác biệt với phần còn lại trong bức ảnh
Theo đó, bức ảnh chụp vào tháng 11/1941, khi cầu South Fork mở cửa trở lại ở British Columbia, Canada. Việc mở cửa lại của cây cầu này đã thu hút rất đông người dân đến tham quan. Trong bức ảnh ngẫu nhiên này, hình ảnh một người đàn ông mặc áo phông, đeo kính râm và cầm máy ảnh trước ngực bằng cả hai tay. Trong khi đó, những người xung quanh ông lại mặc trang phục có vẻ phù hợp với thời kỳ những năm 40s.
Sau khi bức ảnh được trưng bày lần đầu tiên vào năm 2004 trong cuộc triển lãm của Bảo tàng Barlorne-Pioneer và trưng bày dưới dạng số hóa vào năm 2010, nó đã gây ra làn sóng thảo luận sôi nổi giữa những cư dân mạng về người đàn ông "du hành thời gian" này.
Để kiếm chứng tính thực hư của bức ảnh, trang web kiểm tra thực tế Snopes đã đưa ra nhiều phân tích và cho rằng mặc dù người đàn ông có vẻ ngoài hiện đại nhưng thực chất anh vẫn hoàn toàn có thể là người sống ở thời điểm năm 1941. Trang web này cho rằng mọi thứ người đàn ông này mặc trên người như quần áo, kính mắt hay thậm chí là chiếc máy ảnh hiện đại mà anh ta cầm trên tay đều thực sự đều được sản xuất trước năm 1941.
Theo đó, Snopes cho biết chiếc áo phông có hình chữ "M" được người đàn ông này mặc thực chất là đồng phục của đội khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp Montreal Maroons tại giải National Hockey League (NHL), một đội khúc côn cầu hoạt động từ năm 1924 đến năm 1938.
Chiếc áo của người đàn ông trong ảnh có chữ M tương tự logo của đội Montreal Maroons
Mặc dù không phổ biến lắm vào thời điểm đó nhưng lần đầu tiên mà cặp kính râm mà người đàn ông này đeo xuất hiện là vào những năm 1920. Về phần máy ảnh, rất có thể đó là chiếc Kodak 35 đời đầu và vô cùng hiếm, đây được biết đến là một chiếc máy ảnh du lịch cầm tay được bán trên thị trường từ năm 1938 đến năm 1942.
Chiếc Kodak 35 được cho là chiếc máy ảnh mà người đàn ông cầm trên tay
Nguồn: Snopes, ET Today